LTS: Năm 2015 là năm mà ngành giáo dục đã có những bước đổi mới đáng trân trọng, mặc dù bên cạnh đó vẫn còn những mảng tối nhưng không thể phủ nhận thành quả mà ngành giáo dục mang lại.
Năm 2015 cũng là năm toàn ngành giáo dục triển khai thực hiện đổi mới theo tinh thần Nghị quyết 29 của Ban chấp hành Trung ương Đảng. Những dấu ấn của giáo dục trong năm qua đã được xã hội đón nhận, buồn vui đều có và hơn hết những dấu hiệu đó cho thấy một tín hiệu thay đổi tích cực của ngành.
Bài viết dưới đây của GS. Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam sẽ làm sáng tỏ hơn những dấu ấn và nhấn mạnh 5 giải pháp thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục trong năm 2016.
Toà soạn trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
GS. Trần Hồng Quân viết: Nghị quyết 29 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam về thực chất là một nghị quyết về cải cách giáo dục. Tuy cũng có đôi điều chưa thoả mãn nhưng đây là một nghị quyết sâu sắc xứng tầm là một cương lĩnh mới cho nền giáo dục trong thời gian tới.
Tôi không có ý định thảo luận về các quan điểm,về tư duy, về sứ mạng của giáo dục, về mục tiêu đào tạo, mô hình nhân cách... mà Nghị quyết 29 đã nêu.Tôi muốn đi thẳng vào các giải pháp để thực hiện.
Thường chúng ta có nhiều nghị quyết tốt nhưng khi thực hiện thì không đến nơi đến chốn. Ngay trong các văn bản nghị quyết thường mục tiêu thì rất đẹp và các giải pháp thực hiện thì không tương xứng. Để thực hiện nghị quyết 29, tôi muốn đề cập đến một số (chỉ một số) các giải pháp cụ thể trước mắt sau đây:
Thứ nhất, giải pháp thứ nhất là phải tái cấu trúc cơ cấu Hệ thống giáo dục quốc dân. Nhằm :
- Xác định hợp lý các thứ bậc trình độ của các bậc học cấp học
- Xác định thời gian học và tuổi học tương ứng
- Xác định hướng phân luồng hợp lý
- Xây dựng các mối liên thông trong toàn hệ thống giáo dục
- Xây dựng bộ chuẩn trình độ tương ứng với từng bậc học trong từng luồng đã xác định.
Từng nội dung này đều có những điều đáng thảo luận.
Cuối năm 2015 ba tổ chức xã hội nghề nghiệp là Hiệp hội các trường đại học và cao đẳng Việt Nam, Hội Khuyến học và Hiệp hội giáo dục cho mọi người đã cùng nhau đề xuất với Chính Phủ một phương án tái cấu trúc hệ thống giáo dục.
Phía Bộ Giáo dục cũng có một phương án khác trình với Ủy ban giáo dục quốc gia mà Thủ tướng làm chủ tịch. Sau đó Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có triệu tập cuộc họp có cả Bộ GD&ĐT, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và Hiệp hội các trường đại học và cao đẳng Việt Nam để so sánh 2 phương án và đi tới thống nhất một cách tương đối những nội dung chủ yếu.
Ngày 7/1/2016 Bộ GD&ĐT đã có văn bản chính thức trình Thủ tướng dự thảo cuối cùng của Bộ. Sau đó, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản yêu cầu các bộ, ban, ngành và các hội có liên quan tham gia ý kiến phản biện lần cuối. Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã có văn bản trả lời vào cuối tháng 1/2016. Ở đây tôi chỉ tham gia thảo luận vài khía cạnh.
Rút ngắn thời gian học phổ thông
Theo tinh thần của Nghị quyết 29, trước mắt xác định thời gian của giáo dục phổ thông là 12 năm, các bậc cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ cũng như hiện nay.
