Ngày 23/3, Đại học Đà Nẵng đã trao giấy khen và tiền thưởng cho Giáo sư Bùi Văn Ga, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo vì đã có sáng kiến nghiên cứu, sáng chế và triển khai ứng dụng thực tế máy đo thân nhiệt từ xa kịp thời phục vụ cộng đồng phòng, chống dịch Covid-19.
Khen thưởng nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo vì có thành tích sáng chế thiết bị đo thân nhiệt từ xa phòng ngừa Covid-19. Ảnh: HS |
Phó Giáo sư Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc Đại học Đà Nẵng đã ghi nhận và đánh giá cao sáng kiến của thầy Ga cùng nhóm nghiên cứu động cơ sử dụng năng lượng tái tạo (GATEC).
Đây là ý tưởng sáng chế độc đáo, có tính thiết thực, hiệu quả và dễ sử dụng. Ngoài ra, sản phẩm này với chi phí sản xuất rẻ, dễ dàng chuyển giao cho các đơn vị đang ở tuyến đầu chống dịch bệnh Covid-19.
Trong thời gian đến, hy vọng sản phẩm này sẽ được chuyển giao rộng rãi đến các đơn vị phục vụ cộng đồng phòng, chống lây nhiễm dịch bệnh - thầy Vũ cho hay.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục sáng chế thiết bị đo nhiệt từ xa để phòng Covid-19 |
Thay mặt nhóm nghiên cứu, Giáo sư Bùi Văn Ga cảm ơn sự quan tâm, ủng hộ của Giám đốc Đại học Đà Nẵng, ngay khi nhóm đề xuất ý tưởng đã được thầy Vũ ủng hộ kịp thời, động viên.
Sau khi sản phẩm hoàn thành đã lập tức ứng dụng thực tế, lắp đặt tại trụ sở chính và các trường thành viên.
Hiện nay, máy đo thân nhiệt từ xa đã đưa vào ứng dụng thực tế version 3, tự động hoàn toàn bằng cảm biến cho kết quả nhanh, chính xác và đảm bảo khoảng cách an toàn cho người đo và người được đo thân nhiệt.
Đại học Đà Nẵng cho biết, đã nhận được nhiều “đặt hàng” từ các đơn vị, cơ quan, địa phương trong cả nước như: Công đoàn Giáo dục Việt Nam, các Sở Khoa học Công nghệ, Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng, Bắc Giang, một số tỉnh phía Bắc, đồng bằng sông Cửu Long và thành phố Hồ Chí Minh…
Theo Giáo sư Ga, thiết bị này dùng nguyên vật liệu có sẵn nên không tốn thời gian chế tạo, giá thành thấp... để các đơn vị tiếp nhận chuyển giao có thể nhanh chóng;
Bên cạnh đó, thiết bị cũng dễ dàng ứng dụng, lắp ráp nhanh, đưa vào sử dụng kịp thời cho công tác phòng chống dịch Covid-19 là yếu tố nổi bật của ý tưởng và sản phẩm.
“Sự nhạy bén, quyết đoán của lãnh đạo, ghi nhận, ủng hộ những ý tưởng ban đầu.
Cùng với đó là quyết tâm cao của những người làm nghiên cứu khoa học gắn với nhu cầu cấp thiết của thực tế, phục vụ cộng đồng đã làm nên những sản phẩm hữu ích.
Đó là bài học kinh nghiệm, ý nghĩa khoa học và thực tiễn của việc nghiên cứu, chuyển giao”, thầy Ga chia sẻ thêm.