Bên lề cuộc hội thảo:“Khởi nghiệp trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0”do Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã kết hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc, Trường Trung học phổ thông Trần Nguyên Hãn (huyện Lập Thạch) tổ chức, phóng viên đã có cuộc trao đổ với cô giáo Phan Thị Thuyên về dạy và học môn Ngữ văn trong thời kỳ mới.
Là một cô giáo trẻ (Sinh năm 1989), cô giáo Phan Thị Thuyên đã chia sẻ rất nhiều trăn trở của cô khi dạy và học môn Ngữ văn trong thời kỳ văn hóa nghe, nhìn đã và đang đe dọa văn hóa đọc.
Cô giáo trẻ Phan Thị Thuyên trăn trở khi trong thời kỳ mới, các em không mặn mà với văn học, xa rời văn hóa đọc (Ảnh: LC) |
Đánh giá về công việc, cô giáo Thuyên cho rằng: "Vài năm trở lại đây, sự thích thú, đam mê đối với môn Ngữ văn của học sinh đã không còn như xưa nữa. So sánh ngay cả thế hệ chúng tôi với thế hệ các em, dù chỉ chênh nhau vài tuổi nhưng niềm hứng thú đối với môn ngữ văn đã giảm sút đi rất nhiều.
Lý do thì có nhiều nhưng dễ nhận thấy nhất là do bối cảnh xã hội đã thay đổi, bây giờ các em chỉ chủ yếu chọn các môn học tự nhiên để lựa chọn những ngành nghề liên quan đến cuộc sống trực tiếp của các em.
Những ngành liên quan đến khoa học xã hội đã không thu hút được sự chú ý của nhiều em học sinh nữa".
Cô giáo Thuyên thẳng thắn đánh giá: "Văn hóa đọc của các em học sinh đã giảm sút rất nhiều, thay vào đó là hoạt động nghe nhìn nhiều hơn.
Học sinh thích đọc truyện tranh vì truyện tranh dễ hiểu, hấp dẫn học sinh hơn truyện chữ vì các em chưa hiểu hết ngôn ngữ mà nhà văn muốn diễn đạt.
Những hoạt động này có thể đến với các em rất nhanh nhưng cũng khiến các em lãng quên rất nhanh".
Cô giáo Thuyên thật thà chia sẻ rằng bản thân cô nhiều lúc cũng cảm thấy rất buồn khi đứng trước lớp mà các em học ban tự nhiên, niềm hứng khởi đối với môn Ngữ văn của các em khác hẳn so với cô giáo, khi giảng dạy mà hai bên không hề tìm được tiếng nói chung trong tác phâm văn học.
Với những lớp học như vậy cô giáo Thuyên trăn trở làm thế nào để thu hút được học sinh?
Từ câu hỏi này cô giáo Thuyên đã phải bắt buộc thay đổi phương pháp. Các kỹ thuật dạy học bây giờ cũng phải thay đổi để phù hợp với các đối tượng học sinh cụ thể, thay vì phương pháp diễn giải là chính.
Nếu như ngày trước, người thầy đóng vai trò là trung tâm diễn giải cho các em thì bây giờ thầy trò phải luân phiên vị trí đó.
Nhiều lúc phải cho các em là trung tâm, thầy, cô chỉ đóng vai trò là người nghe, người định hướng thôi.
Thêm một hoạt động mà trường Trần Nguyên Hãn đang áp dụng đó chính là cho các em tự nhập thân vào trong tác phẩm.
Các em được tự thể hiện tác phẩm, các vai, các nhân vật trong tác phẩm văn học mà các em được học.
Với diễn giả đặc biệt là nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng, các em học sinh có nhiều giây phút bổ ích với các môn học ngoại khóa (Ảnh: LC) |
Để xây dựng được kịch bản, tác phẩm văn học, các thầy cô chỉ định hướng, các em tự xây dựng theo cách của mình, sau đó tự dàn dựng trên sân khấu.
Nhờ cách làm này các em đã được sống với tác phẩm, sống với nhân vật qua đó các em có thể yêu tác phẩm văn học hơn từ đó các em có sự hứng thú đối với môn ngữ văn hơn.
Thêm một điều nữa chính là việc đề thi hiện nay cũng đã thay đổi, Với cơ cấu mới, phần tự hiểu, tự đánh giá là nhiều hơn còn những câu hỏi khác, giáo viên thay vì truyền đạt diễn giải một chiều là chính thì hiện nay truyền tải phương pháp, kỹ thuật làm bài và tự các em phải tự khám phá ra vấn đề.
Không chỉ thay đổi về phương pháp giảng dạy, việc tổ chức các hoạt động thông qua các câu lạc bộ văn học, thơ ca cũng đã và đang tạo động lực cho các em tham gia tích cực hơn đối với môn văn học.
Cô Thuyên cũng hào hứng khoe: “Câu lạc bộ thơ của các em học sinh trường Trần Nguyên Hãn cũng đã có tác phẩm đăng báo. Những tác phẩm như vậy cũng là cách kéo các em đến với môn ngữ văn nói riêng và các môn khoa học xã hội nói chung.”