Nhưng lâu dài, theo tôi (đây là ý kiến riêng tôi) cố gắng rút ngắn thời gian ngồi trên ghế nhà trường theo xu thế quốc tế. Điều đó là cần thiết bởi vì có như vậy thì khoảng thời gian làm việc của mỗi đời người lao động được dài hơn và chi phí đào tạo của xã hội cũng giảm đi.
Khi đặt vấn đề như vậy thì lập tức một câu hỏi sẽ được đặt ra là trong thời đại ngày nay lượng kiến thức phát triển hết sức nhanh chóng như là một sự bùng nổ, thời gian học trên ghế nhà trường ngày càng trở nên eo hẹp làm sao có thể rút ngắn được?
Nếu nói như vậy thì ngồi trên ghế nhà trường suốt đời cũng không đủ nếu nền giáo dục bắt học sinh ngốn kiến thức mà không dạy cho phương pháp học, phương pháp cách nhật kiến thức, phương pháp khai thác kho tàng tri thức của nhân loại.
Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam GS. Trần Hồng Quân. Ảnh Xuân Trung |
Mặt khác, chúng ta muốn xác lập một quan điểm mới trong xã hội là không chỉ học trong thời gian trên ghế nhà trường mà phải học tập suốt đời trong một xã hội học tập .Hơn nữa công nghệ thông tin ngày nay giúp mọi người có thể học ở mọi nơi mọi lúc...
Thời gian học của bậc phổ thông cũng đến rút ngắn ít nhất là một năm, còn đối với bậc đại học cao đẳng thì tuỳ chuyên ngành mà có thể rút ngắn thời gian tương ứng.
Nên đặt yêu cầu khi học xong trung học cơ sở phải hoàn thành toàn bộ yêu cầu trình độ và năng lực cơ bản của giáo dục phổ thông. Ta có thể rút ngắn trung học phổ thông (cấp ba) bớt lại 1 năm, chỉ còn hai năm thôi.
Cấp học này cốt để chuẩn bị cho bước đường lên đại học, cao đẳng. Phải được phân ban ở THPT theo các hình thức khác nhau, có thể là phân ban cứng cũng có thể phần mềm bằng những môn học tự chọn và tùy ý để chuyên sâu theo hướng thích hợp với ngành nghề khi lên đại học, cao đẳng.
Phân luồng trong giáo dục như thế nào?
Điều hết sức quan trọng lần này là tái cấu trúc của hệ thống sẽ phải đạt được sự phân luồng mạnh mẽ sau trung học cơ sở.
Luồng thứ nhất thu hút khoảng 40 % sĩ số học sinh trung học cơ sở đưa lên trung học phổ thông để chuẩn bị lên đại học cao đẳng. Luồng thứ hai thu hút khoảng 60 % sĩ số còn lại chuyển vào các trường trung học nghề, trung học chuyên nghiệp, trung học kỹ thuật (tạm gọi chung là trung học nghề nghiệp).
Ở đây các em được hoàn thành về cơ bản chương trình cấp 3 cộng với học tập bồi dưỡng nghề nghiệp, chuẩn bị kỹ năng tâm lý lao động để sẵn sàng bước ra làm việc trong xã hội, hoặc có thể học tiếp lên các trường cao đẳng và đại học theo những chuyên ngành về ứng dụng và thực hành tương ứng.
Bằng cách này cũng để khắc phục tình trạng hơn một tỷ lệ lớn lao động của ta chỉ là lao động giản đơn, chưa qua đào tạo nghề nghiệp, làm cho năng suất lao động xã hội rất thâp như ta thấy.
Trước đây cũng đã từng đề ra chủ trương này nhưng không thực hiện đến nơi đến chốn. Thực tế hiện nay phần lớn học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở đều thi vào trung học phổ thông trong khi đó các trường nghề dù chưa nhiều mà vẫn không dùng hết công suất.
Mặt khác không ít các em đã tốt nghiệp Trung học phổ thông nếu không đậu vào đại học hoặc cao đẳng lại đi vào học các trường trung học nghề nghiệp, vừa lãng phí tiền đào tạo vừa lãng phí thời giian của tuổi trẻ các em.
