Như tin đã đưa, hiện nay, ngành giáo dục huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang đang có hàng trăm nhà giáo/viên chức giáo dục bị cắt, chặn các chế độ phụ cấp dành cho nhà giáo.
Vụ việc kéo dài đã nhiều năm nhưng dường như cấp có thẩm quyền của huyện Vĩnh Thuận không hề hay biết.
Sự việc chỉ được “phát hiện” khi một số giáo viên đã quá ức chế và bức xúc phải gửi đơn cầu cứu truyền thông.
Và vấn đề này được ông Huỳnh Minh Tâm - Trưởng phòng Giáo dục huyện Vĩnh Thuận giải thích:
“Năm học 2018-2019, các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn có 64 giáo viên được phân công làm nhân viên văn phòng.
Số giáo viên làm nhân viên văn phòng có trình độ chuyên môn chuyên ngành sư phạm, đã được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp viên chức là giáo viên.
Do tình trạng thừa giáo viên nhưng thiếu nhân viên làm công tác văn phòng như kế toán, văn thư, thiết bị, thư viện…nên Ban giám hiệu tạm thời phân công làm nhân viên văn phòng để đảm bảo chế độ làm việc…
Do số giáo viên này làm công tác văn phòng, không tham gia trực tiếp giảng dạy nên không được hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên nhà giáo của Chính phủ”.
Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang (Ảnh minh họa: CTV). |
Những giải thích của vị trưởng phòng giáo dục đã cho thấy, hành vi vi phạm trong công tác phân công viên chức của ngành giáo dục huyện Vĩnh Thuận diễn ra một cách công khai và có tổ chức.
Có thể nói rằng, việc ngành giáo dục huyện Vĩnh Thuận tùy tiện phân công công việc cho viên chức trái vị trí việc làm và trái chuyên môn nghiệp vụ chính là hành vi vi phạm.
Sự khẳng định “Do số giáo viên này làm công tác văn phòng, không tham gia trực tiếp giảng dạy nên không được hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên nhà giáo của Chính phủ” đã cho thấy, dường như ông Huỳnh Minh Tâm đã bỏ qua tất cả các văn bản quy phạm pháp luật quan trọng có liên quan đến công tác quản lý viên chức và văn bản quy phạm pháp luật quan trọng nhất đã bị ngành giáo dục Vĩnh Thuận phớt lờ chính là Luật Viên chức.
Năm 2010, Luật Viên chức pháp luật được xây dựng để điều chỉnh hoạt động của viên chức, cụ thể:
“Viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật” (Điều 2, Luật Viên chức).
Và, nguyên tắc quản lý viên chức được quy định như sau:
“Việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý, đánh giá viên chức được thực hiện trên cơ sở tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, vị trí việc làm và căn cứ vào hợp đồng làm việc” (Khoản 3 Điều 6, Luật Viên chức).
Những quy định pháp lý cẩm nang này cho biết, người đứng đầu cơ sở giáo dục/ hiệu trưởng có quyền sắp xếp, bố trí công việc cho viên chức do mình quản lý nhưng việc sắp xếp, bố trí công việc cho viên chức phải phù hợp với yêu cầu công việc, khả năng chuyên môn của viên chức.
Nhà giáo bị chậm chế độ nâng lương vẫn phải chờ ...chính quyền |
Nhưng, ngoài những điều căn bản nêu trên, để bố trí việc làm cho viên chức, Nghị định số 41/2012/NĐ-CP, ngày 08/05/2012 của Chính phủ có quy định như sau:
“Vị trí việc làm là công việc hoặc nhiệm vụ gắn với chức danh nghề nghiệp hoặc chức vụ quản lý tương ứng; là căn cứ xác định số lượng người làm việc, cơ cấu viên chức để thực hiện tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập” (Khoản 1 Điều 2).
Phương pháp xác định vị trí việc làm lại được quy định cụ thể:
a) Bước 1: Thống kê công việc theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị sự nghiệp công lập;
b) Bước 2: Phân nhóm công việc;
c) Bước 3: Xác định các yếu tố ảnh hưởng;
d) Bước 4: Thống kê, đánh giá thực trạng chất lượng đội ngũ viên chức;
đ) Bước 5: Xác định bảng danh mục vị trí việc làm cần thiết của đơn vị sự nghiệp công lập;
e) Bước 6: Xây dựng bản mô tả công việc của từng vị trí việc làm;
g) Bước 7: Xây dựng khung năng lực của từng vị trí việc làm;
h) Bước 8: Xác định chức danh nghề nghiệp tương ứng với danh mục vị trí việc làm cần thiết. (Điều 5,Nghị định số 41/2012/NĐ-CP)
Và tất cả các nội dung nói trên tiếp tục được hướng dẫn cụ thể tại Thông tư số 14/2012/TT-BNV của Bộ Nội vụ ngày 18/12/2012.
