Đầu tháng 2/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15/3.
Như vậy, từ nay đến khi chốt phương án chọn sách giáo khoa lớp 1 vào cuối tháng 3/2020, các nhà trường sẽ có khoảng hơn một tháng để thực hiện việc lựa chọn sách giáo khoa.
Theo Thông tư, hội đồng chọn sách giáo khoa sẽ do người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông thành lập. Mỗi trường thành lập một hội đồng. Đối với trường phổ thông có nhiều cấp học, mỗi cấp học thành lập 1 hội đồng.
Hội đồng bao gồm: Người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu, tổ trưởng tổ chuyên môn, đại diện giáo viên dạy các môn học, hoạt động giáo dục (gọi chung là môn học) có sách giáo khoa được lựa chọn, đại diện Ban đại diện cha mẹ học sinh của cơ sở giáo dục phổ thông.
Thầy Nguyễn Xuân Khang- Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội) lo lắng khi hiện nay vẫn chưa có bản mẫu sách giáo khoa do các nhà xuất bản phát hành để nhà trường mua rồi phát cho giáo viên cũng như những thành viên có trong Hội đồng chọn sách giáo khoa. (Ảnh: Thùy Linh) |
Tuy nhiên, chia sẻ với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Xuân Khang- Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội) lo lắng khi hiện nay vẫn chưa có bản mẫu sách giáo khoa do các nhà xuất bản phát hành để nhà trường mua rồi phát cho giáo viên cũng như những thành viên có trong Hội đồng chọn sách giáo khoa.
“Với thời gian quá gấp, nếu giáo viên và các thành viên có trong Hội đồng chọn sách giáo khoa không sớm được tiếp cận đầy đủ 5 bộ sách giáo khoa thì sẽ gây ra những bất cập nhất định”, thầy Khang nói.
Hiệu trưởng Trường Marie Curie chia sẻ thêm, hiện nay có 38 bản mẫu sách giáo khoa (bao gồm cả sách Tiếng Anh) đã được Hội đồng thẩm định thông qua, do đó nhà trường muốn mua nhiều cuốn cho mỗi đầu sách nhưng chưa có để mua.
“Dù Hội đồng có chọn bộ sách nào để giảng dạy đi chăng nữa, nhà trường cũng sẽ trang bị đủ tất cả bộ sách giáo khoa để giáo viên có thể chắt lọc, tham khảo giá trị của từng cuốn và tạo thành bài giảng của riêng mình.
Tôi không băn khoăn nhiều việc phải chi khoản kinh phí cho việc mua sách vì sách mua về không phải chỉ để đọc thẩm định, lựa chọn hay cho vào thư viện mà còn là tài liệu tham khảo tốt, lâu dài cho giáo viên” thầy Khang nói.
Cũng theo thầy Khang, sách giáo khoa giờ không còn là pháp lệnh như trước mà chỉ là tài liệu tham khảo, là phương tiện giảng dạy, tuy nhiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên phát hành cuốn Chương trình nội dung lớp 1 để giáo viên bám sát chương trình, chuẩn kiến thức rồi tham khảo sách. Có như vậy, năm nay trường chọn sách này, năm sau tỉnh, thành phố chọn sách khác cũng không lo ngại chuyện học sinh có tiếp thu được kiến thức cần đạt được theo chương trình hay không.
Ngoài ra, việc thành lập hội đồng chọn sách giáo khoa không khiến thầy Hiệu trưởng trường Marie Curie lo lắng bởi lẽ nhà trường chỉ thành lập hội đồng chọn sách năm nay thôi còn từ sang năm tỉnh, thành phố sẽ quyết định việc này.
Điều khiến thầy Khang lo lắng là thành viên Hội đồng chọn sách do trường thành lập. Việc đưa giáo viên vào hội đồng là hợp lý và trường hoàn toàn đáp ứng đủ do có tổ trưởng chuyên môn, giáo viên trực tiếp đứng lớp 1.
Nhưng việc đưa đại diện Ban đại diện cha mẹ học sinh vào thành phần hội đồng chọn sách giáo khoa là không khả thi bởi không phải ai cũng có chuyên môn để đọc, so sánh các sách rồi đưa ra lựa chọn để bỏ phiếu đặc biệt những cuốn sách đòi hỏi chuyên môn đặc thù như Âm nhạc, Mỹ thuật, tiếng Anh.
Theo Thông tư hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa trong các cơ sở giáo dục phổ thông, hội đồng chọn sách giáo khoa sẽ do người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông thành lập. (Ảnh: Thùy Linh) |
Chưa kể, trước tháng 3/2020 các cơ sở giáo dục phải chọn xong sách, nhưng học sinh lớp 1 của năm học 2020 - 2021 sớm nhất cũng phải đến tháng 8/2020 mới tựu trường lúc đó nhà trường mới biết ai là phụ huynh của mình.
Trong khi các đối tượng khác là học sinh hiện đang học lớp 1 của năm nay thì cha mẹ của các học sinh này đều là những đối tượng này không tham gia vào việc học chương trình lớp 1 mới.
“Người trong ban đại diện phụ huynh chuyên môn bị hạn chế về chọn sách giáo khoa lại thêm việc chọn sách không phải để cho con mình học nên không có trách nhiệm cao”, thầy Khang lo lắng.