Hiện nay, việc cho học sinh nghỉ tiếp hay đi học trở lại sau 2 tuần nghỉ tránh dịch do chủng mới của vi rút corona gây ra đang được các phu huynh đặc biệt quan tâm.
Trao đổi với phóng viên, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội đồng Giáo dục, đồng sáng lập trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) khẳng định, nguyên tắc đầu tiên là phải bảo vệ sức khỏe của người dân, học sinh là trên hết.
Thầy Nguyễn Tùng Lâm. Ảnh: Thùy Linh |
Thầy Nguyễn Tùng Lâm dẫn: "Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh trong các cuộc họp chỉ đạo liên quan đến phòng, chống dịch do chủng mới của vi rút corona gây ra là “chấp nhận hy sinh một số lợi ích kinh tế để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân, nhưng đồng thời chúng ta cũng phải chủ động để giữ được nhịp độ phát triển”.
Ở đây, việc quyết định cho học sinh nghỉ hay đi học trở lại cũng phải dựa trên nguyên tắc trên để xem xét, cân nhắc.
Rõ ràng, chúng ta phải coi trọng việc đảm bảo an toàn cho học sinh lên trên hết.
Tuy nhiên, Chính phủ cũng nhấn mạnh, tùy điều kiện từng nơi, nơi nào đảm bảo bệnh do Covid-19 không lây lan, hoàn toàn kiểm soát được thì có thể cho đi học trở lại bình thường.
Khi đó, các trường cố gắng thực hiện nghiêm các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh. Không phải vì sợ mà không dám làm gì cả thì cũng không nên".
Về Hà Nội, thầy Tùng Lâm cho rằng, Hà Nội thấy là có thể đảm bảo không có trường hợp nào có thể lây lan dịch bệnh Covid-19, kiểm soát được tình hình, người ra, người vào hoàn toàn đảm bảo, nghiêm ngặt, học sinh, cán bộ giáo viên đeo khẩu trang hết khi đi học thì có thể cho đi học trở lại.
Thầy cũng chia sẻ thực tế, việc này bản thân các trường gần như không có kinh nghiệm. Vì vậy, nhà chức trách phải tổng hợp tình hình, các báo cáo từ y tế, an ninh, các hoạt động khác…xem có đảm bảo kiểm soát được thì mới cân nhắc đưa ra phương án hợp lý nhất.
"Đó thực sự là việc cân não với những người có trách nhiệm trong việc quyết định nghỉ tiếp hay cho học sinh đi học trở lại vào tuần tới.
Không thể vì học sinh nghỉ chán rồi, bố mẹ không có ai trông con nên phải cho đi học trở lại. Nếu vì thế mà cho trẻ đi học trở lại là không đúng.
Cùng với đó, quan trọng nhất là không được giấu giếm các nguy cơ có thể lây lan dịch trong cộng đồng. Những gì đang diễn ra ở Trung Quốc là một bài học", thầy Tùng Lâm nói.
Đặc biệt, tại các trường ở Hà Nội, mật độ học sinh đông, học sinh mẫu giáo, tiểu học, ý thức để tự phòng chống dịch bệnh là rất khó.
Giáo viên quản lý một lớp 50-60 học sinh vừa giảng dạy vừa theo dõi sức khỏe thì quả thực không đơn giản chút nào.
Ở góc độ phụ huynh, chị Nguyễn Phương Thúy – (Hà Đông, Hà Nội) nêu quan điểm cá nhân rằng, thực tế dịch bệnh chưa biết đã đến hồi cao điểm để hạ nhiệt chưa.
Tình hình dịch bệnh có diễn biến phức tạp hơn khi số ca mắc tăng lên và xã Sơn Lôi (huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) đã phải tiến hành cách ly hoàn toàn "nội bất xuất, ngoại bất nhập".
Tập trung đông người lúc này là nguy cơ lớn, không thể nào không lo lắng, vì thế, gia đình chị quyết định cho con nghỉ hết tháng 2.
Chị cũng thông cảm với chủ tịch các địa phương, lãnh đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo vì các vị phải đưa ra quyết định tương đối khó khăn là “cho học sinh nghỉ hay đi học trở lại vào tuần tới”.
Sở Giáo dục thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị cho học sinh đi học từ đầu tuần tới |
Dư luận hiện nay đang có 2 ý kiến trái chiều rất kịch liệt, kèm theo đó là trách nhiệm của các lãnh đạo khi đưa ra quyết định ảnh hưởng đến hàng triệu gia đình có trẻ nhỏ.
Nhưng nhà chức trách cũng nên sớm có quyết định để các gia đình còn biết để bố trí, sắp xếp.
“Dịch bệnh là điều không ai muốn, nó thuộc một dạng thiên tai xảy ra bất ngờ mà con người phải đối phó.
Một việc xảy ra đột ngột chắc chắn sẽ gây xáo trộn cuộc sống ít nhiều, trong đó có việc nhà trường cho học sinh nghỉ học.
Không học lúc này có thể học lúc khác, không học năm nay thì học năm sau. Nhưng nếu có dịch bệnh xảy ra trong trường học ở Hà Nội thì sẽ rất khó kiểm soát", chị Thúy kết lại.