Viên chức/ nhà giáo phải chấp hành sự phân công công tác của người có thẩm quyền chỉ được thực hiện khi người đứng đầu cơ sở quản lý viên chức/ Hiệu trưởng áp dụng đúng các quy định nêu trên và cũng phải xác định xem viên chức/ nhà giáo có đủ điều kiện đảm nhiệm công việc/ nhiệm vụ được giao hay không mới được phép phân công.
Nhưng, cũng theo quy định nói trên, việc viên chức/ nhà giáo phải chấp hành sự phân công này chỉ được áp dụng theo hình thức “kiêm nhiệm”.
Huyện Vĩnh Thuận không chỉ có 1 nhà giáo phải “nước mắt chan cơm” |
Vì tất cả các đối tượng này đều đã được cơ quan chức năng của huyện Vĩnh Thuận bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp là “giáo viên” của cấp học theo văn bằng chuyên môn họ được đào tạo.
Hơn nữa, những viên chức/ nhà giáo này đã được tuyển dụng theo quy định của Luật Viên chức.
Do vậy, ngoài các quy định nêu trên, để phân công công việc cho họ, người đứng đầu cơ sở giáo dục/ hiệu trưởng còn phải tuân thủ quy định tại tại điều 25 Nghị định 29/2010/NĐ - CP. Cụ thể:
1. Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập hoặc người đứng đầu đơn vị sử dụng viên chức chịu trách nhiệm phân công nhiệm vụ, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của viên chức, bảo đảm các điều kiện cần thiết để viên chức thực hiện nhiệm vụ và các chế độ, chính sách đối với viên chức.
2. Việc phân công nhiệm vụ cho viên chức phải bảo đảm phù hợp với chức danh nghề nghiệp, chức vụ quản lý được bổ nhiệm và yêu cầu của vị trí việc làm".
Như vậy, khẳng định rằng không thể tùy tiện, tùy hứng trong việc việc phân công viên chức.
Và, pháp luật không cho phép ngành giáo dục Vĩnh Thuận đẩy nhà giáo vào các vị trí nhân viên hỗ trợ để “lắp vá” cho sự thiếu hụt nhân sự “nhân viên” như cách lý giải của ông Huỳnh Minh Tâm.
Ngành giáo dục huyện Vĩnh Thuận không sửa đổi, bổ sung hợp đồng làm việc khi phân công nhiệm vụ trái vị trí, chức danh nghề nghiệp cho viên chức/ nhà giáo là hành vi cố tình vi phạm pháp luật
Trong bài viết Sở Nội vụ Kiên Giang yêu cầu huyện Vĩnh Thuận giải quyết chế độ của giáo viên số ra ngày 23/11/2019, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam cũng đã đề cập những yếu tố pháp lý căn bản trong việc tuyển dụng, bố trí, phân công, thay đổi công việc đối với viên chức…trong đơn vị sự nghiệp công lập, cụ thể:
Giáo viên chính là viên chức, do đó, các cơ sở giáo dục quản lý viên chức bằng “hợp đồng làm việc”.
Nhiều giáo viên Vĩnh Thuận không được hưởng phụ cấp thâm niên nghề |
Pháp luật quy định, trong quá trình thực hiện hợp đồng làm việc, nếu một bên có yêu cầu thay đổi nội dung hợp đồng làm việc thì phải báo cho bên kia biết trước ít nhất 03 ngày làm việc.
Khi đã chấp thuận thì các bên tiến hành sửa đổi, bổ sung nội dung liên quan của hợp đồng làm việc.
Trường hợp không thoả thuận được thì các bên tiếp tục thực hiện hợp đồng làm việc đã ký kết hoặc thoả thuận chấm dứt hợp đồng làm việc.
Qua thông tin Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có được, nhiều nhà giáo đã rất uất ức và không hề có sự đồng thuận khi bị cơ sở giáo dục “phân công” trái vị trí.
Và những nhà giáo này đã không hề được cơ sở giáo dục thực hiện quy định về việc lập hợp đồng mới hoặc sửa đổi, bổ sung/ thay đổi hợp đồng đã ký kết trước đó với họ.
Từ đây thấy rằng, việc coi thường pháp luật của ngành giáo dục Vĩnh Thuận trong công tác quản lý nhân sự rất công khai, sự việc này cũng đã diễn ra trong thời gian rất dài nhưng không hề có cơ quan chức năng nào của huyện Vĩnh Thuận hay biết.
Và nay, ông Huỳnh Minh Tâm lại thản nhiên lý giải về việc có “64 giáo viên được phân công làm nhân viên văn phòng” vì “tình trạng thừa giáo viên nhưng thiếu nhân viên làm công tác văn phòng như kế toán, văn thư, thiết bị, thư viện…nên Ban giám hiệu tạm thời phân công làm nhân viên văn phòng để đảm bảo chế độ làm việc…” đã góp phần giải đáp cho câu hỏi: “Ai đã được lợi khi ngành giáo dục huyện Vĩnh Thuận thực hiện công tác phân công viên chức trái luật?” mà công luận đã đặt ra bấy lâu.