Cô giáo trẻ cũng tâm sự hết sức lo ngại: “Nói thật một lần nữa là thực trạng hiện nay rất đáng lo ngại. Nhiều lúc nghĩ cũng rất buồn khi thấy các em không còn hào hứng”.
Sau mỗi giờ học, cô giáo Thuyên không ít lần trăn trở làm thế nào để học sinh yêu môn học của mình hơn.
Khi dạy học xong một tiết học ra khỏi lớp thấy trong một tiết học đó các em tròn mắt ra, nghe được nhiều kiến thức thì mới tạm coi đó mà một tiết học thành công.
Thầy cô giáo hiện nay chỉ thực hiện mỗi công việc, kỹ thuật dạy học một các đơn thuần sẽ dễ gặp thất bại, hiện nay, theo cô giáo Thuyên cần phải đóng vai trò trở thành người truyền cảm hứng thì học sinh mới học.
“Bản thân em là một giáo viên trẻ, lại phải nắm bắt tâm lý của học sinh xem chúng thích đọc cái gì, thích nghe cái gì. Nhiều lúc em cũng phải nghe nhạc Hàn, cũng xem phim Hàn… Nhiều lúc phải lấy ví dụ thực tế từ những thần thượng của bọn trẻ chúng mới có hào hứng để học….
Từ các nhân vật đó, bằng nhiều cách phải kéo vào những tác phẩm văn học đang được học…
Nếu chỉ giảng giải đơn thuần thì rất khó để học sinh tiếp thu bởi mặc dù những nhân vật ấy rât nổi tiếng ở thế kỷ 20 nhưng không gần gũi với học sinh, các em vẫn không hào hứng”. Cô giáo Thuyên chia sẻ.
Dù bận bịu với nhiều môn khoa học khác nhau, nhưng Giáo sư Nguyễn Lân Dũng vẫn coi trọng Văn học vì nó đi với người ta cả một đời. (Ảnh: LC) |
Dù hiện tại, một bộ phận học sinh trường Trần Nguyên Hãn có sút giảm hào hứng học văn nhưng cô giáo Thuyên cho biết, các thầy cô giáo vẫn đang tìm cách sáng tạo để tạo nền tảng cho các em.
Bởi theo cô giáo Thuyên, việc day văn nói riêng cũng như các môn khoa học xã hội nói chung sẽ giúp các em rất nhiều trong cuộc sống. Việc này rất quan trọng với các em học sinh trước khi học những cấp học tiếp theo.
Những kỹ năng giao tiếp trong cuộc sống sẽ giúp ích cho các em sau này.
Cô giáo Thuyên cũng viện tấm gương về vị diễn giả đặc biệt Nguyễn Lân Dũng, dù bận bịu với nhiều công việc nhưng thầy vẫn có một cuốn sách về văn học. Cuốn "Chuyện Đông, Chuyện Tây" của thầy là những trải nghiệm được cụ thể hóa thành những tác phẩm rất gần gũi.
Cô giáo Thuyên cũng đánh giá việc áp dụng công nghệ vào dạy văn học sẽ có những tác dụng tốt.
Bởi, các giá trị của nhiều tác phẩm văn học kinh điển đều đã được chuyển thể bằng điện ảnh, việc sử dụng những hình ảnh đó sẽ giúp các em có cái nhìn trực quan, sinh động cho bài học.
Giáo dục giá trị cốt lõi của nhân loại, vấn đề giá trị cốt lõi của thanh niên hiện nay để học sinh có được nền tảng tốt từ đó học sinh sẽ không bị lúng túng trước bất kỳ vấn đề nào trong các đề nghị luận xã hội và các vấn đề cuộc sống đặt ra.
Chính vì thế, dẫu khó khăn, thách thức trong dạy học môn văn trong thời kỳ mới nhưng cô giáo Thuyên tin những giá trị cốt lõi vẫn là những bài học các em nhớ nhất sau khi ra trường.
Những bài học từ văn học các em sẽ thấy được trong cuộc sống, những bài học đó là những bài học các em thấm thía và bền vững mãi theo thời gian.
Chuỗi hội thảo “Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0” là một hoạt động ngoại khóa đặc biệt mà Báo điện tử Giáo dục Việt Nam phối hợp với các Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường trung học phổ thông trong cả nước. Với diễn giả đặc biệt là giáo sư, nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng, các cuộc hội thảo đã thu hút hàng chục ngàn lượt nghe của các cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên các trường. Trong khuôn khổ các buổi hội thảo, các em học sinh, sinh viên đã được Giáo sư Nguyễn Lân Dũng hun đúc niềm đam mê khởi nghiệp trong thời đại mới, đầy thách thức nhưng cũng đầy cơ hội. Hiện tại, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam tiếp tục tổ chức chuỗi hội thảo: “Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0”. Các trường có thể đăng ký qua hotline: 0938.766.888 - 0243.5569666; 0243.5569777. Email: toasoan@giaoduc.net.vn. Mọi chi phí tổ chức hội thảo đều do Báo điện tử Giáo dục Việt Nam chi trả. |