Phác thảo chân dung những kẻ “hại nước, hại dân” (2)

09/05/2018 08:01
Xuân Dương
(GDVN) - “Ăn” của dân tới 93% chỉ có thể là bọn mafia, những kẻ trùm sò nắm quyền quyết định tại các đơn vị, họ tuyệt nhiên không thể gọi là cán bộ lãnh đạo...

Trở lại câu chuyện “Bản đồ Thủ Thiêm”, ông Võ Viết Thanh, nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh hiện vẫn lưu giữ 13 tấm bản đồ kèm theo tờ trình của Ủy ban Nhân dân thành phố gửi Thủ tướng Võ Văn Kiệt năm 1995 trong bộ hồ sơ có tên “Đồ án quy hoạch phát triển Khu trung tâm thành phố mới Thủ Thiêm Thành phố Hồ Chí Minh - tháng 5-1995”.

Điều này khiến người dân ngờ ngợ về phát biểu sau đây của hai quan chức Chính phủ:

Ông Trưởng ban tiếp công dân Thanh tra Chính phủ Nguyễn Hồng Điệp có một “gợi ý” gửi tới quan chức Thành phố Hồ Chí Minh:

Cần sớm trả lời sòng phẳng, thẳng thắn với người dân là không có bản đồ quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm, vì Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước cũng không có”.

Phác thảo chân dung những kẻ “hại nước, hại dân” (1)

Là Trưởng ban tiếp công dân chắc hẳn ông Điệp nắm rất rõ những cuộc khiếu nại dai dẳng nhiều năm qua của người dân Thủ Thiêm với các cơ quan trung ương, thay vì chờ đợi làm rõ trắng đen việc “thất lạc” bản đồ quy hoạch, ông chân thành “khuyên” địa phương rằng ở trung ương (Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước) “không có” nên thành phố cứ yên tâm “sòng phẳng” với dân là không có?

Một khi “không có bản đồ gốc” thì dân còn đòi hỏi đối chiếu cái gì, chuyện tự nhiên sẽ kết thúc, đơn giản vậy thôi sao phải tìm kiếm cho mất công!   

Ông Lê Quang Hùng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, khẳng định với báo chí, rằng:

Quy hoạch chung năm 1996 về pháp lý đã được thay đổi bằng quy hoạch 2005.

Còn thất lạc, trách nhiệm, hệ lụy gì thì liên quan đến quy hoạch trước, thuộc trách nhiệm của những người liên quan quản lý trước đang xem xét, làm rõ”. [1]

Tập hồ sơ dán nhãn "Đồ án quy hoạch phát triển Khu trung tâm thành phố mới Thủ Thiêm Thành phố Hồ Chí Minh tháng 5/1995" được ông Võ Viết Thanh, nguyên Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh lưu giữ cẩn thận trong cặp hơn 20 năm qua. Ảnh: Zing.vn
Tập hồ sơ dán nhãn "Đồ án quy hoạch phát triển Khu trung tâm thành phố mới Thủ Thiêm Thành phố Hồ Chí Minh tháng 5/1995" được ông Võ Viết Thanh, nguyên Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh lưu giữ cẩn thận trong cặp hơn 20 năm qua. Ảnh: Zing.vn

Ý của ông Hùng là lỗi thuộc về những người trước kia chứ không phải gần đây hay bây giờ, mà những người trước kia (từ năm 1996) còn mấy người tại chức, thế có nên “hòa cả làng”?

Viện dẫn “pháp lý” của ông Thứ trưởng Hùng khiến người ta nghĩ rằng ông là người rất am hiểu pháp luật. Vậy thực chất là thế nào? Các dữ liệu công khai đến nay cho thấy:

Binh pháp quan trường, kế thứ 6 – “Đòn gió bẻ măng”

Được biết, Quyết định 6565 của Uỷ ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thời điểm đó căn cứ vào Văn bản số 1642 do Phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký ngày 24/11/2003, đó là chỗ dựa pháp lý cho việc Thành phố Hồ Chí Minh “bác” quyết định của Thủ tướng.

Theo quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật:

Văn bản quy phạm pháp luật chỉ được sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ bằng văn bản quy phạm pháp luật của chính cơ quan nhà nước đã ban hành văn bản đó hoặc bị đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ bằng văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên có thẩm quyền”.

