Thiết chế mô hình quản trị đại học phải tôn trọng quyền sở hữu của nhà đầu tư

11/06/2019 07:00
Thùy Linh
(GDVN) - Theo Tiến sĩ Đặng Văn Đinh: "Thành phần hội đồng trường của sở giáo dục thuộc sở hữu riêng phải được thiết kế dựa vào nhà đầu tư".

Chia sẻ với Báo Điện tử giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Đặng Văn Định- Trưởng ban nghiên cứu và phân tích chính sách (Hiệp hội Các trường đại học cao đẳng Việt Nam) cho rằng, giáo dục đại học muốn tồn tại, phát triển nhất thiết phải có nguồn lực.

Mỗi chủ đầu tư đều được quyền sở hữu tài sản của họ, được thực hiện mọi hành vi theo ý chí của mình để nắm giữ, chi phố tài sản của mình đồng thời được quyền sử dụng, định đoạt tài sản đó không trái pháp luật, đạo đức xã hội.

Trong bài viết này, tập trung đưa ra tình hình phát triển của các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 1986-2018 để từ đó cho thấy cần phải phân bổ nguồn lực bình đẳng để các loại hình giáo dục đại học phát triển, cạnh tranh phát huy được những ưu điểm có sẵn của từng loại hình và tôn trọng sự khác biệt trong mô hình quản trị phù hợp với hình thức sở hữu.

Mô hình quản trị trường đại học phải được tổ chức trên cơ sở tôn trọng quyền sở hữu của nhà đầu tư (ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn).
Mô hình quản trị trường đại học phải được tổ chức trên cơ sở tôn trọng quyền sở hữu của nhà đầu tư (ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn).

Theo Tiến sĩ Đặng Văn Định thì từ năm 1986 Nhà nước Việt Nam đã xóa bỏ kinh tế bao cấp, thực hiện cơ cấu kinh tế nhiều thành phần, từng bước xây dựng và hoàn thiện quan hệ sản xuất mới phù hợp với tính chất và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất.

Theo đó, một mạng lưới giáo dục đại học được tạo dựng bởi hai chủ trương nòng cốt: củng cố các trường công lập giữ vai trò chủ đạo, lấy đó làm nòng cốt; mở ra nhiều hình thức giáo dục, phát triển các loại hình trường ngoài công lập.

Nói cách khác, Nhà nước đặt trọng tâm vào việc đổi mới loại hình trường công lập (thuộc sở hữu toàn dân) đồng thời hình thành, phát triển loại hình trường tư thục (thuộc sở hữu riêng).

Tại sao cán bộ Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh gửi tâm thư lên Bộ?
Tại sao cán bộ Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh gửi tâm thư lên Bộ?

Về đổi mới loại hình giáo dục đại học công lập: Hơn ba mươi năm đổi mới, các cơ sở giáo dục đại học công lập đã hóa thân vào những mô hình mới: đa lĩnh vực, bán công, tự chủ toàn diện.

Đại học đa lĩnh vực: Ở miền Bắc có Đại học quốc gia Hà Nội, ở miền Nam có Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.

Thêm vào đó có Đại học Thái Nguyên, Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng. Thường gọi chung là đại học vùng.

Nỗ lực trên nhằm tạo ra các trung tâm đào tạo nghiên cứu với quyền tự chủ cao nhằm khắc phục tình trạng đào tạo chuyên sâu theo ngành kinh tế, khép kín, cục bộ, phân tán, trùng lặp, nâng cao chất lượng đào tạo và hiệu qua đầu tư.

Trường đại học/cao đẳng bán công: Một số cơ sở giáo dục đại học công lập được tổ chức lại và hoạt động theo Quy chế tạm thời trường đại học bán công đó là: Trường Đại học Mở bán công thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học bán công Marketing, Trường Đại học bán công Tôn Đức Thắng, Trường Cao đẳng bán công Công nghệ và quản trị doanh nghiệp, Trường Cao đẳng bán công Hoa Sen.

Bản chất của quy chế là giao tài sản có sẵn của nhà nước cho đội ngũ cán bộ nhà trường tự quản, tự quyết định toàn bộ các lĩnh vực: tài chính tài sản, bộ máy, tổ chức đào tạo, nghiên cứu khoa học công nghệ;

Tự trang trải các nhu cầu chi cho hoạt động của mình. Tuy nhiên, theo Luật Giáo dục 2005 mô hình trường đại học/cao đẳng bán công khép lại vào năn 2006.

Trường đại học tự chủ toàn diện: Thực hiện chủ trường đổi mới quản lý các đơn vị sự nhiệp công của Đảng, năm 2014 Chính phủ ban hành Nghị quyết 77 về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động các cơ sở giáo dục đại học công lập.

Những gì có trong Quy chế tạm thời trường đại học bán công được tái hiện ở Nghị quyết 77 thông qua các quyền tự chủ toàn diện về nhiệm vụ, về tài chính, về nhân sự với điều kiện phải “tự bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động chi thường xuyên và chi đầu tư”. Hiện nay đang có 23 cơ sở giáo dục đại học tham gia thí điểm.

