LTS: Vấn đề luân chuyển giáo viên lâu nay vẫn được xem là “khá nhạy cảm”, thường dễ nảy sinh tiêu cực về chạy chọt, lo lót nhằm chuyển đến giảng dạy ở các khu vực thuận lợi.
Vậy thực tiễn điều động, luân chuyển tại các địa phương khu vực miền Trung, nơi có nhiều huyện miền núi xa xôi ra sao?
Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có loạt bài phản ánh về thực trạng này.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả loạt bài này:
Mặc dù đã có nhiều năm công tác ở các trường miền núi nhưng khi có quyết định điều động giáo viên trong tổ đến trường vùng khó khăn thì thầy Cương đã xung phong đi thay.
Do tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ tại các địa phương khu vực miền Trung như: Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam... nên ngành giáo dục địa phương đã tiến hành điều chuyển giáo viên từ nơi thừa đến nơi thiếu.
Việc ra quyết định điều động một giáo viên đến trường khác công tác cũng không phải đơn giản khi họ phải đi xa nhà, đến các vùng khó khăn hơn.
Tình nguyện xin đi
Trong nhiều trường hợp giáo viên được điều động, luân chuyển vừa qua tại Quảng Nam thì câu chuyện về thầy Dương Văn Cương (giáo viên bộ môn Vật lý) được ông Hà Thanh Quốc – Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Nam nhận xét là câu chuyện “dễ thương” nhất.
Giáo viên vượt rừng núi hiểm trở vào các điểm trường xa xôi giữa đại ngàn Trường Sơn (Quảng Nam). Ảnh: AN |
Bởi một người thầy dù không nằm trong danh sách điều động nhưng vẫn xung phong đến giảng dạy ở trường vùng khó.
Từng nhiều năm công tác tại giảng dạy tại Trường Trung học phổ thông Tây Giang, một huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam, năm 2015, thầy Cương mới được điều chuyển về Trường Trung học phổ thông Đỗ Đăng Tuyển (huyện Đại Lộc, Quảng Nam).
Sau hơn bốn năm công tác, gắn bó với trường, cuộc sống của gia đình thầy đã ổn định vì trường nằm ở vùng đồng bằng, thuận lợi hơn nhiều lần so với vùng núi heo hút Tây Giang.
Hình ảnh xúc động giáo viên vượt lũ vào với học sinh người Rục |
Năm 2019, do bộ môn Vật lý của nhà trường thừa hai giáo viên, trong khi Trường Trung học phổ thông Chu Văn An lại đang thiếu giáo viên môn này.
Sau khi xem xét hoàn cảnh cũng như các tiêu chí thì hai giáo viên nữ thuộc bộ môn này trong trường phải lên đường đi làm nghĩa vụ.
“Hoàn cảnh hai cô giáo cũng khó khăn vì đang có con nhỏ, đường xá lại xa xôi. Mình từng nhiều năm công tác ở huyện miền núi, đi xa cũng quen rồi. Với lại mình là đàn ông nên xung phong đi thay hai cô ấy.
Mình chỉ nghĩ đơn giản vậy thôi, chứ cũng không nặng nề gì”, thầy Cương tâm sự. Thầy về nhận công tác tại Trường Trung học phổ thông Chu Văn An theo “nhiệm kỳ” 1 năm.
Quãng đường đến trường của thầy xa hơn nhưng thầy vẫn vui vì quyết định của mình.
“Ai cũng muốn được chuyển về các trường gần nhà để giảng dạy cho thuận lợi nhưng trách nhiệm, nghĩa vụ thì phải đi. Sau khi hết thời gian điều động, mình cũng muốn trở lại trường cũ để dạy”, thầy Cương nói.
Chuyển trường - mảnh đất màu mỡ của quan tham, cửa ải gian nan của nhà giáo |
Ban giám hiệu Trường Trung học phổ thông Đỗ Đăng Tuyển cho biết, ngoài trường hợp của thầy Cương thì hai giáo viên khác trong tổ Văn của trường cũng được luân chuyển đến trường khác công tác.
“Thầy Cương là người đã có nhiều năm cống hiến cho giáo dục vùng xa. Tháng 8/2019, thầy tự nguyện luân chuyển đến trường Chu Văn An giảng dạy theo công văn điều chuyển giáo viên của Sở, thay cho các cô giáo trong tổ đang có con nhỏ.
Nhà trường rất cảm kích trước tinh thần tương thân, tương ái của thầy”, đại diện Ban giám hiệu nhà trường chia sẻ.
Dùng dằng chưa đến nhận quyết định
Bà Lê Thị Hương – Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị cho biết, tại địa phương này đang xảy ra tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ, trong đó, nhiều trường cấp ba ở khu vực miền núi, khó khăn như: Hướng Hóa, Đakrông… đang thiếu giáo viên bộ môn.
Huyện Hậu Lộc có cán bộ cố chấp, không công tâm khi điều chuyển giáo viên |
Do đó, ngành giáo dục địa phương đã thực hiện luân chuyển giáo viên thừa từ các huyện đồng bằng, thành phố đến những vùng miền núi nói trên nhận công tác theo “chế độ nghĩa vụ” 2 năm đối với nữ giáo viên và 3 năm đối với nam.
“Sở có gặp mặt trao đổi với các giáo viên được luân chuyển, điều động đợt này. Cũng có nhiều người có tâm tư, kiến nghị xin ở lại trường cũ giảng dạy vì lý do cá nhân.
Bởi ban đầu ở vùng thuận lợi, giờ điều đi vùng khó khăn thì họ cũng tâm tư, chần chừ. Nhưng các họ cũng cần phải nghĩ là mình ở vùng thuận lợi lâu năm rồi thì cũng phải đi để anh em được về”, bà Hương nói.
Trong đợt điều chuyển vừa qua của Sở Giáo dục Quảng Trị thì hiện vẫn còn một giáo viên chưa đến nhận quyết định điều động, luân chuyển.
Lý do là giáo viên này được chuyển đến trường ở vùng xa. Bà Hương cho biết, Sở đang làm việc lại với trường hợp này.