Xử lý nghiêm người đứng đầu nhà trường thì lạm thu mới chấm dứt được

11/10/2019 06:04
THANH AN
(GDVN) - Để thực hiện việc thu các khoản tiền xã hội hóa hiệu quả, một số trường học vẫn thực hiện nhưng chiêu trò rất cũ nhưng lại rất thành công.

Năm nào cũng vậy, cứ bước vào đầu năm học mới là Bộ và các Sở Giáo dục lại phải ra công văn nghiêm cấm tình trạng lạm thu trong các nhà trường. Công văn được triển khai, được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, được chuyển email về các nhà trường.

Đương nhiên, hiệu trưởng các trường học đều đọc, đều thẩm thấu được nội dung và họ luôn biết mình cần phải làm gì để không xảy ra lạm thu. Vậy nhưng, tình trạng lạm thu vẫn xảy ra ở một số trường học như chúng ta đang thấy.

Tình trạng lạm thu vẫn xảy ra hàng năm ở một số nhà trường (Ảnh minh họa Giadinh.net)
Tình trạng lạm thu vẫn xảy ra hàng năm ở một số nhà trường  (Ảnh minh họa Giadinh.net)

Thực tế, kinh phí nhà nước cấp cho các trường công lập thường có hạn, chỉ đủ chi tiêu những khoản cơ bản, cần thiết nhất. Việc xã hội hóa giáo dục cũng rất cần và đây cũng là chủ trương chung của nhà nước trong việc phát triển giáo dục.

Song, xã hội hóa như thế nào là phù hợp với bối cảnh chung của nhà trường và hoàn cảnh chung của các phụ huynh học sinh trong nhà trường là điều mà Ban giám hiệu cần phải tính đến.

Việc vận động phải phù hợp và không đánh đồng tất cả các khoản thu xã hội hóa giáo dục với tất cả các học sinh, phụ huynh trong nhà trường bởi hoàn cảnh mỗi phụ huynh có sự khác nhau. Trong khi, nhà trường kêu gọi trên tinh thần đóng góp tự nguyện.

Hàng loạt trường học bị tố lạm thu

Những ngày qua, chúng ta thấy phụ huynh ở một số địa phương đã lên tiếng về chuyện lạm thu của nhà trường- nơi mà con em họ đang theo học. Trong các khoản thu có nhiều khoản thu qúa cao, chẳng hạn như:

Phụ huynh lớp 1 tại trường Tiểu học Hùng Vương (Hải Phòng) bức xúc, kiến nghị về nhiều khoản đóng góp như: tiền đồ dùng bán trú là 1.180.000 đồng/học sinh; tiền đồng phục 385.000 đồng (gồm 2 bộ);

Quỹ cha mẹ học sinh thu 500.000 đồng/cháu; sách giáo khoa, bảng, phấn 380.000 đồng; bảo hiểm y tế 700.000 đồng; nước uống 50.000 đồng…tổng cộng số tiền mà phụ huynh phải đóng lên khoảng 6 triệu đồng.

Xử lý nghiêm người đứng đầu nhà trường thì lạm thu mới chấm dứt được ảnh 2Phụ huynh lớp 1 bức xúc vì trường Hùng Vương thu nhiều khoản

Phụ huynh trường Trung học cơ sở Giao Hà (xã Giao Hà, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) liệt kê các khoản thu như sau:

Tiền học phí: 540.000 đồng/ năm/ 9 tháng; Tiền bảo vệ, vệ sinh: 200.000 đồng/ năm; Nước uống: 80.000 đồng/ năm; Bảo hiểm y tế: 564.000 đồng/ năm; Học thêm: 10.000 đồng/ buổi/ 9 tháng; Xây dựng: 250.000 đồng/ năm;

Tu bổ trường: 600.000 đồng/ năm; Phụ huynh học sinh: 60.000 đồng/ năm; Bảo trì phòng tin học: 50.000 đồng/ năm; Duy trì trường chuẩn: 150.000 đồng/ năm; Khuyến học: 50.000 đồng/ năm; Sổ liên lạc: 50.000 đồng/ năm; Giấy kiểm tra: 100.000 đồng/ năm…

Nhìn những khoản tiền mà phụ huynh phải đóng, chúng ta dễ dàng nhận ra một số khoản thu vô lý hoặc thu quá cao. Chẳng hạn như tiền tu bổ nhà trường, tiền duy trì trường chuẩn, tiền xây dựng. Những khoản này thuộc vào danh mục đầu tư của nhà nước, sao lại vận động phụ huynh đóng tiền?

