Thầy hiệu trưởng với "hũ gạo tình thương"

10/01/2020 06:00
Bài và ảnh: Lê Lam Hồng
(GDVN) - Ấn tượng đầu tiên của tôi là nụ cười hiền lành, dễ mến của thầy Thái Lợi, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Tôn Đức Thắng (Phường 5 - Thành phố Sóc Trăng).

Nhận nhiệm vụ hiệu trưởng từ năm học 2012-2013, thầy Thái Lợi luôn trăn trở, suy nghĩ phải làm một điều gì có lợi cho trường, cho học sinh ở một ngôi trường ngoại ô có đông học sinh dân tộc Khmer này.

Sau nhiều ngày suy nghĩ, tìm tòi mô hình của các nơi, thầy Lợi đề xuất trong hội đồng nhà trường tổ chức “Hũ gạo tình thương, tiếp sức đến trường” nhằm giúp đỡ học sinh dân tộc Khmer nghèo để góp phần duy trì sĩ số và động viên, khuyến khích tinh thần ham học của các em.

Được sự đồng thuận, ủng hộ của tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên của trường; thầy Thái Lợi rất phấn khởi vì hướng đi của trường rất đúng, mang nhiều ý nghĩa thiết thực…

Thầy Thái Lợi, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Tôn Đức Thắng (Phường 5 - Thành phố Sóc Trăng)
Thầy Thái Lợi, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Tôn Đức Thắng (Phường 5 - Thành phố Sóc Trăng)

Cách thức xây dựng, duy trì “Hũ gạo tình thương, tiếp sức đến trường” là hàng tuần, trong buổi sinh hoạt đầu tuần, “hũ gạo” sẽ được đặt trước cột cờ và các cán bộ, giáo viên, nhân viên cùng học sinh mang gạo (mỗi người, mỗi lớp cử đại diện mang một bọc gạo từ hai, ba lon) đổ vào thùng.

Đó là hình thức vận động các Mạnh Thường Quân; cán bộ, giáo viên, nhân viên; học sinh cùng hỗ trợ gạo cho các bạn có hoàn cảnh khó khăn… Bên cạnh đó, trường còn tranh thủ sự ủng hộ về gạo, mì gói của các chùa người Việt, chùa Khmer lân cận…

Đến nay, “Hũ gạo tình thương, tiếp sức đến trường” đã duy trì bền vững gần 8 năm với hơn 24 tấn (trung bình được hơn 3 tấn gạo mỗi năm học)!

Chẳng thế mà trong một cuộc họp nêu gương điển hình làm theo lời Bác, vị chủ tịch Phường đã nói vui: “Như vậy nhà trường của thầy giờ là kho gạo chứ không còn là hũ gạo!”.

"Hũ gạo tình thương, tiếp sức tới trường" là hoạt động ý nghĩa, khuyến khích tinh thần ham học của các em học sinh
"Hũ gạo tình thương, tiếp sức tới trường" là hoạt động ý nghĩa, khuyến khích tinh thần ham học của các em học sinh

Hũ gạo được đưa về một kho riêng, bảo quản tốt không bị mốc ẩm và chuột phá hoại. Hình thức phát tặng gạo cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, cho học sinh nghèo vươn lên học tốt chia làm sáu đợt: Lễ khai giảng năm học; Lễ Sen Đôn ta; Kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11; Tết Nguyên đán; Tết Chol ChNam Thmây (Tết năm mới của đồng bào dân tộc Khmer); lễ tổng kết năm học.

Ngoài ra có những đợt phát trực tiếp, đột xuất do các vị “Mạnh Thường Quân” giúp đỡ cho học sinh của trường. Nhà trường còn nhận nuôi học trò nghèo, hoàn cảnh khó khăn với định kỳ 5 ký gạo/ tháng đều đặn cả năm cho 12 học sinh dân tộc Khmer.

Thầy Lợi cho biết: Tuần sau sẽ phát 70 suất cho 70 em; mỗi suất gồm 5 ký gạo, nhu yếu phẩm như đường, nước mắm, bột ngọt cho các em ăn Tết cùng gia đình!

Sức lan tỏa của “Hũ gạo tình thương, tiếp sức đến trường” của trường thật lớn! Phụ huynh, học sinh thấy được sự quan tâm của nhà trường; sự chia sẻ, giúp đỡ của thầy cô, bè bạn nên càng cố gắng chăm học.

Đến nay, “Hũ gạo tình thương, tiếp sức đến trường” đã duy trì bền vững gần 8 năm với hơn 24 tấn gạo.
Đến nay, “Hũ gạo tình thương, tiếp sức đến trường” đã duy trì bền vững gần 8 năm với hơn 24 tấn gạo.

Đúng là “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”. Nhờ vậy nhà trường luôn duy trì sĩ số trong suốt năm học.

Mô hình này cũng được sự ủng hộ của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và Phòng giáo dục thành phố Sóc Trăng và đã được nhân rộng ra các trường trong thành phố Sóc Trăng, trong tỉnh Sóc Trăng.

Sự đồng thuận, tinh thần đoàn kết, lòng thương yêu học sinh của tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên; tinh thần đoàn kết, giúp đỡ bạn bè của học sinh và sự ủng hộ của đông đảo phụ huynh, của các vị “Mạnh Thường Quân” là những nguyên nhân chính cho sự thành công của mô hình đầy ý nghĩ nhân văn này!”.

Trước khi chia tay, thầy Thái Lợi đã chia sẻ với tôi “bí quyết” như vậy!

Bài và ảnh: Lê Lam Hồng