Muốn phân luồng thành công thì phải chuẩn bị tất cả các điều kiện và chuẩn bị tâm lý xã hội, phải có chính sách chế độ đãi ngộ thoả đáng cho người có năng suất lao động cao dù không có bằng cấp cao...
5 bước cần chú ý khi cơ cấu lại hệ thống giáo dục đại học(GDVN) - Căn cứ vào dự báo nguồn nhân lực trung hạn và dài hạn để xác định cơ cấu hệ thống các trường Đại học, Cao đẳng về quy mô, ngành nghề đào tạo,... |
Phải đầu tư mở thêm và mở rộng các trường trung học nghề nghiệp. Mặt khác, chắc chắn phải chuyển một số trường trung học phổ thông thành các trường trung học nghề nghiệp. Còn phải chuẩn bị đội ngũ thầy giáo thích ứng, đây không phải là chuyện dễ dàng.
Về đại học và cao đẳng cũng có một số vấn đề phân luồng. Trước hết là phải phân loại các trường đại học: Đại học định hướng nghiên cứu và Đại học định hướng ứng dụng và thực hành.
Không phải là loại này cao hơn loại kia. Luật giáo dục đại học dùng thuật ngữ "phân tầng" đại học, nếu không làm rõ nội hàm thì có thể hiểu lầm đó là phân thứ bậc cao thấp.
Thực ra loại nào cũng có vai trò quan trọng riêng. Loại này không thể thay được loại kia. Không thể thiếu loại nào được. Còn việc xếp hạng thì sẽ được làm trong nội bộ từng loại so với nhau, không thể xếp hạng các trường không cùng loại .
Chúng tôi hi vọng Chính phủ sớm ban hành cấu trúc mới của nền giáo dục quốc dân để trên cơ sở đó xây dựng hệ thống các chuẩn trình độ cho từng bậc học ngành học, để có thể tổ chức lại hệ thống giáo dục, xây dựng lại chương trình, biên soạn sách giáo khoa, chuẩn bị cơ sở vật chất, xây dựng hệ thống kiểm tra kiểm định đánh giá chất lượng, xây dựng đội ngũ thầy giáo.
Không nên biên soạn sách giáo khoa ngay từ bây giờ trong khi chưa có các cơ sở nói trên.
Cũng cần nói thêm rằng cấu trúc hệ thống giáo dục quốc dân không phụ thuộc sự phân công trong quản lý Nhà nước. Nhưng ngược lại, sự phân công đó nên tuỳ thuộc cấu trúc của hệ thống giáo dục quốc dân.
Hiện nay đang tồn tại hai vấn đề lớn: hệ thống giáo dục thuộc hai bộ quản lý Bộ GD&ĐT và Bộ Lao động thương binh và xã hội. Mặt khác, hệ thống đại học và khoa học hoàn toàn tách rời nhau.
Tuy nhiên các vấn đề này rất nhạy cảm cho nên khó đặt ra bây giờ. Về lâu dài đại học (gồm cao đẳng) và khoa học nên về một đầu mối quản lý. Giáo dục phổ thông và giáo dục nghề nghiệp bậc trung học trở xuống nên về một đầu mối quản lý.
Thứ hai, thúc đẩy thực hiện tự chủ đại học
Chỉ vài năm trước đây các học giả cố gắng thuyết phục những người quản lý thực hành tự chủ đại học. Ngay trong giai đoạn xây dựng Luật Giáo dục đại học vấn đề tự chủ đại học nổi lên như một vấn đề nóng trong thảo luận và tranh luận và khi đưa vào các nội dung các điều khoản đã có sự dung hòa thỏa hiệp giữa một bên là cố vũ nồng nhiệt việc cho tự chủ đại học với một bên là cố níu giữ cách quản lý tập trung.
