LTS: Nhân kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam, thầy giáo Nhật Duy đề cập đến vai trò, vị thế của người thầy và việc giữ hình ảnh đẹp của thầy cô trong lòng mọi người.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Từ xưa đến nay, dù ở bất kỳ giai đoạn nào của đất nước thì vai trò của người thầy luôn có vị trí nhất định trong lòng xã hội. Vì vậy, hình ảnh người thầy luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của xã hội.
Chính vì thế, trong bất kỳ hoàn cảnh nào thì mỗi người thầy cũng cần xây dựng cho mình một hình ảnh đẹp trong lòng mọi người, đặc biệt là đối với các em học trò của mình để đáp lại sự kỳ vọng của xã hội, làm đẹp thêm hình ảnh, nhân cách của người thầy.
Đề cao vai trò, vị thế của người thầy, chúng ta đã được nghe, được đọc khá nhiều, trong đó có những lời tâm đắc của nhiều lãnh đạo Đảng và Nhà nước khi dành những tình cảm của mình cho đội ngũ nhà giáo.
Từ xưa đến nay, dù ở bất kỳ giai đoạn nào của đất nước thì vai trò của người thầy luôn có vị trí nhất định trong lòng xã hội. Ảnh minh họa: http://congannghean.vn |
Lúc đương thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đáng yêu của chúng ta đã từng nói: “Người thầy giáo tốt- thầy giáo xứng đáng là thầy giáo- là vẻ vang nhất. Dù tên tuổi họ không được đăng báo, không được nhận thưởng huân chương, song người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh”.
Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng đã từng nhấn mạnh về vai trò của người thầy như sau:
“Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý. Nghề dạy học là nghề sáng bậc nhất trong các nghề sáng tạo. Vì nó sáng tạo ra những người sáng tạo”.
Còn đối với cố Tổng Bí thư Lê Duẩn thì khẳng định: “Quần chúng rất quý trọng giáo giới, coi họ là tinh hoa dân tộc, chủ nghĩa yêu nước, tư tưởng cách mạng, thông qua lớp trí thức dân tộc đó mà đi vào quần chúng cách mạng”…
Rõ ràng, những lời ngợi ca đó là hoàn toàn xứng đáng với hình ảnh người thầy. Song, làm thế nào để hình ảnh người thầy mãi đẹp trong lòng mọi người là sự nỗ lực phấn đấu của toàn ngành, từng cá nhân các nhà giáo trước nghề nghiệp của mình.
Vì sao người thầy được ngợi ca?
Đất nước ta từ xưa đến nay không thiếu những người thầy có tâm, đức sáng trong, những người thầy uyên thâm về trí tuệ và có uy tín trước mọi người, trước dân tộc.
Kể cả trong chế độ phong kiến, thuộc địa nửa phong kiến và khi đất nước được sang trang xây dựng nhà nước mới thì vai trò người thầy luôn được khẳng định.
Thời xưa, người thầy đứng ở vị trí thứ 2 trong lòng xã hội (Quân- Sư- Phụ).
Chính sự đề cao người thầy mà đất nước có những người thầy mẫu mực như Chu Văn An, Lê Quý Đôn, Nguyễn Bỉnh Khiêm… nên chế độ phong kiến xưa đã đào tạo ra hàng trăm trạng nguyên, tiến sĩ lưu danh với hậu thế đến tận bây giờ.
Đặc biệt, có những người thầy như Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm dám dâng sớ đề nghị vua chém những kẻ nịnh thần trong triều nhằm mong muốn được yên dân, xã tắc được vững bền.
Khi đất nước bị xâm lăng, đô hộ, hình ảnh người thầy đã tận tụy, dấn thân với tình yêu tổ quốc như Nguyễn Đình Chiểu, Phan Chu Trinh, Nguyễn Tất Thành, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng…
Những thầy giáo chân chính, nặng lòng với non sông, đất nước đã làm đẹp thêm hình ảnh người thầy trong lòng xã hội khi biết khích lệ các thế hệ học trò của mình dám xả thân vì tổ quốc, làm thay đổi diện mạo đất nước.
