Sau khi công văn số 105/GDVN-HC ngày 01/11/2019 của Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đề xuất Sở Giáo dục và Đào tạo Kiên Giang cung cấp thông tin liên quan đến ông Huỳnh Minh Tâm, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vĩnh Thuận đã dùng giấy chứng nhận học hết cấp 2 em trai để “tiến thân” được đăng tải, ngày 24/12/2019 ông Trần Quang Bảo, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kiên Giang đã ban hành văn bản số 2505/SGDĐT-TTr gửi Báo điện tử Giáo dục Việt Nam để cung cấp thông tin về vụ việc.
Theo đó, Sở Giáo dục Kiên Giang và Đào tạo Kiên Giang xác nhận ông Huỳnh Minh Tâm đã học và được công nhận hết cấp 2 năm học 1979-1980, vì năm học này không tổ chức thi tốt nghiệp phổ thông cơ sở cho học sinh phổ thông.
Nội dung này được kết luận tại Quyết định số 135/KL-TC ngày 10/10/2000 về việc giải quyết vụ việc ông Huỳnh Minh Tâm, Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vĩnh Thuận do ông Nguyễn Hữu Hạnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Kiên Giang đã ký.
Ông Huỳnh Minh Tâm dùng bằng mang tên em trai leo lên ghế trưởng phòng giáo dục? |
Như vậy, văn bản số 2505/SGDĐT-TTr của Sở Giáo dục và Đào tạo Kiên Giang đã cung cấp cho Báo điện tử Giáo dục Việt Nam được 01 trên 05 nội dung mà Tòa soạn đã đề nghị, 04 nội dung còn lại Sở Giáo dục yêu cầu Tòa soạn liên hệ Ủy ban nhân dân huyện Vĩnh Thuận trả lời theo quy định của việc phân cấp quản lý.
Quyết định số 135/KL-TC ngày 10/10/2000 về việc giải quyết vụ việc ông Huỳnh Minh Tâm nói gì?
Ngày 10/10/2000 Sở Giáo dục và Đào tạo Kiên Giang đã ban hành Quyết định số 135/KL-TC về việc giải quyết vụ việc ông Huỳnh Minh Tâm, Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vĩnh Thuận.
Quyết định số 135/KL-TC (Ảnh: tác giả cung cấp). |
Quá trình học tập của ông Tâm được xác định:
Năm học 1981-1982, để đăng ký học lớp sư phạm cấp tốc 9+1, ông Huỳnh Minh Tâm đã dùng giấy chứng nhận học hết cấp 2 mang tên Huỳnh Minh Hiếu (trùng với tên của người em trai ông Tâm – tác giả) và mặc dù chưa hoàn chỉnh trung học sư phạm nhưng ông Tâm lại vẫn được cấp giấy Tốt nghiệp trung học sư phạm hệ sư phạm cấp 1 (việc này được đánh giá là sai quy định).
Sau đó, năm học 1992-1995, ông Huỳnh Minh Tâm tiếp tục dùng giấy chứng nhận học hết cấp 2 vẫn mang tên Huỳnh Minh Hiếu để đăng ký nhập học khóa Trung học sư phạm hệ tại chức 9+3, được Sở Giáo dục và Đào tạo Kiên Giang công nhận đậu tốt nghiệp trung học sư phạm.
Đồng thời, Quyết định số 135/KL-TC ngày 10/10/2000 kiến nghị ông Huỳnh Minh Tâm phải thực hiện thủ tục xin cải chính lại tên theo đúng luật định (cải chính tên từ Huỳnh Minh Hiếu thành Huỳnh Minh Tâm - tác giả).
Như vậy, nhờ vào tấm giấy chứng nhận học hết cấp 2 mang tên người em trai của mình là Huỳnh Minh Hiếu mà ông Tâm đã được đi học các khóa trung học sư phạm và lấy được giấy tốt nghiệp trung học sư phạm hệ sư phạm cấp 1 (9+1) và sau đó là giấy chứng nhận tốt nghiệp trung học sư phạm (9+3).
Tính đến ngày 10/10/2000, ông Tâm đã “leo” lên tới ghế Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vĩnh Thuận nhưng tất cả các văn bằng chuyên môn của ông Tâm vẫn đang mang tên em trai Huỳnh Minh Hiếu.
Việc dùng tên của em trai để đi học để từng bước leo cao, luồn sâu của vị trưởng phòng giáo dục huyện Vĩnh Thuận sẽ tiếp tục được Báo điện tử Giáo dục Việt Nam thông tin ở kỳ sau.