Gần đây, Chính phủ đã ra một loạt các thông tư và nghị quyết liên quan đến tựchủ đại học với những tư duy rất mới và biện pháp mạnh mẽ. Do vậy, vấn đề không phải là thuyết phục các cơ quan quản lý nữa mà phải thuyết phục chính các cơ sở đào tạo.
Không phải là không có lý do mà hiện nay khá nhiều trường ngần ngại thực hiện tự chủ vì còn quen với sự nhẹ nhàng về trách nhiệm điều hành trong một cơ chế quản lý bao cấp và bao biện làm thay của cấp chủ quản.
Đúng ra các trường phải chuẩn bị tinh thần và giải pháp để thực hiện tự chủ, tránh bị lúng túng khi "đến hẹn lại lên" phải triển khai thực hiện theo lộ trình mà Nhà nước quy định.
Thực hiện tự chủ đại học là để giải quyết hai vấn đề lớn là tạo động lực và giải quyết nguồn lực phát triển. Khi thực hiện tự chủ đầy đủ là phải trên 3 mặt: về tài chính, về nhân lực và về học thuật.
Thực hiện tự chủ là tạo cho các trường vị thế độc lập và tự lập, để tạo ra động lực tự thân của từng trường, của từng đơn vị trong trường, của từng cán bộ quản lý, thầy cô giáo, cán bộ công nhân viên.
Trường phải luôn luôn canh tân, tiếp cận với những thành tựu mới nhất của giáo dục đại học thế giới, cả về học thuât, cả về quản lý để có sức sống mạnh mẽ trong môi trường cạnh tranh trong nước và hội nhập quốc tế.
Về mặt tự chủ tài chính, phải vượt qua tâm lý chờ đợi nguồn ngân sách Nhà nước và chấp nhận đến lúc nào đó phải tự lực cánh sinh về cơ bản, đồng thời cũng thoát khỏi sự ràng buộc về quản lý tài chính theo cơ chế chi tiêu ngân sách hiện hành ở các trường công lập, một cơ chế vừa gò bó vừa có thể chi tiêu như "tiền chùa".
Với động lực của sự tự lập các trường phải biết tạo ra những nguồn thu và biết sử dụng có hiệu quả tài sản của mình. Nhà nước sẽ định ra một lộ trình giảm dần bao cấp ngân sách.
Ví dụ: ban đầu cắt phần đầu tư cho chi phí thường xuyên sau đó có thể cắt phần đầu tư xây dựng cơ bản và cuối cùng thì sẽ cắt quỹ lương chẳng hạn. Tuy vậy khi hoàn thành lộ trình này cũng không phải Nhà nước sẽ vĩnh viễn không đầu tư cho các trường đại học nữa mà là đầu tư theo một phương thức khác như đặt hàng đào tạo, đặt hàng nghiên cứu khoa học hoặc đầu tư xây dựng một số phòng thí nghiệm đặc biệt nào đó v.v...
Khi tìm kiếm các nguồn lực khác nhau, không loại trừ khả năng các trường có thể liên doanh liên kết với các cá nhân, các tổ chức trong nước và nước ngoài để thu hút đầu tư nhằm mở rộng, tăng cường năng lực của nhà trường.
Trong trường hợp đó thì nhà trường trở thành một cơ sở có sở hữu đan xen, một cơ sở đa sở hữu, vừa có sở hữu của Nhà nước, vừa có sở hữu không phải của Nhà nước. Khi đó không còn thuần túy là trường công lập theo cách hiểu cũ nữa. Việc quản lý một trường như vậy thì nhiều cơ chế giống như quản lý một doanh nghiệp cổ phần.
Xét về lao động, trường phải biết sử dụng có hiệu quả lực lượng lao động của mình. Muốn vậy phải thu hút người tài, giữ người tài, phải có chế độ đãi ngộ tốt và đương nhiên phải có sự lựa chọn sàng lọc lao động để tạo ra hiệu quả cao nhất trong hoạt động.