Như vậy, Quyết định của Thủ tướng chỉ có thể “sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ hoặc bãi bỏ” bởi một quyết định do Thủ tướng hoặc cấp cao hơn Thủ tướng ký.

Trong 12 loại văn bản quy phạm pháp luật, liên quan đến Chính phủ chỉ có hai loại là Nghị định của Chính phủ và Quyết định của Thủ tướng.

Nếu văn bản số 1642 nêu trên là “Công văn” chứ không phải là “Quyết định của Thủ tướng” thì không thể dùng làm cơ sở để chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh ra văn bản thay thế Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Thư ngỏ gửi ông Bí thư, Chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi

Thậm chí ngay cả khi văn bản số 1642 là Quyết định của Thủ tướng ủy quyền cho Phó Thủ tướng ký, cho phép điều chỉnh quy hoạch thì Thành phố Hồ Chí Minh cũng phải báo cáo để Thủ tướng ban hành quyết định mới chứ không thể “thay thế” quyết định của Thủ tướng.  

Những dẫn chứng khác như ông Cục trưởng “cấp phép” hát Quốc ca, ông Thứ trưởng khẳng định “Quảng Nam đúng quy trình vụ Giám đốc sở 30 tuổi”, ông Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Tất Thành Cang tự bán đất công,…  tìm trên các trang báo chắc không khó.

Hiểu biết pháp luật của một bộ phận quan chức Chính phủ như thế có góp phần xây dựng một Chính phủ “minh bạch, kiến tạo, công khai, liêm chính, gần dân, sát dân” mà người đứng đầu Chính phủ đã từng hứa trước Quốc hội, trước cử tri cả nước?

Những tưởng câu chuyện “nhường cho nhiệm kỳ sau giải quyết” đã là quá khứ, nhưng hình như cho đến nay không ít “nhiệm kỳ sau” vẫn khiến cho người dân ngỡ ngàng.

Chiếc ghế họ đang ngồi có tương xứng với năng lực vẫn là câu hỏi chưa có lời giải đáp.

Những “nhiệm kỳ sau” ấy, họ đang đẩy thuyền hay tạo sóng, nói thẳng ra họ đang “vì nước, vì dân” hay vì điều gì đó mà dân biết nhưng tổ chức chưa biết?

Quay lại ý kiến của một vị lãnh đạo: “Người ta ăn của dân không chừa một thứ gì”, cụ thể họ “ăn” như thế nào?

Xin hỏi, nay còn đồng chí nào chưa bị lộ?

Tại dự án cải tạo Quốc lộ 20 (chiều dài hơn 124 km đi qua địa phận thành phố Bảo Lộc, các huyện Di Linh, Đơn Dương, Đức Trọng và Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) liên danh được chỉ định thầu là Tổng Công ty 319 (Bộ Quốc phòng); Công ty Cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn (Bộ Quốc phòng) và Công ty Trách nhiệm hữu hạn sản xuất thương mại dịch vụ Yên Khánh. [2]

Các thông tin trên được nhadautu.vn dẫn từ Kiểm toán Nhà nước cũng như Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra rất nhiều sai phạm tại Dự án cải tạo Quốc lộ 20.

Giá trị được phê duyệt giải phóng mặt bằng trong dự án là 459 tỷ đồng.

Thực tế, số tiền chi ra để giải phóng mặt bằng chỉ 32 tỷ đồng, nhà đầu tư bỏ túi 427 tỷ đồng.

Tính ra người ta “chỉ ăn” có 93%, vẫn còn dành cho dân tới những… 7% chứ không phải là “không chừa tí gì”!

“Ăn” của dân tới 93% chỉ có thể là bọn mafia, những kẻ trùm sò nắm quyền quyết định tại các đơn vị này, họ tuyệt nhiên không thể gọi là cán bộ lãnh đạo, đó đích thị là những kẻ “hại dân, hại nước”.

Từ những phác thảo sơ bộ, có thể tóm lược thế này: “Hại dân, hại nước” không phải chỉ là một bộ phận không nhỏ cán bộ mà có cả những người dân thường, các sự kiện “rau hai luống, cà phê pin, thuốc ung thư than tre,…” chỉ là vài ví dụ trong vô số vi phạm chưa bị phát hiện.

