Không nên can thiệp vào tài chính, tài sản của các trường dân lập, tư thục

10/05/2019 07:05
AN NGUYÊN
(GDVN) - Nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, nhà nước không nên can thiệp vào tài chính, tài sản của các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục.

Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (viết tắt là Thường trực Ủy ban) vừa có báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi).

Trong đó, có đề cập đến nhiều vấn đề quan trọng, được dư luận đặc biệt quan tâm, được gửi đến các Đại biểu Quốc hội chuyên trách.

Một số đại biểu đề nghị quy định chặt chẽ hơn về tài chính của cơ sở giáo dục dân lập, tư thục và không nên can thiệp vào tài chính, tài sản của các cơ sở giáo dục thuộc loại hình này.

Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng tổ chức tiếp xúc cử tri ngành giáo dục về Luật giáo dục sửa đổi. Ảnh: AN
Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng tổ chức tiếp xúc cử tri ngành giáo dục về Luật giáo dục sửa đổi. Ảnh: AN

Về vấn đề này, Thường trực Ủy ban cho rằng, cơ sở giáo dục dân lập, tư thục hoạt động theo nguyên tắc tự chủ về tài chính, thực hiện chế độ kế toán, kiểm toán, thuế, định giá tài sản và công khai tài chính theo quy định của pháp luật.

Vì vậy, Luật này chỉ quy định một số nguyên tắc về chế độ tài chính, sở hữu tài sản và chuyển nhượng vốn đối với trường dân lập, tư thục như nội dung tại các điều 100, 101 để vừa bảo đảm quyền lợi của người học, vừa bảo đảm quyền tự chủ về tài chính và quản lý tài sản của cơ sở giáo dục dân lập, tư thục theo quy định pháp luật có liên quan.

"Nếu không giữ được quyền sở hữu và điều hành, thì tôi sẽ nhảy cầu Thăng Long"

Nhiều ý kiến đại biểu đề nghị quy định cụ thể về xã hội hóa giáo dục trong Luật để tạo điều kiện cho hoạt động xã hội hóa được triển khai một cách hiệu quả, thu hút các nguồn lực xã hội cho giáo dục;

Cần có chế tài, cơ chế quản lý, kiểm tra, giám sát nguồn thu và sử dụng nguồn lực xã hội hóa trong các cơ sở giáo dục, tránh tình trạng “lạm thu” trong trường học.

Về quy định cơ chế quản lý, kiểm tra, giám sát nguồn thu và sử dụng nguồn lực xã hội hóa, tránh tình trạng lạm thu, Thường trực Ủy ban cho rằng;

Dự thảo Luật đã quy định Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định các khoản thu dịch vụ khác ngoài học phí (nếu có) đối với các cơ sở giáo dục công lập theo thẩm quyền quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo trên cơ sở đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (khoản 4 điều 97).

Để tránh tình trạng “lạm thu” trong nhà trường, tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật đã quy định cụ thể việc không được lợi dụng việc tài trợ, ủng hộ cho giáo dục để ép buộc đóng góp tiền hoặc hiện vật (khoản 5 điều 96).

Ngoài ra, dự thảo Luật đã sửa đổi quy định quản lý chặt chẽ nguồn thu, chi tài chính, quản lý tài sản theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và Luật Quản lý sử dụng tài sản công đối với các cơ sở giáo dục công lập.

Nhấn mạnh trách nhiệm giải trình, thực hiện chế độ kế toán, kiểm toán, thuế và công khai tài chính theo quy định của pháp luật (điều 99, điều 102).

Nhiều ý kiến đề nghị làm rõ khái niệm “phổ cập giáo dục”,“giáo dục bắt buộc”. Quy định rõ trách nhiệm của Nhà nước đối với giáo dục bắt buộc, phổ cập giáo dục.

Hội thảo về quyền của nhà đầu tư, trường tư thục

Thường trực Ủy ban cho rằng, với quan điểm của Đảng và Nhà nước ta “giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu”, “đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển”, cần thể hiện rõ ràng, mạnh mẽ trách nhiệm của Nhà nước đối với phát triển của giáo dục.

Đặc biệt đối với giáo dục bắt buộc, Nhà nước phải bảo đảm miễn phí và đầu tư đầy đủ các yêu cầu cơ bản.

Việc xã hội hóa giáo dục cần có cơ chế rõ ràng để khuyến khích nhưng phải bảo đảm nguyên tắc không thương mại hóa giáo dục và cấm lợi dụng hoạt động giáo dục vì mục đích vụ lợi.

Đối với các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài ở bậc học phổ thông, cần có quy định quản lý về chương trình giáo dục phổ thông phù hợp với văn hóa, lịch sử và truyền thống Việt Nam.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật đã được chỉnh lý để làm rõ khái niệm giáo dục bắt buộc, phổ cập giáo dục, quy định cụ thể trách nhiệm của Nhà nước bảo đảm các điều kiện để thực hiện phổ cập giáo dục và giáo dục bắt buộc (điều 5).

Một số ý kiến đại biểu đề nghị không quy định quỹ khuyến học và quỹ bảo trợ giáo dục trong dự thảo Luật;

Đề nghị bỏ quy định về kinh phí đặt hàng, giao nhiệm vụ của Nhà nước trong các nguồn tài chính đầu tư cho giáo dục và giao Chính phủ quy định chi tiết điều này.

Có nên bỏ kỳ thi trung học phổ thông quốc gia?

Thường trực Ủy ban cho rằng, nội dung quy định về quỹ khuyến học, quỹ bảo trợ giáo dục đã được quy định tại Luật Giáo dục hiện hành.

Hiện nay nhiều tổ chức, hiệp hội đã thành lập quỹ khuyến học, quỹ bảo trợ giáo dục để hỗ trợ, khuyến khích những tấm gương nghèo vượt khó, động viên các em cắp sách tới trường.

Thời gian qua các quỹ này đã phát huy hiệu quả. Do vậy, Thường trực Ủy ban xin đề nghị giữ như quy định tại dự thảo Luật (điều 92).

Về đề nghị bỏ quy định về kinh phí đặt hàng, giao nhiệm vụ của Nhà nước trong các nguồn tài chính đầu tư cho giáo dục (điều 93) và giao Chính phủ quy định chi tiết điều này;

Thường trực Ủy ban nhận thấy hiện nay, Nhà nước đang thực hiện cơ chế đặt hàng một số sản phẩm dịch vụ công, trong đó có đặt hàng đào tạo.

Vì vậy, Thường trực Ủy ban xin đề nghị giữ như quy định trong dự thảo Luật để có cơ sở giao cho Chính phủ hướng dẫn thực hiện.

AN NGUYÊN