Hay tiền giấy kiểm tra hàng năm mà thu đến 100.000/năm/ học sinh thì quá khủng khiếp.

Giá photo ngoài thị trường hiện nay chỉ có 200-250 đồng/ tờ. Chẳng lẽ mỗi năm học thì học sinh làm đến 400-500 tờ giấy kiểm tra hay sao?

Thầy cô làm đề kiểm tra là trách nhiệm, việc nhà trường photo cũng là nhiệm vụ chứ đâu phải là kinh doanh mà thu học sinh với giá cắt cổ như vậy?

Nếu siêng đọc báo, gần như ngày nào chúng ta cũng thấy báo chí phản ánh một vài trường để xảy ra lạm thu- đây thực sự là một điều nhức nhối đã xảy ra nhiều năm, nó cứ như những bóng ma lởn vởn hết năm này sang năm khác.

Nhà trường áp dụng những chiêu trò rất cũ nhưng vẫn hiệu quả

Để thực hiện việc thu các khoản tiền xã hội hóa hiệu quả, một số trường học vẫn thực hiện nhưng chiêu trò rất cũ nhưng lại rất thành công.

Xử lý nghiêm người đứng đầu nhà trường thì lạm thu mới chấm dứt được ảnh 3
Những chiêu trò vận động phụ huynh đóng góp, ủng hộ đầu năm học

Đó là khi họp phụ huynh thì thường có những người “tâm phúc” của hiệu trưởng đã được cơ cấu và những người này hay làm nhiệm vụ “mớm” ý tưởng để việc vận động xã hội hóa giáo dục của nhà trường đạt được mục tiêu đã đề ra.

Thông thường thì các khoản xã hội hóa giáo dục phải tiến hành đại hội Ban đại diện cha mẹ học sinh, phải có sự thống nhất của phụ huynh rồi mới thu. Nhưng, thực tế thì chúng ta thấy là nhiều trường học khi bắt đầu nhập học là phụ huynh đã phải đóng tiền trường. Tất nhiên, nhà trường nói bao nhiêu thì phụ huynh bắt buộc phải đóng, phải mua những sản phẩm của nhà trường đã liệt kê ra sẵn.

Đừng để tiền trường trở thành nỗi ám ảnh của phụ huynh

Cho con đi học, tất nhiên phụ huynh phải tuân thủ theo những quy định của nhà trường về các khoản phải đóng góp. Nhiều ý kiến của phụ huynh phản ánh đôi lúc lại trở nên lạc lõng trong các cuộc họp phụ huynh và thậm chí còn chịu nhiều điều tiếng không đáng có.

Nhiều lúc đóng tiền cho con mà một số phụ huynh bực dọc vì những khoản tiền vô lý. Nhiều khi mua những sản phẩm của nhà trường mà phụ huynh cảm thấy không hài lòng vì giá thành cao hơn ở bên ngoài rất nhiều.

Tuy nhiên, dù khó khăn thì các phụ huynh có con học ở những ngôi trường để xảy ra lạm thu đó vẫn phải nộp trên tinh thần tự nguyện. Ấm ức, bực dọc cũng phải miễn cưỡng đóng cho con để con em mình không phải phiền phức trong những giờ học trên lớp.

Trước tình trạng lạm thu vẫn xảy ra ở một số trường học hiện nay, tất nhiên phụ huynh không thể làm được gì bởi mỗi khi vận động một khoản tiền nào đó thì hiệu trưởng nhà trường đã tính rất kỹ các phương án có lợi và không gây hậu quả cho họ.

Vì vậy, có thể họ mượn tay Hội cha mẹ học sinh, cũng có thể làm kế hoạch và đã được cấp trên của họ đồng ý, phê duyệt nên phụ huynh có phản đối thì đa phần họ…vẫn đúng.

Chính vì vậy, để tránh lạm thu trong nhà trường, không có giải pháp nào tốt hơn là mỗi khi phê duyệt một kế hoạch vận động tiền phụ huynh từ Ban giám hiệu các nhà trường thì lãnh đạo địa phương, lãnh đạo Phòng, Sở Giáo dục cần cân nhắc kỹ lưỡng.

Đồng thời, cần có kế hoạch thanh tra, kiểm tra các khoản thu đầu năm ở các nhà trường để tránh tình trạng lạm thu, tránh được những thị phi, những ấm ức từ phía phụ huynh.

Tài liệu tham khảo:

//giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/phu-huynh-lop-1-buc-xuc-vi-truong-hung-vuong-thu-nhieu-khoan-post203195.gd

//giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/phu-huynh-phan-anh-nhung-khoan-thu-la-cua-truong-giao-ha-post203047.gd

THANH AN