Tuy nhiên vi phạm của cán bộ, nhất là cán bộ cao cấp thì tầm ảnh hưởng rộng hơn, nghiêm trọng hơn vì liên quan đến đường lối, chính sách, thể chế chính trị, kinh tế, đến an ninh quốc gia và sự phát triển của đất nước.

Để loại bỏ những kẻ hại dân, hại nước khi họ là người có chức, quyền, có ý kiến là phải xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực, thậm chí xem đó là khâu đột phá.

Sự tiến hóa của tham nhũng và nhụt ý chí, dẹp sang bên có thành “người tử tế”?

Người viết cho rằng ý kiến đó không sai nhưng có gì đó chưa đúng với tư tưởng Hồ Chí Minh.

Hồ Chủ tịch nói: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội trước hết cần có những con người xã hội chủ nghĩa”.

Từ “trước hết” trong giáo huấn của Hồ Chủ tịch khiến phải nêu câu hỏi: “Chúng ta đã có những con người xã hội chủ nghĩa chưa?”.

Trả lời “chưa” e là phiến diện bởi xã hội ngày nay vẫn có những người tâm huyết, tài năng sẵn sàng cống hiến cho tổ quốc, nhưng thực tế cho thấy đây không phải là số đông, càng không phải là tất cả.

Khi chưa có số đông “những con người xã hội chủ nghĩa” mà chúng ta bắt tay ngay vào xây dựng chủ nghĩa xã hội thì đương nhiên va vấp là không tránh khỏi.

Vậy muốn đột phá phải trả lời được hai câu hỏi sau:

Thứ nhất: Ai, bộ phận nào phải chịu trách nhiệm việc giáo dục, đào tạo những con người xã hội chủ nghĩa?

Quốc sách và sự nhẫn nhịn của Giáo dục

Thứ hai: Ai, bộ phận nào chịu trách nhiệm về việc đặt những con người “chưa xã hội chủ nghĩa” vào vị trí lãnh đạo, thậm chí là lãnh đạo cao cấp?

Xin khẳng định ngay giáo dục, đào tạo ra “những con người xã hội chủ nghĩa” không phải là trách nhiệm của riêng ngành Giáo dục, đó là của cả hệ thống chính trị.

Cho đến nay ngoài một số nghị quyết của Trung ương Đảng, phía Nhà nước vẫn chưa có đột phá đáng kể nào trong việc thực hiện bằng được chủ trương “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”.

Cho đến nay, vẫn tồn tại một tâm lý không mấy vui vẻ là đổ lỗi hoàn toàn cho ngành Giáo dục về những yếu kém, lộn xộn trong quan hệ Nhà trường - Gia đình - Xã hội, về chất lượng đội ngũ cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ được đào tạo.

Không mấy người dám thẳng thắn cho rằng, chúng ta mới chỉ dừng ở mức nêu khẩu hiệu chứ chưa quyết tâm thực hiện chủ trương đó.

Nói một cách chính xác, suốt mấy chục năm qua, câu “chuột chạy cùng sào” được lưu truyền rộng rãi trong xã hội nhưng chúng ta còn ít thấy các ban, ngành làm gì để chấm dứt tình trạng đó!

Quá nóng, quá lạnh đều mất ngủ, chỉ có heo may là yên giấc nồng!

Cho đến hôm nay, năm 2018 này, lấy gì để đảm bảo cho ý kiến của người đứng đầu ngành Giáo dục, rằng ngành Sư phạm phải tuyển chọn những học sinh ưu tú?

Nếu không tạo ra những điều kiện bảo đảm (việc làm, thu nhập,…) thì hậu quả sẽ có thể thấy ngay trong kỳ thi tuyển sinh năm nay, có lẽ chúng ta không phải chờ đợi quá lâu.

Một nền giáo dục “trường chưa ra trường, thày chưa ra thày, trò chưa ra trò” không thể đào tạo được “những con người xã hội chủ nghĩa” đó là điều hiển nhiên và đó cũng chính là nguyên nhân khiến chúng ta vẫn chập chững trong giai đoạn “quá độ” chứ chưa thực sự bước vào xây dựng chủ nghĩa xã hội - bởi chúng ta thiếu điều “trước hết” như giáo huấn của Hồ Chủ tịch.

Vấn đề thứ hai liên quan đến công tác cán bộ, tức là liên quan đến Tổ chức, Nội vụ.

