Hầu như trong nhà trường, từ cấp tiểu học đến cấp trung học phổ thông, chuyện “hoa hồng” thuộc vào hàng “bí mật, tế nhị” nên chẳng có trường nào công khai cả.
Đây là khoản tiền, dù ít dù nhiều, suy cho cùng là tiền của công. Vì một khi lấy tiền công ra mua sắm vật dụng, máy móc gì đó thì tiền “hoa hồng” là tiền “khuyến mại” cho người đi mua.
Hoặc một hợp đồng mua đồng phục được ký giữa hiệu trưởng và nhà cung cấp, một hợp đồng chuyến hoạt động trải nghiệm, hoạt động tư vấn chọn nghề thì số tiền “hoa hồng” có khi từ vài chục đến vài trăm triệu chứ không hề nhỏ.
Tiền “hoa hồng” trong nhà trường thu chi như thế nào? (Ảnh minh họa: TTXVN). |
Ví dụ, một trường học hợp đồng đi Đà Lạt hoạt động trải nghiệm với gần 700 học sinh. Mỗi em đóng tiền cho chuyến đi 4 ngày là khoảng 2.500.000 đồng. Nhân lên số tiền thành gần 1 tỷ bảy trăm năm mươi triệu đồng. Tiền hoa hồng 10% (nghe nói có khi là 15 hoặc 20%) chi cho hiệu trưởng là gần 170 triệu đồng.
Vậy số tiền “hoa hồng” mà nhà cung cấp dịch vụ trả cho nhà trường thì ai được nhận? Đương nhiên là người ký hợp đồng (hiệu trưởng) nhận và mọi người “trong cuộc” đều biết rõ từng “chân tơ kẽ tóc” điều này...
Nhưng cũng chẳng có tổ chức nào như Ban kiểm tra nhân dân của trường, Công đoàn trường hoặc cá nhân nào lên tiếng về số tiền “hoa hồng” khủng đó cả.
Chắc họ nghĩ hỏi ra cũng chẳng lợi lộc gì cho mình, có khi “mất lòng” hiệu trưởng thì… không tốt cho mình về sau.
Có ý kiến cho rằng, tiền “hoa hồng” là để “trả công” cho người đi mua, người ký hợp đồng, nên không có gì là “mờ ám” cả.
Nhưng cũng nhiều ý kiến cho rằng, tiền “hoa hồng” phải được nộp vào quỹ đời sống của công đoàn nhà trường sau khi chi cho người mua, người ký hợp đồng một tỷ lệ phù hợp.
Trong một môi trường minh bạch, mọi việc liên quan đến tài chính, tiền bạc đều phải được công khai rõ ràng, chính xác cho mọi người biết. Một đồng bạc cũng là tiền thuế của nhân dân đóng góp, chúng ta phải sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả…
Những khoản tiền “hoa hồng” đầu năm học thật hấp dẫn của hiệu trưởng! |
Tôi đi dạy, làm công tác quản lý suốt 35 năm, qua mấy trường công tác nhưng chưa thấy trường nào công khai về khoản tiền “hoa hồng” này.
Phải chăng đây là một lỗ hổng quản lý tài chính, tạo kẽ hở cho nhiều người trục lợi, vun vén cá nhân?
Chỉ có giáo viên, nhân viên bị thiệt thòi trăm đường mà chỉ biết nhẫn nhịn. Lẽ ra, những khoản tiền “hoa hồng” dù nhiều hay ít, đều được sung vào quỹ đời sống của nhà trường hàng năm.
Muốn được như vậy, cần có thảo luận nghiêm túc, thống nhất cao vấn đề “hoa hồng”, đưa vào nghị quyết của hội nghị viên chức đầu năm học để có cơ sở thực hiện.
Có như vậy mới gọi là dân chủ, minh bạch trong nhà trường. Có như vậy mới là hiệu trưởng biết lo cho đời sống vật chất, đời sống tinh thần của cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường.
Chuyện “hoa hồng” không phải là chuyện nhỏ, chuyện “tầm thường” mà nó thể hiện sự minh bạch, thể hiện nhân cách của con người trong ngành giáo dục trước “mùi thơm” của “hoa hồng” tuy hấp dẫn nhưng nhiều cạm bẫy chực chờ.