Các trường cao đẳng sư phạm sẽ được sắp xếp như thế nào thì đang phải chờ đề án sắp xếp. Tuy nhiên, trong thời gian chờ đề án thì nhiều trường cao đẳng sư phạm đã lâm vào cảnh thoi thóp.
Tâm sự với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, không ít thầy cô đang làm công tác quản lý các trường cao đẳng sư phạm đã bày tỏ lo lắng về sự xuống cấp của các trường nếu không có sự đầu tư kịp thời. Nhiều trường khó giữ được người tài ở lại.
Cùng chung nỗi lo ấy, tại Hội thảo khoa học cấp Quốc gia với chủ đề các giải pháp ổn định, phát triển và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng giáo viên hiện nay và trong thời gian tới do Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam phối hợp với Trường đại học Sư phạm Hà Nội II tổ chức vào ngày 27/8/2019 tại Trường đại học Sư phạm Hà Nội II, thầy Trương Đinh Thăng, Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng sư phạm Quảng Trị đã chia sẻ tâm trạng lo âu của các trường cao đẳng sư phạm hiện nay.
Thầy Trương Đinh Thăng, Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng sư phạm Quảng Trị lo lắng cho sự tồn tại của các trường Cao đẳng sư phạm hiện nay (ảnh Trinh Phúc). |
Theo thầy Thăng, tại thời điểm này, các trường cao đẳng sư phạm trên toàn quốc mong muốn sớm có một quyết định rõ ràng trong vấn đề sắp xếp lại.
Ông cho rằng, trong dự thảo đề án, có yêu cầu các trường đủ chuẩn thì cho tồn tại. Còn nếu không đủ chuẩn thì cho thời gian để thực hiện đủ chuẩn, nếu không đạt nữa sẽ giải tán. Nếu như đã đủ chuẩn các trường sẽ trở thành vệ tinh của các trường sư phạm trọng điểm.
“Câu hỏi hiện nay, vệ tinh của các trường vệ tinh sư phạm trọng điểm thì không thể ngày một, ngày hai mà trưởng thành được.
Như Trường Cao đẳng sư phạm Quảng Trị, năm nay có 40 thí sinh nhập học, nếu trong giai đoạn chuyển đổi chờ trở thành trường vệ tinh thì sẽ tồn tại như thế nào?
Quảng thời gian 3 năm tới các trường cao đẳng sư phạm sẽ tồn tại như thế nào là một câu hỏi rất lớn”.
Chuyên gia nhận định về “con đường sống còn” của các trường Sư phạm tại Việt Nam |
Cũng theo ông Thăng, trong đề án có đề cập đến trường vệ tinh, nếu như các thầy cô đọc thì cũng chưa có bất cứ một định nghĩa nào về trường vệ tinh hết. Do đó, nếu khi thực hiện thì phải định nghĩa thật rõ về vị trí pháp lý, cách vận hành.
Thầy Thăng chia sẻ thêm: “Trường Cao Đẳng Sư phạm Quảng Trị năm nay gần 40 sinh viên nhập học. Nếu như Bộ Giáo dục và Đào tạo, cùng Chính phủ chưa có giải pháp căn cơ và có hướng cụ thể chắc chắn rất khó tồn tại.
Trường có 200 sinh viên, mỗi em nhà nước bỏ kinh phí 3,5 triệu thì tổng thu của trường là 600 triệu để chi cho thường xuyên. Vậy làm thế nào trường có thể tồn tại được. Không có tiền thì không thể hoạt động được”.
Ông Thăng bày tỏ: “Mong Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam đưa ý kiến kiến nghị tình cảnh các trường cao đẳng sư phạm hiện nay rất là đau lòng. Chính phủ, Bộ Giáo dục cần có giải pháp.
Trường cao đẳng sư phạm Quảng Trị có 10 tiến sĩ, 72 thạc sĩ, 5 năm vừa qua có 50 bài báo khoa học đăng trên các tạp chí chuyên ngành quốc tế. Các tiến sĩ ở trường đều tốt nghiệp ở nước ngoài về hết nhưng không có điều kiện để phát triển”.