Thứ nhất, ở tầm vĩ mô:

Người dân không liên quan đến chuyện tuyển dụng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, luân chuyển cán bộ, đặc biệt là việc xây dựng đội ngũ cán bộ nguồn.

Vì Trung ương đã nhận định là tồn tại “một bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên “phai nhạt lý tưởng, tham ô, hủ hóa, cậy chức, cậy quyền,…” nên đối tượng được lựa chọn, bồi dưỡng cán bộ không phải trong số hơn 4,5 triệu đảng viên mà ít hơn thế.

Nước Việt có hơn 90 triệu người, có mấy triệu Việt kiều rải rác khắp thế giới và chắc chắn không thiếu người tài, nếu vẫn theo quan niệm tuyển chọn cán bộ như trước đây, lấy gì bảo đảm đó là những người Việt ưu tú nhất?

Kiểm soát quyền lực khó hay dễ?

Đảng và Nhà nước có chủ trương “Hòa giải, hòa hợp dân tộc” khi nói đến sự khác nhau về chính kiến giữa người Việt trong nước và đồng bào ở nước ngoài.

Vậy vì sao lại ngại tuyển chọn cán bộ lãnh đạo trong số những người chưa phải là đảng viên?

Có nên có sự “hòa hợp dân tộc” khi tuyển chọn cán bộ theo tiêu chí họ là người tài đức và mang dòng máu Lạc Hồng?

Thứ hai, hoạt động cụ thể:

Hiện nay, hoạt động của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đang nhận được sự đồng tình, ủng hộ của người dân.

Có ý kiến cho rằng hoạt động của các cơ quan này nhằm giải quyết phần ngọn, tức là các vụ việc tham nhũng đã hoặc đang xảy ra chứ chưa phải truy đến cội nguồn vấn đề.

Người dân mong muốn được biết những ai đã giới thiệu (bảo lãnh) cho Nguyễn Xuân Anh, Đinh La Thăng, Phan Thị Mỹ Thanh, các tướng lĩnh, cán bộ cấp cao  ngành công an vừa bị khởi tố,… ngồi vào vị trí quyền lực cao như vậy?.

Nếu không có chế tài xử lý người “đỡ đầu” thì chuyện gửi gắm, liên minh “con của ông này, cháu của cha kia” sẽ vẫn tồn tại.

Mặt khác, dẫu có kiên quyết đến mấy mà vẫn duy trì hình thức khiển trách, nghiêm túc rút kinh nghiệm thì khó có thể răn đe những người “tôi nghỉ hưu rồi, họ muốn xử sao thì xử”.

Công tác tổ chức cán bộ là gốc rễ của vấn đề ai cũng hiểu, ai cũng đồng tình.

Mọi biểu hiện mua quan, bán chức, kết bè kéo cánh, con ông cháu cha,… không thể xảy ra nếu các cơ quan Nội vụ, Tổ chức làm đúng chức năng, nhiệm vụ của mình.

Để lọt nhiều người vào những vị trí cao hoặc rất cao trong hệ thống chính trị không thể nói là không có trách nhiệm cho hai cơ quan tham mưu này và vì thế lục lại quá khứ để tìm ra khiếm khuyết cũng quan trọng như các đại án kinh tế mà Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đang theo dõi.

Muốn những kẻ hại nước, hại dân không thể “lẻn” vào bộ máy công quyền, cần đến sự công khai, minh bạch.

Đã là công chức thì không được đi buôn, đã buôn bán thì không thể làm công chức, viên chức.

Nền kinh tế thị trường đặc biệt của chúng ta làm xuất hiện một tầng lớp mới, vừa là công chức, vừa có cổ phần tại các công ty, doanh nghiệp, thậm chí còn là ông chủ các doanh nghiệp bình phong, sân sau.

Lợi nhuận lên đến 300%, treo cổ người ta còn không sợ thế thì người ta sợ gì chuyện vi phạm nghiêm trọng hay rất nghiêm trọng!

Những kẻ hại nước, hại dân thời nào cũng có nhưng sao nay nhiều thế?

Tài liệu tham khảo:

[1] http://danviet.vn/tin-tuc/ban-do-thu-thiem-bi-that-lac-thu-truong-bo-xay-dung-noi-gi-872170.html

[2] http://www.nhadautu.vn/nhieu-sai-pham-tai-du-an-cai-tao-ql-20-do-thai-son-cuu-long-cipm-thuc-hien-d9361.html

Xuân Dương