Hiện nay, mô hình trường đại học dân lập đang ngày càng phát huy vai trò (ảnh minh họa - nguồn đại học dân lập Hải Phòng).
Hiện nay, mô hình trường đại học dân lập đang ngày càng phát huy vai trò (ảnh minh họa - nguồn đại học dân lập Hải Phòng).

Hình thành và phát triển loại hình trường đại học tư thục

Giai đoạn 1988 - 2005 việc đầu tư vào giáo dục đại học mới chỉ bằng nhiệt huyết và uy tín của một số nhà giáo, nhà khoa học. Bên cạnh đó Nhà nước không kiên định mô hình đại học tư thục do Thủ tướng Chính phủ ban hành mà thay vào đó bằng mô hình đại học dân lập sở hữu tập thể.

Sự lưỡng lự giữa đại học tư thục và đại học dân lập thực chất là không thấu hiểu về sở hữu, về quyền tài sản khiến gần hai mươi năm chỉ có 19 trường đại học dân lập ra đời và để lại không ít vướng mắc.

Giai đoạn 2005-2012 xuất hiện nhiều định chế mới liên quan đến quyền sở hữu. Đặc biệt Luật Giáo dục khẳng định ở đại học có đại học tư thục, đồng thời tuyên bố rõ ràng về quyền tài sản.

Giáo dục đại học đã trở thành một kênh đầu tư hấp dẫn, đa dạng nên chỉ 5 năm (2005- 2010) có 32 trường đại học tư thục được thành lập. Xuất hiện một số tổ chức kinh tế làm chủ đầu tư vào giáo dục; cơ hội “tập trung tư bản” để cạnh tranh le lói.

Giáo sư quần đùi, ra đi để trở về
Giáo sư quần đùi, ra đi để trở về

Từ  sau năm 2012 đến nay xuất hiện sự thiếu rành mạch về sở hữu dẫn đến một số bất hợp lý về mô hình quản trị, về phân bổ tài sản từ chênh lệch thu chi…

Để tránh vấn đề này, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục Đại học (Luật giáo dục đại học sửa đổi) đã “doanh nghiệp hóa” các cơ sở giáo dục đại học tư thục thông qua quy định nhà đầu tư muốn lập trường tư thì phải: thành lập tổ chức kinh tế để tổ chức này đứng ra lập trường, hoặc lựa chọn áp dụng quy định của pháp luật liên quan về công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc quỹ xã hội.

Luật còn làm thêm một lối rẽ để nhà đầu tư đến với mô hình giáo dục đại học tư thục không vì lợi nhuận.

Đến nay, số cơ sở giáo dục đại học tư thục là 65, chiếm 27,5% tổng số trường đại học. Trong số 65 trường trên có 61 đại học tư thục (chiếm 93,84%), có 4 đại học dân lập (chiếm 6,15%); số sinh viên các trường đại học tư thục xấp xỉ 13% quy mô sinh viên đại học.

Năm học 2017-2018 số sinh viên theo học ở các cơ sở giáo dục đại học tư thục là 265530, chiếm 15,67% quy mô sinh viên đại học; con số này gấp khoảng 2,1 lần năm học 1985-1986 - năm học trước của thời kỳ đổi mới.

Hiện nay có thể phân loại các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam thành:  Thứ nhất là loại cơ sở giáo dục đại học thuộc sở hữu toàn dân. Đó chính là những cơ sở giáo dục đại học công lập. Hiện cả nước có 171 cơ sở.

Thứ hai là loại cơ sở giáo dục đại học thuộc sở hữu riêng. Đó là những cơ sở giáo dục đại học tư thục. Hiện cả nước có 61 cơ sở.

Thứ ba là loại cơ sở giáo dục đại học thuộc sở hữu chung. Giáo dục đại học  tư thục không vì lợi nhuận tạm xếp vào loại sở hữu chung. Trong thực tế chưa có cơ sở nào.

Khuyến nghị, trong điều kiện hiện nay, Nhà nước không thể nới lỏng vai trò chủ đạo trong xây dựng mạng lưới và thu hút đầu tư phát triển giáo dục đại học. Đặc biệt: chú trọng nhiệm vụ đào tạo giáo viên;

Tiếp tục phát triển giáo dục đại học tư thục với hai mục tiêu chính: tăng quy mô sinh viên, tạo cơ hội phát triển các cơ sở giáo dục đại học tư thục không vì lợi nhuận;

Thực hiện bình đẳng giữa cơ sở giáo dục đại học công lập với cơ sở giáo dục đại học tư thục, trước tiên là chính sách thuế.

Quản trị các cơ sở giáo dục đại học phải dựa trên nền tảng sở hữu. Thành phần hội đồng trường của cơ sở giáo dục thuộc sở hữu toàn dân và sở hữu chung được thiết kế dựa vào Nhà nước, nhà trường và cộng đồng, nhưng thành phần hội đồng trường của sở giáo dục thuộc sở hữu riêng phải được thiết kế dựa vào nhà đầu tư.

Cơ quan trực tiếp quản lý cơ sở giáo dục đại học công lập kịp thời thành lập hội đồng trường nhiệm kỳ đầu tiên ở những cơ sở giáo dục đại học công lập do mình quản lý (nếu chưa lập) để tổ chức này “thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu” theo luật định.                                                   

Thùy Linh