Điều kiện để giáo viên hợp đồng lâu năm tại Hà Nội được xét đặc cách
Sở Nội Vụ thành phố Hà Nội có công văn số 3037/SNV-XDCQ: Về việc thống kê số lượng biên chế giáo viên và tổng hợp danh sách giáo viên hợp đồng lao động.
Không được đóng bảo hiểm, giáo viên hợp đồng nguy cơ không được xét đặc cách |
Theo đó: Để có căn cứ xây dựng kế hoạch tuyển dụng đặc cách, Sở Nội vụ đề nghị Ủy ban Nhân dân các Quận, huyện, thị xã chỉ đạo cơ quan chuyên môn và các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở công lập thực hiện các nội dung sau:
1.Rà soát, thống kê và xác định số lượng giáo viên hiện có, số giáo viên thiếu so với biên chế giáo viên được giao.
2.Thống kê, lập danh sách giáo viên thuộc đối tượng được xem xét tuyển dụng đặc cách quy định tại Công văn số 5378/BN-CCVC ngày 5/11/2019 của Bộ Nội vụ về tuyển dụng đặc cách đối với giáo viên có hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội từ năm 2015 trở về trước cụ thể như sau:
Có thời gian ký hợp đồng làm giáo viên có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội tại các trường công lập thuộc Ủy ban Nhân dân Quận, huyện, thị xã trước ngày 31/5/2015 và hiện nay vẫn đang làm giáo viên hợp đồng tại các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở công lập.
Là đối tượng hợp đồng trong chỉ tiêu biên chế được giao của các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở công lập.
Có trình độ phù hợp với vị trí cần tuyển dụng (theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về tiêu chuẩn, chức danh, khung mục vị trí việc làm).
Sở Nội vụ Thành phố Hà Nội yêu cầu Ủy ban Nhân dân Quận, huyện, thị xã gửi báo cáo thống kê về Sở Nội vụ trước ngày 21/12/2019.
Công văn của Sở Nội vụ Hà Nội nói rõ điều kiện xét đặc cách cho giáo viên hợp đồng (Ảnh:V.N) |
Như vậy với công văn mới nhất của Sở Nội vụ thành phố Hà Nội có thể thấy các tiêu chí xét đặc cách cho giáo viên hợp đồng rất rõ ràng và cụ thể.
Điều đáng nói các tiêu chí này không còn theo Nghị định 161/2018/NĐ-CP vốn được coi là vướng mắc khiến gần 3000 giáo viên hợp đồng tại Hà Nội không được xét đặc cách.
Trước đó, Chủ tịch Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung từng cam kết: Vẫn sẽ thực hiện lời hứa của mình trước đây là giải quyết dứt điểm tình trạng giáo viên hợp đồng đã tồn tại từ cách đây 20 năm, bao gồm cả chế độ bảo hiểm. Hà Nội cũng đã dành ra 3.000 chỉ tiêu biên chế để xử lý những tồn đọng này.
Điều kiện đã có nhưng vẫn còn đó những băn khoăn
Đến thời điểm này có thể nói câu chuyện kêu cứu của giáo viên hợp đồng tại Hà Nội gần như đã có hướng để giải quyết. Với những tiêu chí được nêu rõ ràng có thể thấy việc xét tuyển đặc cách cho giáo viên chỉ là chuyện sớm muộn.
Hà Nội đang rà soát chỉ tiêu, tiêu chuẩn để tuyển đặc cách giáo viên hợp đồng |
Tuy nhiên vẫn còn đó những băn khoăn với điều kiện: “Có thời gian ký hợp đồng làm giáo viên có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội tại các trường công lập thuộc Ủy ban Nhân dân Quận, huyện, thị xã trước ngày 31/5/2015 và hiện nay vẫn đang làm giáo viên hợp đồng tại các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở công lập”.
Điều kiện này đang làm khó nhiều giáo viên, bởi điều kiện này nói rõ giáo viên được xét đặc cách hiện vẫn đang làm hợp đồng tại các trường mầm non, tiêu học và trung học cơ sở công lập.
