LTS: Trước những bàn luận xôn xao về việc đưa xác suất thống kê vào chương trình lớp 2 ở Việt Nam, cô Thu Hồng – Thạc sỹ Giáo dục, giáo viên Trường New Life Academy of Excellence bang Georgia, Hoa Kỳ đã có bài viết chia sẻ về vấn đề này.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Xin thưa rằng, ở Mỹ các em học sinh được học xác suất thống kê từ lớp 1.
Và chủ đề data (làm việc với con số, số liệu) là chủ đề bắt buộc phải có của bất cứ quý học nào. Tại Mỹ, năm học được chia thành 4 quý (quarter), mỗi quý dài 9 tuần.
Ở bất cứ học khu nào, tiểu bang nào, dù trường chọn dùng bất cứ sách giáo khoa của công ty nào thì cứ đến cuối mỗi quý học, sẽ có phần Data and Graphing (làm việc với số liệu và bảng biểu). Khối lớp hay cấp lớp nào đều như vậy.
Ở Mỹ, khi làm việc với số liệu, ở lứa tuổi lớp nhỏ bậc tiểu học (lower elementary - lớp MG -1-2), các em học về thống kê (data, working with data) là chính.
Khi đến kỳ cuối lớp 3 và ở những khối lớn bậc tiểu học (lớp 4-5), khái niệm xác suất (probability) mới được giới thiệu và giảng dạy kỹ.
Một số trang khảo sát dùng cho Math center và những trang sách trong phần Data and Graphing của lớp 1 ở Mỹ theo giáo trình My Math của McGrawHill. |
Vậy khi các bạn nhỏ lớp mẫu giáo1-2 học về thống kê thì học những gì?
Xin lấy cụ thể tiêu chuẩn (standard) và sách giáo khoa của lớp 1 để trả lời cụ thể các em sẽ:
1. Trình bày, sắp xếp và diễn giải số liệu lên tới 3 loại dữ liệu khác nhau (represent, organize, and interpret data up to three categories):
1a. Biết cách thống kê/ghi lại, đếm số lượng của từng dữ liệu, sử dụng tally marks (vạch thẳng). Cứ mỗi 1 vạch tương đương 1 điểm dữ liệu. Ví dụ có 5 người thích ăn kem thì có 5 tally marks, 4 người thích ăn bánh thì có 4 tally marks…
1b. Biểu đồ hình cột: nhìn bảng biểu có tally marks để vẽ ra, diễn giải số liệu thành biểu đồ hình cột. Mỗi 1 điểm dữ liệu tương đương/là 1 thanh trong cột. 5 tally marks tương đương 5 thanh trong cột. Nếu có khảo sát nhiều hơn 1 loại dữ liệu thì có nhiều hơn 1 cột.
1c. Biểu đồ hình ảnh: tương tự như biểu đồ hình cột nhưng mỗi 1 tally tương đương với một hình vẽ. Ví dụ có 5 tally cho 5 người thích ăn kem thì có 5 hình vẽ cốc kem ...
2. Hỏi và trả lời về:
2a. Tổng số của tất cả các loại dữ liệu (tổng cộng bao nhiêu người tham gia trả lời, bao nhiêu người thích ăn kem và bánh, bao nhiêu người vừa có anh vừa có chị...).
2b. Tổng số của từng loại dữ liệu (tổng cộng bao nhiêu người thích ăn kem, bao nhiêu người có anh trai...).
Trẻ em Mỹ được truyền cảm hứng học như thế nào? |
2c. Số hiệu/khác biệt của các loại dữ liệu khác nhau: số người thích ăn kem nhiều hơn bao nhiêu số người thích ăn bánh, số người có anh trai ít hơn số người có chị gái là bao nhiêu…
2d. Suy luận, so sánh, làm việc với các dữ liệu để trả lời: nhiều người thích ăn kem hơn hay nhiều người thích ăn bánh hơn...
Càng lên lớp cao thì các cách diễn giải, trình bày và hỏi đáp về số liệu càng phức tạp. Ví dụ: lên lớp 2, thay vì có cột được chia sẵn thành các thanh bằng nhau như lớp 1, các em phải tự vẽ lấy các thanh; lên lớp 3, điểm dữ liệu không còn là tương quan 1-1 mà là 1-2 hay 1-5, gọi là scaled graph. Ví dụ: 1 hình ảnh kem tương đương với 5 người thích món kem (chứ không phải 1 người).
Do đó, khi trả lời câu hỏi cũng sẽ khó hơn vì các em phải đọc số liệu đúng, khớp hình ảnh/biểu đồ với thông tin trong đề bài/câu hỏi.
Như mọi người có thể thấy qua những hình minh họa, việc dạy các em về thống kê và dữ liệu xoay quanh những đề tài quen thuộc hàng ngày như món ăn hay hoạt động yêu thích, gia đình bạn bè... kèm theo những minh họa sống động, nhiều màu sắc vui tươi.
Các bạn nhỏ rất thích học chủ đề này vì được hỏi han nhau, được nghe ý kiến của nhau, được làm toán và vẽ...