So với nhiều nước khác, số lượng trường đại học nước ta hiện nay khá lớn (gồm 236 trường đại học, học viện (không tính các trường thuộc khối quốc phòng - an ninh).
Trong khi thực trạng đào tạo, quản lý trường đại học còn có những bất cập, chất lượng đào tạo, đóng góp xã hội còn hạn chế đã để lại hệ lụy về sự khập khiễng giữa tăng tốc quy mô và nâng cao chất lượng.
Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - nguyên phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), khẳng định hệ thống giáo dục đại học trong nước đang rất manh mún, hỗn độn. Điều này bộc lộ ngay từ xu hướng phát triển của từng trường đại học trong hệ thống.
Cụ thể, trong khi thế giới phát triển các trường đại học đa ngành, đa lĩnh vực thì các trường đại học của Việt Nam chủ yếu chạy theo xu hướng đơn ngành, khép kín. Đ
iều này gây khó cho hoạt động của chính trường đại học bởi việc chỉ tập trung vào đơn ngành đào tạo khiến các trường không bắt nhịp, không đáp ứng được nhu cầu thực tế.
Theo Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, Nếu muốn có đại học đa lĩnh vực vững mạnh thì cần có chiến lược ghép các trường khác lĩnh vực, tối kị ghép các trường cùng lĩnh vực hoặc khác đẳng cấp. (Ảnh: Thùy Linh) |
"Các chuyên gia kinh tế đã chỉ ra nếu một trường đại học có tổng quy mô dưới 3.000 sinh viên, chi phí đào tạo sẽ bị đội lên rất cao. Vì vậy nếu là trường đa ngành, có khả năng đáp ứng được nhu cầu nhân lực cho nền kinh tế luôn biến động sẽ đảm bảo được quy mô đào tạo hợp lý.
Tuy nhiên, ở nước ta để giải quyết bài toán chi phí, nhiều trường đơn ngành tìm nhiều cách nhằm tăng quy mô, giảm chi phí đào tạo. Như vậy làm sao đảm bảo được chất lượng?" - ông Khuyến phân tích.
Hơn nữa, ông Khuyến thông tin, để triển khai Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa 7) nhằm đổi mới hệ thống giáo dục nước ta từng bước theo hướng phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, Nhà nước chủ trương xây dựng các đại học đa lĩnh vực thì năm 1993 và 1994 lần lượt 5 đại học đa lĩnh vực là Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Thái Nguyên, Đại học Huế và Đại học Đà Nẵng đã được thành lập dựa trên nguyên tắc gom một số cơ sở giáo dục đại học chuyên ngành có trên cùng một địa bàn lại với nhau.
Bức tranh về giáo dục khai phóng dưới góc nhìn của Giáo sư Lâm Quang Thiệp |
Với 5 đại học này, xã hội mong chờ những ưu việt mà kiểu trường này sẽ thể hiện như: bộ máy tổ chức gọn nhẹ, sinh viên được tự do lựa chọn học các môn học hoặc các chương trình liên ngành ở các trường khác nhau, học với giảng viên giỏi nhất ở tất cả môn học...
"Tuy nhiên, cho tới nay, các đại học đa lĩnh vực của ta chưa phải là một chỉnh thể thống nhất (đặc biệt trong lĩnh vực đào tạo) mà chúng chỉ vận hành dưới dạng của một “tập đoàn đại học” hay chính xác hơn, dưới dạng của một “liên hiệp các trường đại học chuyên ngành” nên không có được sức mạnh tổng hợp như những đại học đa lĩnh vực đích thực" - ông Khuyến nói.
Từ những điều này, ông Khuyến nêu lên sự cấp thiết phải quy hoạch mạng lưới trường đại học để chất lượng được bật lên.
Tuy nhiên, ông Khuyến chỉ rõ, quy hoạch mạng lưới trường đại học cần tiến hành càng sớm càng tốt đối với hệ thống trường công để bảo đảm đầu tư có hiệu quả còn trường tư thục sáp nhập thế nào thì tùy thuộc vào chủ sở hữu, nhà đầu tư.
Bởi lẽ, hiện nay nhà nước đang kêu gọi huy động nguồn lực xã hội hóa, do đó nếu chúng ta can thiệp vào vấn đề quy hoạch các trường tư thục thì làm sao thực thi được khẩu hiệu này.
Ngoài ra, nếu thông qua kiểm định thầy sản phẩm của trường tư thục kém thì nhà nước có chế tài không cho đào tạo nhằm đảm bảo chất lượng sinh viên, đảm bảo quyền lợi của người học.
Còn đối với hệ thống trường công thuộc sở hữu của nhà nước, do nhà nước đầu tư do đó nhà nước phải can thiệp để trường hoạt động hữu ích, có hiệu quả.
Giải pháp mà ông Lê Viết Khuyến đưa ra là phải có quyết tâm cao của toàn hệ thống. “Nghị quyết 19 của Trung ương đã thể hiện quyết tâm cao của Đảng và Nhà nước trong việc quy hoạch sắp xếp mạng lưới các trường đại học. Cùng với việc tinh giản biên chế sẽ là điều kiện để thực hiện việc này.
Nếu không tái cấu trúc, không quy hoạch lại mạng lưới thì sẽ không thể kiếm đâu ra nguồn tài chính đầu tư để nuôi bộ máy quá lớn như hiện nay” – ông Lê Viết Khuyến khuyến cáo.
Tuy nhiên, cần xem xét nguồn nhân lực đào tạo ra phục vụ cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội quốc gia hay địa phương để có phương án quy hoạch phù hợp.
Hơn nữa, quy hoạch không có nghĩa là ghép các trường lại với nhau thành liên hiệp các trường đại học chuyên ngành mà phải tổ chức, hợp nhất tạo điều kiện thuận lợi để chúng phát huy được tối đa sức mạnh tổng hợp của mình.
Đặc biệt, nếu chúng ta muốn có đại học đa lĩnh vực vững mạnh thì cần có chiến lược ghép các trường khác lĩnh vực với nhau để chúng hỗ trợ lẫn nhau, tối kị ghép các trường cùng lĩnh vực hoặc khác đẳng cấp với nhau điển hình như sáp nhập Cao đẳng sư phạm Hà Nam trở thành một cơ sở 2 của Đại học sư phạm Hà Nội đặt tại Hà Nam là không ổn.
Bởi lẽ, mục tiêu của Đại học sư phạm Hà Nội là đào tạo nguồn nhân lực phục vụ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội quốc gia còn Cao đẳng sư phạm Hà Nam đào tạo nhân lực phục vụ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.