Điều này đặt ra một vấn đề mới là lâu nay tất cả cán bộ công nhân viên của các trường công lập đều thuộc biên chế Nhà nước. Để sàng lọc lựa chọn sẽ phải có những quy định mới của luật pháp mới làm được. Và đương nhiên cán bộ quản lý cũng phải chịu sự sàng lọc, thậm chí sàng lọc còn gắt gao hơn.
Xét tự chủ về học thuật, lâu nay mặt chuyên môn phần lớn do Bộ nắm: về cơ cấu ngành học, về nội dung chương trình, về tuyển sinh, về liên kết đào tạo trong nước và nước ngoài... tôi nghĩ rằng tất cả những việc đó có thể yên tâm giao cho các trường.
Riêng có một số lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn liên quan đến chính trị thì phải có định hướng nhưng cũng không hạn chế quyền tự chủ nghiên cứu, chỉ quản lý chặt về mặt sử dụng và công bố các kết quả nghiên cứu mà thôi.
Một trường tự chủ đầy đủ thực chất là một trường hoạt động theo một mô hình mới khác với các mô hình các trường công lập hiện có. Không thể không nghiên cứu lựa chọn, xây dựng các mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động của các dạng trường này.
Kết quả tổng hợp của mô hình tự chủ là khắc phục sự trì trệ, tạo ra một nhà trường năng động sáng tạo có sức sống dồi dào, là tạo ra chất lượng đào tạo tốt, năng lực khoa học mạnh, tạo ra sự hấp dẫn trong thị trường dịch vụ giáo dục đào tạo, đó là cơ sở để tồn tại phát triển của nhà trường.
Tôi tin rằng việc thực hiện quyền tự chủ đầy đủ và nhân rộng khắp trong hệ thống các trường đại học và cao đẳng ở Việt Nam thì sẽ tạo ra một sinh khí mới cho nền giáo dục đại học nước nhà.
Đánh giá chất lượng giáo dục
Giải giải pháp thứ ba là vấn đề đánh giá chất lượng. Lâu nay ta quan tâm đánh giá chất lượng đầu vào mà rất ít quan tâm đánh giá chất lượng đầu ra và kiểm soát chất lượng trong quá trình đào tạo.
Ở giáo dục phổ thông, khi coi nhẹ việc kiểm soát quá trình đào tạo thì khó đánh giá được thiên hướng sở trường, thiên hướng năng khiếu của các em nên không thể hướng dẫn em chọn ngành chọn nghề ở các cấp học cao hơn được.
Hiện nay cũng đang có tình trạng sinh viên sau khi vào học đại học, thậm chí vào những năm cuối mà còn cảm giác ngành đã chọn không thích hợp với mình. Sự lựa chọn sai ngành nghề lệch sở trường là một tai nạn cho từng cá nhân, cũng là một thiệt thòi cho xã hội.
Bậc trung học phổ thông nói có ba luồng là nhầm lẫn lớn(GDVN) - Nhận định của GS. Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) nhận định về Khung cơ cấu giáo dục quốc dân mà Bộ GD&ĐT vừa trình Chính phủ. |
Ta chưa có các tổ chức trắc nghiệm khoa học về sở trường, thiên hướng, năng khiếu để có lời khuyên hướng dẫn cách em chọn ngành nghề cho đúng.
Giáo dục đại học phải sớm xây dựng các chuẩn chất lượng để kiểm tra đánh giá đầu ra, bên cạnh đó cần phải tiến hành kiểm định theo từng chương trình về nội dung về điều kiện thực hiện để bảo đảm chất lượng đào tạo nhằm giúp cho các trường hiểu được mình để phát huy thế mạnh khắc phục điểm yếu đang tồn tại.
Đứng trước con số thống kê được công bố là hơn 200.000 sinh viên và thạc sĩ đã tốt nghiệp mà chưa có việc làm, ta không khỏi suy nghĩ tìm nguyên nhân. Có thế cơ cấu ngành nghề đào tạo không phù hợp với cơ cấu lao động mà xã hội cần, nhưng cũng có thể do chất lượng thấp không đáp ứng được yêu cầu của các nơi sử dụng lao động.
