Bài báo “Nỗi khổ tiếp khách, nào ai thấu tỏ?” của tác giả Lam Hồng Lê, đăng trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 2/2; bài “Không ai bắt phải mang nỗi khổ tiếp khách mà than” đăng trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 4/2/2020 nhận được sự quan tâm của giáo viên cả nước.
Đọc hai bài báo này nhiều người sẽ thấy lấp ló hình ảnh hiệu trưởng của mình trong đó, vừa giận vừa thương hại, vừa khinh.
Nỗi khổ tiếp khách có không?
Có, hoàn toàn chính xác. Cơ chế tài chính trước đây, ngân sách trường trung học cơ sở do Phòng Giáo dục và Đào tạo cấp phát, vì thế hiệu trưởng các trường có mối quan hệ tốt sẽ được cấp nhiều hơn.
Ngày đó chưa có tiền tăng thu nhập, vì thế toàn bộ ngân sách dành cho chi lương, phụ cấp và hoạt động giáo dục.
Với các khoản cấp bổ sung giai đoạn nửa sau năm ngân sách, các trường đều phải thanh toán hợp lý, chi 10% "lại quả" cho Phòng Giáo dục và Đào tạo, nếu muốn duy trì mối quan hệ.
Nói là Phòng Giáo dục và Đào tạo, thực chất hưởng khoản này chỉ có trưởng phòng và kế toán trưởng thôi.
Tiếp khách, hiệu trưởng mất chức mất nhà... (Ảnh minh họa: Laodong.vn) |
Trường cấp 2 nọ ở gần khu du lịch có suối nước nóng nổi tiếng, vì thế là nơi học tập, công tác, hội thảo của nhiều đoàn khách ngành giáo dục khi đến địa phương. Cứ thế hiệu trưởng trường nọ là khách mời "danh dự" của các đoàn khách.
Tiền vào cổng thì xin vô tư, chỉ cần in giấy giới thiệu, ký, đóng mộc đỏ là giám đốc khu du lịch miễn phí cho đoàn (cuối năm sẽ báo cáo ủng hộ ngành giáo dục địa phương).
Vị trưởng phòng sau mỗi lần tiếp khách lại vỗ vai hiệu trưởng “Chú vui đi, hôm sau anh chuyển ngân sách bổ sung”.
Đùng một cái, vị trưởng phòng bị kỷ luật vì quan hệ ngoài luồng với nữ kế toán, bị chồng kế toán bắt quả tang. Không có ngân sách bổ sung, thâm hụt công quỹ, hiệu trưởng mất chức, đứng trước nguy cơ xử lý hình sự đành bán nhà khắc phục sự cố.
Không ai bắt phải mang nỗi khổ tiếp khách mà than!
Có không, có, hoàn toàn chính xác. Không ít giáo viên, hiệu phó, hiệu trưởng chủ động tiếp khách để tạo mối quan hệ cho quan biết mặt; "nhất quan hệ, nhì tiền tệ"… chắc cũng từ đây mà có, đồng tiền quan hệ là đồng tiền… cái, biết… đẻ ra tiền; đồng tiền sinh ra tham nhũng, kìm hãm sự phát triển đất nước.
Nỗi khổ tiếp khách, nào ai thấu tỏ? |
Giáo viên tiếp khách thường là giáo viên ruột của hiệu trưởng được mời; với giáo viên, đành bỏ con săn sắt mong có con cá rô; có giáo viên đầu tư tiền tiếp khách đạt yêu cầu, nhưng đại đa số là … con săn sắt cũng mất con cá rô chẳng thấy đâu.
Từ ngày tỉnh dời bộ máy hành chính, sở chuyển về thị xã nọ, trưởng phòng giáo dục thị xã trở thành cán bộ tiếp khách của sở; thế là hiệu trưởng N. trở thành hướng dẫn viên du lịch với lời hứa “Cái ghế phó phòng đang chờ chú, cô H. về hưu là chú lên”.
Trường của N. có kế toán “thủ kho to hơn thủ trưởng” nên N. không hợp lý hóa hồ sơ được, thế là N. dẫn khách đi khắp các địa điểm nổi tiếng trong thị xã; N. thành con nợ mang nỗi khổ tiếp khách.
Không thanh toán bằng công quỹ được, N. cứ gọi riêng từng giáo viên vào phòng, vay tiền.
Chả thấy cái ghế nóng kia đâu, chỉ biết ai cũng ngại gặp N. vì gặp là vay trả nợ miệng; N. chẳng dám phê bình giáo viên nào trong trường vì phần lớn là… chủ nợ của hiệu trưởng.
Cũng lâu rồi, không thấy ai mời N. đi dự tiệc hay tiếp khách nữa.
Dân ta có truyền thống hiếu khách, nhịn miệng tiếp khách. Tiếp khách, thể hiện tấm lòng của chủ nhà với khách; làm lãnh đạo, làm người không thể keo kiệt đến nỗi không dám mời khách bữa cơm thân mật, trong khuôn khổ pháp luật cho phép, hay tiền túi của mình có.
Tiền thưởng cho giáo viên, học sinh cò kè từng đồng, tiền lãng phí tiếp khách bao nhiêu cũng ít là sự thật trong không ít trường học hiện nay.
Việc lợi dụng chức vụ quyền hạn, vung tay quá trớn, lấy ngân sách nhà nước lãng phí trong tiếp khách là đáng lên án, đáng khinh bỉ.