Nhiều nguyện vọng đăng ký
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Bình, bắt đầu từ năm học 2021-2022 và những năm tiếp theo, Sở đã thống nhất thực hiện chủ trương sắp xếp cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên theo hướng tạo điều kiện công tác gần nhà để ổn định cuộc sống lâu dài.
Giáo viên vượt lũ đến với học trò người Rục ở Thượng Hóa (Minh Hóa, Quảng Bình). Ảnh: NP |
“Khoảng giữa tháng 5 thì Sở đã có công văn gửi các cơ sở giáo dục trực thuộc yêu cầu quán triệt chủ trương này đến toàn thể cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên của đơn vị mình.
Đồng thời, Hiệu trưởng các trường thực hiện rà soát, nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên để lập danh sách báo cáo cho Sở.
Trên cơ sở những đăng ký nguyện vọng của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, Phòng tổ chức – cán bộ của Sở sẽ rà soát lại, đối chiếu theo các quy định để thuyên chuyển, hoán đổi công tác cho những trường học này”, một cán bộ Sở giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Bình cho biết.
Mục đích của việc thuyên chuyển, hoán đổi này là nhằm tạo điều kiện để cán bộ, giáo viên được công tác gần nhà, ổn định cuộc sống lâu dài.
Sau khi ngành giáo dục Quảng Bình có chủ trương này đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ phía đội ngũ giáo viên.
Trong đó, có nhiều giáo viên đã có nhiều năm công tác tại các huyện miền núi, rẻo cao cũng mong ngóng được chuyển đổi về miền xuôi để được gần gia đình.
Cô Nguyễn Thị Lan (một giáo viên công tác ở huyện Minh Hóa) cho biết: “Khi nhận được thông báo, tôi đã trình bày nguyện vọng với ban giám hiệu về việc muốn chuyển về giảng dạy ở gần nhà tại huyện Bố Trạch.
Gần năm năm công tác ở Minh Hóa, hàng tuần tôi phải đi cả gần trăm cây số mới về đến nhà nên muốn được ổn định để có thêm thời gian chăm sóc chồng, con”.
Trên cơ sở nguyện vọng của cô Lan, ngành giáo dục sẽ sắp xếp, trường hợp có giáo viên dạy Ngữ văn nào ở Bố Trạch muốn chuyển về Minh Hóa để gần nhà thì Sở sẽ sắp xếp để hai giáo viên này có thể hoán đổi.
Ngoài ra, nếu trường hợp có trường nào ở huyện Bố Trạch còn thiếu giáo viên môn Ngữ văn thì cô Lan cũng sẽ nằm trong diện được xem xét, luân chuyển.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Bình thì ngay trong năm học này đã có 238 nguyện vọng của giáo viên đề đạt muốn luân chuyển. Trong số này thì Sở đã giải quyết cho 26 trường hợp trong năm học nay, còn có một số vị trí sẽ tiếp tục cho chuyển trong thời gian tới.
Tạo thuận lợi cho giáo viên
Trao đổi với Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Đặng Ngọc Tuấn – Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Bình cho biết, kế hoạch này bắt đầu triển khai từ năm học 2021-2022.
Tuy nhiên, để chuẩn bị cho sự luân chuyển, điều động này thì ngành giáo dục địa phương đã có sự chuẩn từ khá lâu.
Trong đó, các cơ sở giáo dục sẽ tập hợp các nguyện vọng của giáo viên muốn được chuyển, đổi về công tác gần nhà thì báo cáo về Sở để sắp xếp.
“Mục đích của việc này là tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên yên tâm công tác, giảng dạy. Mà khi giáo viên đã yên tâm dạy học thì học sinh cũng sẽ là đối tượng hưởng lợi, chất lượng giảng dạy cao hơn.
Trong số những giáo viên có nguyện vọng chuyển đổi thì có nhiều người bố mẹ ốm đau, hoàn cảnh gia đình khó khăn thì Sở sẽ ưu tiên sắp xếp cho phù hợp. Cái này thì Phòng tổ chức cán bộ rà soát và giám đốc sở quyết định việc luân chuyển”, ông Tuấn nói.
Để hạn chế tình trạng “chạy chọt” về các trường trung tâm, ông Tuấn cho biết, trên cơ sở nguyện vọng của giáo viên, Sở sẽ đến làm việc trực tiếp công khai với giáo viên, trường học, để làm thế nào lo lắng được tốt nhất cho giáo viên.
“Có nhiều giáo viên bất ngờ khi chúng tôi đến làm việc để chuyển công tác cho họ. Tức là họ không biết trước. Chứ mình không phải làm để lọt, lộ thông tin ra cho họ chạy chọt.
Đa số giáo viên có nguyện vọng chuyển từ miền núi về đồng bằng, chỉ một số ít từ Đồng bằng chuyển ngược lên miền núi để được dạy học gần nhà. Trên cơ sở nguyện vọng của giáo viên nhưng phải trùng với nơi đang thiếu giáo viên bộ môn đó.
Thực ra các giáo viên này không biết nhau, trên cơ sở hướng dẫn của Sở thì hai giáo viên nếu hoán đổi được vị trí cho nhau thì Sở cũng sẽ đổi (với điều kiện trùng bộ môn giảng dạy). Theo những phương án như vậy thì mới đáp ứng được nguyện vọng của giáo viên”, ông Tuấn giải thích thêm.