Xét về chất lượng, sơ bộ chúng ta có thể thấy về mặt lý thuyết không đến nỗi yếu nhưng thực hành thì yếu, về mặt kiến thức không đến nỗi yếu nhưng về kĩ năng thì yếu, mà kỹ năng lại là yếu tố quan trọng của năng lực tổng hợp. Đặc biệt kỹ năng về ngôn ngữ đang là một yếu kém phổ biến của sinh viên chúng ta.
Nên nghiên cứu đáng giá rõ ràng các mặt yếu kém về chất lượng để có các giải pháp khắc phục trực tiếp. Hiện nay ta có bốn trung tâm kiểm định chất lượng: của Đại học Quốc gia Hà Nội, của Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, của Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam và của Đại học Đà nẵng.
Còn quá ít, cần lặp thêm nhiều trung tâm nữa và nên có một kế hoạch tổng thể để lần lượt giúp các trường.
Khắc phục rào cản ngôn ngữ
Giải pháp thứ tư, là khắc phục rào cản ngôn ngữ gây khó khăn cho hội nhập quốc tế. Giải pháp thứ tư thực chất là một giải pháp tình thế. Trong bối cảnh toàn cầu hóa , Việt Nam hội nhập sâu vào cộng đồng ASEAN và TPP cùng với các các định chế quốc tế khác, ngôn ngữ đang là một rào cản lớn.
Giáo dục phổ thông của ta chưa bảo đảm được trình độ tiếng Anh để các em có thể giao tiếp và dùng nó như là một chuyển ngữ để học Đại học, Cao đẳng. Sinh viên đại học ra trường cũng không đủ ngôn ngữ để làm việc ở các môi trường quốc tế trong nước và nước ngoài, từ đó mà ta gặp khó khăn trong cạnh tranh về chất lượng lao động.
Trước mắt không thể chờ đợi giáo dục phổ thông làm tròn nhiệm vụ đó mà phải có một giải pháp tình thế là ở đại học, nên điều chỉnh kế hoạch học tập, tăng thời lượng và đặc biệt cần đổi mới cách dạy, cách học.
Đó là một đòi hỏi bức xúc. Nên quan tâm cách tổ chức học ngoại ngữ tập trung để nâng cao hiệu quả.
Một số trường đại học hiện nay cũng có những sáng kiến làm việc này: dành phần lớn thời gian năm thứ nhất để học tiếng Anh, phần thời gian còn lại dành cho công nghệ thông tin, các kỹ năng mềm và những kiến thức cơ bản về văn hóa. Cũng có trường học thêm 1 năm dự bị dành cho tiếng Anh và công nghệ thông tin.
Giải pháp tình thế cũng phải được dùng trong 4, 5 năm nữa để chờ đợi giáo dục phổ thông có thể nâng cao trình độ tiếng Anh các em như mong muốn. Nên nhân rộng sáng kiến đó. Tôi đã trao đổi với Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về chủ trương này và được hoan nghênh.
Vừa rồi Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cùng Hội đồng Anh, kết hợp với Đại học Kinh Tế Tp. Hồ Chí Minh tổ chức một cuộc hội thảo về "Tái cấu trúc chương trình và đổi mới phương pháp đào tạo tiếng Anh" theo hướng tập trung vào năm thứ nhất của các trường đại học, xem ra rất được hưởng ứng.
Cần đổi mới Hội đồng Quốc gia giáo dục
Giải phap thứ năm: Cần đổi mới Hội đồng Quôc gia giáo dục. Chúng tôi đề nghị nên củng cố Hội đồng Quốc gia giáo dục theo hướng bớt các quan chức, tăng thành phần các chuyên gia giáo dục, các nhà khoa học.
Đó phải là hội đồng vừa có chức năng tham mưu vừa có thực quyền. Thủ tướng cần ủy quyền cho nó được xét duyệt các chủ trương mang tính chuyên môn thuộc tầm vĩ mô mà Bộ GD&ĐT trình lên.