Trong khi đó nhiều giáo viên hợp đồng tại các Quận, huyện, thị xã đã bị cắt hợp đồng từ mấy tháng nay. Như vậy nếu chiếu theo tiêu chuẩn của Sở Nội vụ thành phố Hà Nội đương nhiên số giáo viên này sẽ không được xét đặc cách.
Thầy giáo Nguyễn Văn Tăng (Ba Vì, Hà Nội) tâm tư: “Đến thời điểm này mặc dù việc xét đặc cách cho giáo viên hợp đồng đã có phương án giải quyết. Nhưng bản thân tôi và một số giáo viên hợp đồng huyện Ba Vì cảm thấy rất lo lắng vì đã bị cắt hợp đồng.
Mặc dù việc cắt hợp đồng là đơn phương từ Huyện nhưng chúng tôi không đủ tiêu chuẩn để được xét đặc cách. Điều này gây thiệt thòi rất lớn cho hàng trăm giáo viên”.
Giáo viên đã bị cắt hợp đồng có nguy cơ không được xét đặc cách (Ảnh:V.N) |
Thầy giáo Nguyễn Viết Tiến (thị xã Sơn Tây) đặt câu hỏi: Chúng tôi đã bị cắt hợp đồng từ đầu năm vậy có được xét đặc cách không?
Theo thầy Tiến: Chủ tịch Thành phố đã hứa sẽ giải quyết hết số giáo viên hợp đồng lâu năm còn tồn đọng. Bên cạnh đó ông Nguyễn Đức Chung cũng nhiều lần khẳng định sẽ dành ra khoảng 3000 biên chế để giải quyết số giáo viên hợp đồng còn tồn đọng. Như vậy đồng nghĩa với việc số giáo viên hợp đồng này sẽ được xét đặc cách hết. Tuy nhiên theo công văn của Sở Nội vụ thì nghiễm nhiên những giáo viên bị cắt hợp đồng sẽ không đủ điều kiện xét đặc cách.
Tại huyện Sóc Sơn (Hà Nội), 256 giáo viên hợp đồng như ngồi trên đống lửa. Bởi theo chỉ đạo của huyện Sóc Sơn: Từ ngày 1/1/2020 sẽ cắt hợp đồng giáo viên. Như vậy hơn 200 giáo viên hợp đồng tại Sóc Sơn cũng có nguy cơ không được xét đặc cách.
Cô giáo Nguyễn Thị Thơm bày tỏ: “Chúng tôi rất hoan nghênh chủ trương xét đặc cách của thành phố cho giáo viên hợp đồng.
Tuy nhiên bản thân tôi và mọi người rất lo lắng nếu bị cắt hợp đồng từ ngày 1/1/2020 chúng tôi sẽ không đủ điều kiện xét đặc cách. Như vậy có phải rất thiệt thòi cho chúng tôi không.
Mong Ủy ban Nhân dân Thành phố và Sở Nội vụ Hà Nội xem xét lại điều kiện giáo viên đang hợp đồng tại các trường công lập vì nhiều đồng nghiệp của chúng tôi đã bị cắt hợp đồng rồi”.
Mong chờ quyết định xét đặc cách cho giáo viên hợp đồng của thành phố Hà Nội (Ảnh:V.N) |
Bên cạnh đó nhiều giáo viên cũng bày tỏ sự băn khoăn: Liệu lần này giáo viên hợp đồng có được xét đặc cách? Họ lo ngại bởi tấm gương của 100 giáo viên hợp đồng tại Hà Nam không được xét đặc cách vì những rào cản vô lý.
Cô Thơm tâm tư: “Liệu lần này chúng tôi có được xét đặc cách hay không? Chúng tôi có lý do lo lắng khi tấm gương giáo viên hợp đồng Hà Nam còn đó.
Mong Thành phố sẽ có cơ chế xét đặc cách sớm cho giáo viên hợp đồng lâu năm”.