Thời đại Hồ Chí Minh, hàng loạt những nhà giáo chân chính, sẵn sàng chấp nhận khó khăn, gian khổ để đứng về phía cách mạng và dựng xây nền giáo dục nước nhà buổi ban đầu, đó là các nhà giáo tiêu biểu như Trần Văn Giàu, Phạm Thiều, Dương Quảng Hàm, Hoàng Ngọc Phách, Nguyễn Văn Huyên, Lê Văn Thiêm, Tạ Quang Bửu…
Chính những người thầy nặng lòng vì giáo dục nước nhà đã tạo nên nền tảng giáo dục vững chắc cho đất nước.
Trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, có hàng trăm giáo viên giã từ bục giảng để xung phong lên đường làm nhiệm vụ thiêng liêng của người trai thời chiến.
Và, có nhiều thầy giáo trẻ đã nằm lại trên các chiến trường để những trang giáo án vẫn còn dang dở…
Hàng trăm người lính biên phòng ngày nay không chỉ chắc tay súng ở những vùng biên ải xa xôi mà các anh cũng đang làm thêm nhiệm vụ của một người thầy giáo.
Rõ ràng những người thầy chân chính như đã dẫn ở trên đã và đang chở cả Đạo và Đời đến với các thế hệ học trò của mình thì những người thầy như vậy rất đáng được trân trọng và ngợi ca.
Thách thức của người thầy hiện nay
Cô giáo mầm non chiến thắng bệnh hiểm nghèo, vươn lên dạy tốt |
Ngày nay, đất nước đã có nhiều thay đổi, đội ngũ giáo viên ngày càng đông đảo và được đào tạo bài bản, chính quy, điều kiện công tác cũng đủ đầy hơn.
Cả nước có hơn 1 triệu giáo viên đang trực tiếp giảng dạy ở tất cả mọi vùng miền trong cả nước.
Mạng lưới giáo dục đã được phủ khắp từ thị thành đến các vùng núi, hải đảo xa xôi.
Nhiệm vụ của người thầy ngày nay không chỉ hướng các em học trò thông thạo về tri thức thông thường mà còn hướng các em có nhiều kỹ năng để bước vào thời kỳ hội nhập với thế giới.
Tuy nhiên, những năm gần đây, khi mà điều kiện kinh tế đất nước phát triển thì hình ảnh của một bộ phận thầy cô giáo đã đứng trước nhiều thử thách và chịu những ảnh hưởng, tác động , sự chi phối của nền kinh tế thị trường.
Đâu đó, ta bắt gặp những hình ảnh không đẹp về người thầy hướng học sinh của mình phải đến lớp học thêm, gây khó dễ với những em không học thêm với mình, đâu đó có những người thầy đã làm mất đi hình ảnh cao đẹp của người thầy vì lòng tham, ham muốn ích kỷ của bản thân và có cả những hành xử không phù hợp với học trò...
Vì thế, bên cạnh những thầy cô vẫn giữ được đạo đức, phẩm chất cao đẹp của người thầy thì cũng có những thầy cô đã tự đánh mất mình để có những toan tính cho riêng.
Những người thầy như thế rất khó xứng đáng với thiên trách và phẩm chất của nghề giáo.
Vẫn biết, người thầy bây giờ cũng có những khó khăn riêng, đó là có nhiều em học sinh chưa ý thức tốt việc học hành, nhiều em ỷ vào cha mẹ mà xem thường người thầy.
Và, cả những áp lực về thành tích, áp lực về điểm số đã khiến cho người thầy phải chạy theo những điều giả dối.
Không phải ngẫu nhiên mà ngày 28/9/1982, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) đã ký Quyết định số 167-HĐBT lấy ngày 20/11 hàng năm làm Ngày Nhà giáo Việt Nam nhằm tôn vinh đội ngũ thầy cô giáo.
Việc thầy cô giáo được tôn vinh trong sự “trồng người” là điều cần thiết.
Nhưng, để sự tôn vinh đó thêm ý nghĩa thì mỗi thầy cô giáo dù cuộc sống còn nhiều khó khăn cũng cần thiết xây dựng hình ảnh người thầy luôn mẫu mực, hết lòng vì học trò, vì sự nghiệp nước nhà để xứng đáng với nghề nghiệp của mình đang theo đuổi và cả sự kỳ vọng của xã hội.