Giám đốc HV Tòa án: Bảo đảm tỷ lệ SV tốt nghiệp làm việc tại Tòa án 70% trở lên

03/11/2023 06:36
Mộc Trà
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo Giám đốc HV Tòa án, tổng nguồn thu hợp pháp từ năm 2020 đến năm 2023, tăng thêm 53,5% đến từ nguồn thu học phí; học phí tăng nên tổng thu tăng.

Nguyên nhân tuyển sinh không đủ chỉ tiêu

Theo Đề án tuyển sinh năm 2020, Học viện Tòa án tuyển sinh 360 chỉ tiêu. Quy mô đào tạo tại năm học này của Học viện Tòa án là 1.110 sinh viên đại học chính quy (chỉ đào tạo ngành luật, thuộc nhóm ngành III).

Tương tự, theo đề án tuyển sinh các năm 2021, 2022, 2023, cũng xác định tuyển sinh 360 chỉ tiêu. Năm 2023, trong số 360 chỉ tiêu, lấy 50 chỉ tiêu đại học chính quy đối với người đã có bằng tốt nghiệp đại học (liên thông đại học - đại học chính quy/văn bằng 2 chính quy).

Quy mô đào tạo sinh viên đại học chính quy biến động qua các năm, cụ thể như sau:

Quy mô đào tạo sinh viên đại học chính quy (theo đề án tuyển sinh).

Quy mô đào tạo sinh viên đại học chính quy (theo đề án tuyển sinh).

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về kết quả tuyển sinh từ năm 2020 đến năm 2023, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Minh Tuyên - Giám đốc Học viện Tòa án đã chia sẻ, làm rõ.

Cụ thể, ông cho biết, Học viện Tòa án trực thuộc Tòa án nhân dân tối cao, Học viện có sứ mệnh đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có chất lượng cho hệ thống Tòa án. Do đó, việc tuyển sinh cần đảm bảo chất lượng. Trên thực tế, điểm trúng tuyển đại học trong các năm qua của Học viện ở mức cao so với các trường có đào tạo ngành luật.

Kết quả tuyển sinh qua các năm cụ thể như sau:

Số liệu Học viện Tòa án cung cấp.

Số liệu Học viện Tòa án cung cấp.

“Chỉ tiêu tuyển sinh của Học viện Tòa án qua các năm là 360: Chỉ tiêu dành cho tuyển sinh đại học hệ chính quy là 310 chỉ tiêu. 50 chỉ tiêu còn lại Học viện Tòa án dành cho tuyển sinh văn bằng 2 (đã thể hiện trong Đề án tuyển sinh năm 2022 và năm 2023).

Tuy nhiên do nhiều lý do nên Học viện Tòa án chưa thể tuyển sinh văn bằng 2 ở các năm trước, việc tuyển sinh văn bằng 2 sẽ được triển khai trong năm tuyển sinh 2023” - vị Giám đốc lý giải.

Về khó khăn của nhà trường trong vấn đề tuyển sinh, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Minh Tuyên bày tỏ: “Tuy Học viện Tòa án chỉ tuyển sinh và đào tạo một ngành nhưng do đặc thù và yêu cầu của lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao nên phương thức tuyển sinh của Học viện khá phức tạp: Có tới 32 đầu điểm trúng tuyển. Việc tuyển sinh được phân chia theo vùng miền, giới tính, theo phương thức xét học bạ và theo điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông”.

Học viện Tòa án. Ảnh: Mộc Trà.

Học viện Tòa án. Ảnh: Mộc Trà.

Từ đó, Học viện Tòa án cũng đề ra kế hoạch thu hút người học và phát triển quy mô đào tạo trong những năm tới. Cụ thể:

Học viện Tòa án luôn quan tâm và chú trọng đến chất lượng chất lượng đào tạo. Do đó, các hoạt động đều hướng tới mục tiêu đó. Ngay từ ban đầu, khi tuyển sinh đại học, Học viện mong muốn tuyển được các sinh viên có chất lượng. Trong suốt quá trình đào tạo, Học viện đều hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo. Về phát triển quy mô đào tạo, Học viện sẽ xây dựng kế hoạch và định hướng phát triển trong các năm tới và theo lộ trình cụ thể.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá, tư vấn tuyển sinh: Truyền thông, tư vấn là một trong những biện pháp nhằm đưa thông tin trực tiếp hay gián tiếp đến với đối tượng thí sinh có nhu cầu.

Đồng thời, phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân 63 tỉnh thành trong việc đảm bảo thí sinh tốt nghiệp có chất lượng có việc làm tại hệ thống Tòa án nhân dân.

Vì sao tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm mang tính “dự báo”?

Theo thông tin từ đề án tuyển sinh, tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm năm 2020 là 95,48%. Tuy nhiên, đến năm 2021 và 2022, thống kê này không đề cập đến tỉ lệ sinh viên có việc làm, mà chỉ đưa ra “dự báo”.

Cụ thể, năm 2020, Học viện Tòa án có sinh viên đại học khóa đầu tiên tốt nghiệp (khóa 1) và được cấp bằng cử nhân luật với 199 cử nhân, trong đó có 190 cử nhân đã trúng tuyển và được nhận vào làm việc tại các tòa án nhân dân trên cả nước (chiếm tỉ lệ 95,48%). 09 sinh viên còn lại sau khi tốt nghiệp đã vào công tác tại các cơ quan, đơn vị ngoài hệ thống tòa án (chiếm tỉ lệ 4,52%).

