Trung Quốc phát triển sức mạnh QS chiếm thế thượng phong cường quốc

02/09/2013 08:49
Hồng Thủy (nguồn: Forbes)
(GDVN) - Xu hướng hoạt động sản xuất vũ khí hiện nay của Trung Quốc sẽ cho phép quân đội nước này tiến hành một loạt các hoạt động ở châu Á vượt ra ngoài khu vực Đài Loan và chắc chắn sẽ bao gồm Biển Đông, Tây Thái Bình Dương và thậm chí cả Ấn Độ Dương.
Lính Trung Quốc.
Lính Trung Quốc.
Trung Quốc muốn trở thành một siêu cường và sức mạnh quân sự là yếu tố đầu tiên được tính đến. Ông Tập Cận Bình khi đi thăm lực lượng hải quân cuối tuần này đã nhấn mạnh rằng ông muốn quân đội Trung Quốc huấn luyện chăm chỉ hơn, tăng cường khả năng phòng thủ và bảo vệ "chủ quyền lãnh thổ, an ninh và phát triển." Tuần trước, Tập Cận bình tới thăm tàu sân bay Liêu Ninh và quan sát chiến đấu cơ J-15 diễn tập cất hạ cánh. Trung Quốc đang tham gia nhiều hơn vào các tranh chấp quân sự trong khu vực. Ở Biển Đông, năm ngoái Trung Quốc chiếm quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough của Philippines, năm nay Trung Quốc lại nhăm nhe bãi Cỏ Mây (nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, hiện là tâm điểm tranh chấp và Philippines đang đồn trú trái phép). Trên biển Hoa Đông, cả Trung Quốc và Nhật Bản đang rơi vào vòng xoáy tranh chấp nhóm đảo Senkaku. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói rằng ông muốn cải thiện quan hệ với Trung Quốc và đồng thời cũng bác bỏ bất kỳ điều kiện nào về đàm phán. "Một cuộc họp giữa các nhà lãnh đạo không chỉ đơn giản là chỉ bắt tay vào chụp ảnh, mà để giải quyết vấn đề", Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lý Bảo Đông nói với các phóng viên trước hội nghị thượng đỉnh G20 mà cả 2 ông Shinzo Abe và Tập Cận Bình đều tham dự.
Ông Tập Cận Bình thăm tàu sân bay Liêu Ninh hồi tuần trước, động thái được xem như tín hiệu Bắc Kinh tiếp tục theo đuổi chiến lược phát triển sức mạnh quân sự và ẩn chứa thông điệp đến các nước láng giềng.
Ông Tập Cận Bình thăm tàu sân bay Liêu Ninh hồi tuần trước, động thái được xem như tín hiệu Bắc Kinh tiếp tục theo đuổi chiến lược phát triển sức mạnh quân sự và ẩn chứa thông điệp đến các nước láng giềng.
"Người ta quên rằng Trung Quốc là một siêu cường hiện nay", Charles Stucke, Giám đốc quỹ Tư vấn đầu tư Guggenheim nhận xét. "Là một siêu cường, Trung Quốc có tư thế để thương lượng mà các nước khác không có." Trung Quốc đang đầu tư vào các chương trình quân sự và vũ khí được thiết kế để cải thiện và mở rộng phạm vi triển khai sức mạnh, hoạt động trong các lĩnh vực mới nổi như không gian mạng, vũ trụ và chiến tranh điện tử. Xu hướng hoạt động sản xuất vũ khí hiện nay của Trung Quốc sẽ cho phép quân đội nước này tiến hành một loạt các hoạt động ở châu Á vượt ra ngoài khu vực Đài Loan và chắc chắn sẽ bao gồm Biển Đông, Tây Thái Bình Dương và thậm chí cả Ấn Độ Dương. Các hệ thống vũ khí quan trọng của Trung Quốc đã hoặc đang được triển khai bao gồm tên lửa đạn đạo, tên lửa chống hạm, tên lửa hành trình tấn công mặt đất, tàu ngầm hạt nhân, chiến hạm hiện đại và tàu sân bay đầu tiên. Đầu tư vào công nghệ tên lửa mới và công tác huấn luyện sẽ tăng cường tiềm lực quốc phòng của Trung Quốc cũng như tăng cường khả năng tấn công chiến lược của họ. Tăng số lượng tên lửa liên lục địa di động và bắt đầu các cuộc tuần tra răn đe bằng tàu ngầm sẽ buộc quân đội Trung Quốc bổ sung các hệ thống điều kiển phức tạp hơn. Điều này cuối cùng sẽ dẫn tới điều ông Bình mong muốn: Công nghệ cao về quân sự và sự mở rộng đáng kể phạm vi ảnh hưởng của Trung Quốc.

Hồng Thủy (nguồn: Forbes)