Phải chăng vì học “gạo’ nên sợ đề thi của Phòng, của Sở?

04/05/2019 06:16
Việt Đăng
(GDVN) - Muốn đánh giá chất lượng, đừng chỉ nghe báo cáo, đừng chỉ tin con số thống kê. Hãy ra bài khảo sát không báo trước, chắc chắn chất lượng thật sẽ được phơi bày
Học sinh trường tích cực ôn tập chuẩn bị thi Trung học phổ thông quốc gia 2019 (Ảnh: CTV)
Học sinh trường tích cực ôn tập chuẩn bị thi Trung học phổ thông quốc gia 2019 (Ảnh: CTV)

Ngày lễ, người người, nhà nhà cùng nhau hoan hỉ đi chơi, đi ăn uống, hát hò để giảm căng thẳng trong những ngày làm việc mệt mỏi.

Thế nhưng còn không ít một bộ phận học sinh vẫn miệt mài, chăm chỉ “cày chữ” trên những trang vở trong các lớp học thêm (học ở trường, ở nhà thầy cô và các trung tâm ôn luyện văn hóa).

Đó là những học sinh lớp 9 (năm nay thi vào 10 và học sinh lớp 12 năm nay thi tốt nghiệp).

Các em không chỉ bổ sung kiến thức cho kỳ thi vào lớp 10 và kỳ thi trung học quốc gia mà ít nhất phải vượt qua kỳ kiểm tra cuối năm học.

“Vượt qua kỳ kiểm tra” nghe nặng nề nhưng điều đó chẳng sai tí nào

Nếu chỉ kiểm tra bằng đề của nhà trường ra thì chẳng có vấn đề gì.

Bởi, giáo viên sẽ tập trung ôn tập cho học sinh theo đề cương của đề thi.

Vì thế, học sinh không chỉ đạt điểm cao mà 100% đạt điểm từ trung bình trở lên.

Thầy cô giáo đã làm đề cương cho kiểm tra như thế nào?

Nhưng kiểm theo đề chung của Phòng (dành cho học sinh khối 9), của Sở Giáo dục (dành cho học sinh khối 12) lại không hề đơn giản như thế.

Biết đề ra trọng tâm vào phần nào để học? Nếu dạy chắc phần này, nhỡ ra vào phần khác thì sao?

Bởi vậy, giáo viên chỉ còn cách phần nào cũng ôn, kiến thức nào cũng phải học.

Vì thế, lượng kiến thức ôn tập sẽ khá nặng nề.

Không chỉ mình học sinh mà chính thầy cô, chính nhà trường cũng vô cùng lo lắng.

Bởi, chất lượng thật của học sinh, của nhà trường sẽ được “phơi bày” qua lần kiểm tra chung đề ấy.

Vì sao nhiều trường học lại sợ khi học sinh kiểm tra đề của Phòng và Sở?

Vẫn nhức nhối nạn nâng, sửa điểm cho học sinh

Theo quy định ở một số địa phương, đề kiểm tra học kỳ 2 của học sinh khối 9 thường do Phòng và học sinh lớp 12 do Sở Giáo dục ra .

Thông qua việc kiểm tra đề chung như thế, Phòng, Sở Giáo dục sẽ nắm chắc chất lượng học tập của học sinh từng trường trong địa bàn.

Nhưng nhiều trường học lo lắng vì không biết đề kiểm tra sẽ ra thế nào? Trọng tâm sẽ nằm ở đâu để ôn tập cho học sinh.

Thường thì những bài kiểm tra ở trường, giáo viên bộ môn ra đề và trao đổi cho nhau để ôn tập chính những nội dung sẽ có trong đề kiểm tra của các em.

Nhờ thế mà xảy ra tình trạng “mưa” điểm 9,10 và không có cảnh học sinh bị điểm kiếm.

Nay đề của Phòng, Sở ra (ngoài trường học có người ra đề ) học sinh sẽ làm rất tốt thì những trường học còn lại chỉ ôn tập một cách “tù, mù”, hên xui.

Với học sinh từ trước đến nay đã quen với cách học “mớm” và cách thi “tái hiện” kiến thức đã học, nay muốn làm được đề của Phòng, Sở ra, các em phải biết vận dụng những kiến thức đã học để giải quyết vấn đề quả không hề dễ.

Điều này đã gây khó khăn cho các em và nỗi lo lắng cho chính nhà trường.

Đã có học sinh điểm kiểm tra ở trường luôn đạt điểm 9,10 nhưng khi làm đề của Phòng, Sở chỉ còn khoảng bốn, năm điểm.

Những học sinh hằng ngày đạt mức 6 hoặc 7 điểm nhưng khi thi đề của Phòng, Sở cũng chỉ đạt điểm 3, 4 thậm chí có em ẳm ngay điểm 0.

Có thể nói, chất lượng học sinh được thể hiện rõ nhất trong đợt kiểm tra theo đề chung của Phòng, Sở Giáo dục.

Vì thế, muốn đánh giá chất lượng thật của học trò trong ngôi trường ấy, đừng chỉ nghe báo cáo, đừng chỉ tin những con số nhà trường thống kê.

Hãy ra bài khảo sát không báo trước, chắc chắn chất lượng thật sẽ được phơi bày một cách trung thật nhất.

Việt Đăng