Tính đến thời điểm lập Đề án tuyển sinh năm 2022 (đầu năm 2022 - PV), Học viện có thêm 304 sinh viên khóa 2 đã tốt nghiệp (tháng 9/2021); và Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Thông báo số 82a/TB-TANDTC ngày 03/02/2022 về việc tuyển dụng thư ký viên Tòa án nhân dân năm 2022. Đa số sinh viên tốt nghiệp khóa 2 sẽ tham gia kỳ thi tuyển dụng này do vậy tại thời điểm này chưa có số liệu thống kê về tình hình việc làm đối với sinh viên khóa 2.

Điều này được Giám đốc Học viện Tòa án lý giải: “Mục tiêu đào tạo của Học viện là đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có chất lượng cho hệ thống Tòa án nhân dân. Trong quá trình đào tạo, luôn gắn với thực hành nghề nghiệp để bảo đảm khi tốt nghiệp, sinh viên ra trường có thể nắm bắt và thực hiện tốt công việc tại Tòa án ngay sau khi được tuyển dụng.

Tại thời điểm xây dựng đề án tuyển sinh theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, số sinh viên tốt nghiệp liền kế trước năm tuyển sinh này chưa tham dự kỳ thi tuyển chọn công chức vào hệ thống Tòa án nhân dân, nên Học viện chỉ có thể đưa ra con số dự kiến căn cứ theo chỉ tiêu tuyển dụng của Tòa án nhân dân tối cao.

Hiện nay, sinh viên sau khi tốt nghiệp không chỉ thi tuyển vào hệ thống Tòa án. Thực tế, có nhiều sinh viên học văn bằng 2 các trường công an (Học viện Cảnh sát, Học viện Kỹ thuật hậu cần…) và có thể làm việc tại các cơ quan nhà nước khác…

Theo đó, số liệu thống kê tỉ lệ sinh viên có việc làm trong vòng 12 tháng sau khi tốt nghiệp được tính chủ yếu tỉ lệ sinh viên trúng tuyển vào hệ thống Tòa án trên tổng số sinh viên tốt nghiệp, nên tỉ lệ có giảm so với các năm trước; bởi vì chưa thống kê được đầy đủ số lượng sinh viên khi đã đi làm tại các cơ quan khác.

Nhưng chúng tôi khẳng định, bảo đảm việc làm cho sinh viên tốt nghiệp tại Học viện vào làm việc tại các Tòa án là trên 70%”.

Từ năm 2020 đến năm 2023, tổng thu tăng 53,5%

Theo công khai tài chính từ năm 2020 đến năm 2023, tổng nguồn thu hợp pháp của Học viện tăng từ 13,032 tỷ đồng lên 20 tỷ đồng (tương đương tăng 53,5%).

Cụ thể, theo Đề án tuyển sinh năm 2020, tổng nguồn thu hợp pháp/năm của trường được công khai là 13.418.000.000 đồng (tức 13,418 tỷ đồng).

Tổng chi phí đào tạo trung bình một sinh viên/năm (năm liền trước năm tuyển sinh) là 4.702.702 đồng.

Năm 2021, tổng nguồn thu hợp pháp/năm của trường là 13.032.000.000 đồng (tức 13,032 tỷ đồng).

Tổng chi phí đào tạo trung bình một sinh viên/năm (năm liền trước năm tuyển sinh) là 4.528.000 đồng.

Theo Đề án tuyển sinh năm 2022, tổng nguồn thu hợp pháp/năm của trường là 17.830.000.000 đồng (tức 17,83 tỷ đồng).

Tổng chi phí đào tạo trung bình một sinh viên/năm (năm liền trước năm tuyển sinh) là 4.800.000 đồng.

Việc tuyển sinh đào tạo liên thông trình độ đại học đối với người đã có bằng tốt nghiệp đại học được thực hiện bằng đề án riêng.

Đề án tuyển sinh năm 2023 cho thấy, tổng nguồn thu hợp pháp/năm của trường là 20.000.000.000 đồng (tức 20 tỷ đồng).

Tổng chi phí đào tạo trung bình một sinh viên/năm (năm liền trước năm tuyển sinh) là 6.500.000 đồng.

Tổng nguồn thu hợp pháp/năm và chi phí đào tạo trung bình một sinh viên/năm được công bố trong đề án tuyển sinh. Đơn vị: đồng.

Tổng nguồn thu hợp pháp/năm và chi phí đào tạo trung bình một sinh viên/năm được công bố trong đề án tuyển sinh. Đơn vị: đồng.

Chia sẻ về thông tin này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Minh Tuyên cho biết: “Học viện Tòa án là đơn vị sự nghiệp có thu, tự đảm bảo một phần chi thường xuyên theo quy định trong Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.

Là cơ sở giáo dục đại học, nguồn thu của Học viện đến từ nguồn thu học phí đại học chính quy. Học viện đang thu học phí dựa theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Bảo đảm tự chủ 30%.

Theo đó, học phí đối với sinh viên đại học chính quy tăng từ 890.000 đồng/tháng năm 2020 lên 1.410.000 đồng/tháng năm 2023.

Vì vậy, tổng thu học phí tăng lên khá đáng kể dẫn đến tổng nguồn thu hợp pháp của Học viện từ đó cũng tăng.

Ngoài ra, Học viện còn có những khoản thu từ các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ tòa án, lớp bồi dưỡng cán bộ cấp phòng, cấp vụ, lệ phí thi thẩm phán, các khoản thu dịch vụ ký túc xá, nước sinh hoạt…”.

Mộc Trà