Từ nay đến 2030, dự kiến thiếu hơn 55.000 giáo viên mẫu giáo

30/06/2024 10:08
Minh Quân
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Tờ trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị xây dựng Nghị quyết tập trung giải quyết 3 nhóm chính sách để thực hiện phổ cập trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi.

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố Tờ trình về việc xây dựng Nghị quyết Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi. Trong đó có những nội dung quy định về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi; một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư cơ sở vật chất trường lớp; ưu đãi thu hút đầu tư; ưu đãi, thu hút đối với giáo viên mầm non dạy các lớp mẫu giáo; chính sách cho trẻ em mẫu giáo học tại các cơ sở giáo dục mầm non.

Phổ cập mầm non vẫn khó khăn trăm bề

Theo Tờ trình, hằng năm, nước ta có trên 5,3 triệu trẻ mầm non được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục tại trên 15.000 trường mầm non và gần 16.000 cơ sở độc lập. Tỷ lệ huy động trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi đạt 93,1%; trong đó có 32 tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ huy động trên 95%.

Giáo dục mầm non đã từng bước vượt qua khó khăn, phát triển khá toàn diện về quy mô, mạng lưới trường lớp, các điều kiện chăm sóc giáo dục trẻ, đặc biệt là thực hiện thành công các mục tiêu cơ bản của Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi.

GDVN_mn-hoa-cuc-2.jpg
Thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ từ 3-5 tuổi còn gặp nhiều khó khăn. (Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Tuy nhiên, Tờ trình cũng chỉ rõ giáo dục mầm non vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

Trước hết, có khoảng trên 300 ngàn trẻ em mẫu giáo chưa được đến trường, tập trung tại những nơi khó khăn, miền núi, biên giới, hải đảo, nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cao. Thiếu phòng học, cơ sở vật chất thiết bị, đặc biệt là thiếu đội ngũ giáo viên, buộc một số địa phương chỉ tập trung huy động hầu hết trẻ em mẫu giáo 5 tuổi, trong khi trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 4 tuổi được tiếp cận giáo dục mầm non còn ở mức thấp.

Tại các vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, trẻ em được tiếp cận giáo dục mầm non muộn, từ sau 5 tuổi, nhờ chính sách phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo 5 tuổi, trẻ em mới được ra lớp. Trẻ ra lớp muộn, không đúng tuổi dẫn đến thiếu hụt nhiều ở các lĩnh vực phát triển nhận thức, ngôn ngữ và giao tiếp, đặc biệt là trẻ em người dân tộc thiểu số, chưa có đủ thời gian để phát triển ngôn ngữ tiếng Việt, chuẩn bị sẵn sàng cho việc học tập ở trường phổ thông, dẫn đến tỷ lệ không được lên lớp, lưu ban khá cao ở đối tượng này.

Về phòng học, tỷ lệ phòng học kiên cố mới đạt 82,2%, còn 0,8% phòng học tạm và học nhờ/mượn gần 2000 phòng. Riêng đối với các lớp mẫu giáo, tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 81,8%, phòng học tạm còn 0,79%; đồ chơi ngoài trời, thiết bị dạy học tối thiểu trong lớp ở các trường mầm non cũng thường xuyên xuống cấp, hỏng hóc, thiếu hụt phải bổ sung thường xuyên.

Hiện nay, tỷ lệ bình quân giáo viên/lớp toàn quốc đạt 1,86; riêng các lớp mẫu giáo đạt 1,84 giáo viên/lớp. Theo định mức tỷ lệ 2,2 giáo viên/lớp, cả nước thiếu hơn 53 ngàn giáo viên theo quy mô dự báo đến năm 2030. Trong đó, các lớp mẫu giáo công lập thiếu gần 35 ngàn giáo viên cần tuyển thêm đến năm 2030.

Không chỉ thiếu số lượng giáo viên, giai đoạn 10 năm vừa qua, chính sách thu hút, chính sách hỗ trợ giáo viên chưa thích đáng để ổn định đời sống, khó “giữ chân” giáo viên yên tâm công tác. Với bối cảnh mức lương còn thấp, áp lực công việc nhiều, ngày càng nhiều giáo viên mầm non bỏ nghề, chuyển công việc. Nghề giáo viên mầm non không còn hấp dẫn, không thu hút học sinh trung học phổ thông mong muốn tham gia dự tuyển vào học và làm việc.

Ngoài ra, việc huy động các nguồn lực của xã hội cho giáo dục mầm non còn ở mức khiêm tốn, còn nhiều khó khăn về cơ chế, chính sách trong phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục cần được tháo gỡ.

Nguồn ngân sách nhà nước hiện tại hầu hết được sử dụng hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục công lập dẫn đến sự thiếu công bằng giữa trường công lập và trường ngoài công lập. Học sinh trường công được bao cấp gần như toàn bộ; trong khi đó học sinh trường dân lập, tư thục phải chịu toàn bộ chi phí học tập.

Một số địa phương muốn triển khai phương thức đối tác công tư đối với các dự án giáo dục mầm non nhưng vướng quy định tại Luật đầu tư đối tác công tư về mức đầu tư tối thiểu đối với các dự án giáo dục được áp dụng PPP.

Gdvn_An.jpg
Một số địa phương muốn triển khai phương thức đối tác công tư đối với các dự án giáo dục mầm non nhưng còn nhiều vướng mắc. (Ảnh minh họa: Ngọc Mai)

Tập trung giải quyết 3 nhóm chính sách

Để thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi, Tờ trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị xây dựng Nghị quyết tập trung giải quyết 3 nhóm chính sách. Cụ thể:

Thứ nhất, hoàn thiện chính sách ưu đãi đối với trẻ em mẫu giáo trong độ tuổi thực hiện phổ cập, đảm bảo tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo được huy động đến cơ sở giáo dục mầm non để được nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục theo Chương trình giáo dục mầm non.

Mục tiêu của chính sách là hỗ trợ, khuyến khích để tăng tỷ lệ trẻ em mẫu giáo được tiếp cận với giáo dục mầm non có chất lượng, đặc biệt là trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng biên giới, hải đảo, bãi ngang ven biển; góp phần nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, đảm bảo quyền trẻ em.

Nhóm chính sách này sẽ thực hiện phổ cập giáo dục mầm non với ưu đãi tốt hơn cho trẻ em thuộc đối tượng khó khăn, khuyến khích trẻ đến trường như: miễn học phí, hỗ trợ chi phí học tập, hỗ trợ ăn trưa, chăm sóc bán trú cho trẻ khi đến trường. Đảm bảo các điều kiện tốt nhất để trẻ mẫu giáo được tiếp cận giáo dục sớm hơn, hỗ trợ nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục.

Theo tính toán mà tờ trình nêu, phần kinh phí tăng thêm mỗi năm học để thực hiện chính sách hỗ trợ tiền ăn, miễn, giảm học phí là khoảng 1.300 tỷ đồng.

Thứ hai, chính sách thu hút đội ngũ, ưu đãi đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên mầm non thực hiện phổ cập giáo dục mầm non.

Nội dung của chính sách là bổ sung đội ngũ giáo viên thiếu cho các cơ sở giáo dục mầm non để thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo giai đoạn 2026-2030. Tiếp tục nâng cao trình độ của đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu về chuẩn đào tạo; phương pháp chăm sóc, giáo dục trẻ em mầm non. Giải quyết các vấn đề về lương và phụ cấp, giờ làm vượt quy định. Thúc đẩy các cơ chế, chính sách về tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ để thu hút, khuyến khích đội ngũ giáo viên mầm non yên tâm công tác, gắn bó, tâm huyết với nghề.

Tờ trình cũng cho biết, kinh phí cần Nhà nước hỗ trợ thực hiện chính sách là hơn 4.400 tỷ đồng. Mức chi này sẽ hỗ trợ tuyển dụng tuyển dụng giáo viên mầm non và hỗ trợ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên thực hiện phổ cập. Cụ thể, tổng số giáo viên mẫu giáo thiếu đến năm 2030 dự kiến là 55.571 giáo viên. Riêng các lớp mẫu giáo công lập thiếu 34.612 giáo viên cần tuyển thêm đến năm 2030. Tổng số cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên được hỗ trợ kinh phí hàng tháng thực hiện nhiệm vụ được dự tính là là 378.652 người (trong đó có 32.278 cán bộ quản lý, 330.235 giáo viên dạy lớp mẫu giáo và 16.139 nhân viên).

Thứ ba, đầu tư phát triển mạng lưới trường, lớp giáo dục mầm non, bổ sung cơ chế, chính sách phát triển mạng lưới trường lớp đáp ứng nhu cầu tới trường của trẻ em mẫu giáo.

Tờ trình đặt mục tiêu tập trung tháo gỡ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc về chính sách đất đai, vay vốn tín dụng, ưu tiên cho thuê tài sản công; đẩy mạnh xã hội hoá, tạo điều kiện cho cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước đầu tư xây dựng phát triển giáo dục mầm non dân lập, tư thục, nhất là trường mầm non, nhà trẻ ngoài công lập tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đô thị đông dân cư. Đầu tư xây dựng phát triển cơ sở giáo dục mầm non theo phương thức đối tác công tư (trường công, quản lý tư), không áp dụng quy định về quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP lĩnh vực giáo dục - đào tạo của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư đối với các dự án đầu tư cơ sở giáo dục mầm non.

Để thực hiện chính sách trên, hệ thống giáo dục cần khoảng 18.000 tỷ đồng cho giai đoạn 2026 - 2030 để xây mới 6.149 phòng học còn thiếu và dự kiến tăng để đáp ứng đủ phòng học cho các lớp mầm non. Bên cạnh đó, số tiền này cũng sẽ chi trả cho việc thay thế 15.242 phòng bán kiên cố (đảm bảo đến năm 2030 các tỉnh đạt từ 85% phòng học kiên cố trở lên); mua sắm 216 bộ đồ chơi ngoài trời cho các trường mầm non công lập thành lập thêm; mua sắm 1.902 bộ thiết bị, đồ dùng dạy học trong lớp cho các lớp mẫu giáo tăng thêm.

Nguồn kinh phí thực hiện các nhóm chính sách trên lấy từ nguồn ngân sách nhà nước, nguồn vốn xã hội hóa giáo dục và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác.

Minh Quân