Ngày trước, Khai giảng năm học xong thì học sinh mới bước vào học tập nhưng những năm gần đây thì học sinh học chán chê rồi nhà trường mới tổ chức Khai giảng.
Chính vì thế mà buổi Khai giảng năm học chỉ còn mang tính hình thức, dập khuôn và mất đi hoàn toàn ý nghĩa vốn có của nó. Dù dư luận lên tiếng đã nhiều năm nay nhưng ngành giáo dục vẫn chưa thấy có ý định thay đổi, điều chỉnh.
Có những địa phương đã học cả tháng rồi mới tổ chức Khai giảng (Ảnh minh họa: VOV.vn) |
Năm nay cũng vậy, nhiều địa phương đã tựu trường từ ngày 01/8 thì ngày 05/9 tới đây mới Khai giảng còn gì là hứng thú cho cả thầy và trò?
Trong Công văn mà Bộ Giáo dục mới gửi cho các địa phương đã hướng dẫn cụ thể như sau: “Tổ chức Lễ Khai giảng năm học 2019-2020 thống nhất trên cả nước vào buổi sáng ngày 05 tháng 9 năm 2019.
Chương trình khai giảng có các nghi thức: đón học sinh đầu cấp, chào cờ, hát Quốc ca, đọc thư của Chủ tịch nước;
Có thể tổ chức một số hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao phù hợp với điều kiện nhà trường và tâm sinh lý lứa tuổi học sinh để tạo không khí vui tươi, phấn khởi của ngày Khai giảng năm học mới - Ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường”.
Nhưng, thời điểm Khai giảng thì đã có một số địa phương học được cả tháng, nơi muộn thì cũng đã hơn nửa tháng trời rồi. Vậy, việc hướng dẫn của Bộ là “đón học sinh đầu cấp” có còn phù hợp không?
Học sinh đầu cấp thì trường nào cũng “đón” trước khi tựu trường chứ đâu phải đợi đến ngày Khai giảng mới "đón"? Và kể cả cụm từ “Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường” có lẽ cũng không còn phù hợp nữa.
Việc tổ chức Lễ Khai giảng năm học những năm gần đây chỉ mang tính hình thức vì không chỉ là học được mấy tuần mới Khai giảng mà vì Bộ, Sở hướng dẫn làm gọn nhẹ nên buổi học đó học sinh vẫn tập trung trên lớp để sinh hoạt 15 phút đầu giờ, sau đó xuống sân dự Khai giảng khoảng 2 tiết học rồi lại lên…học tiếp.
Cũng chính vì buổi Khai giảng lấy mất 2 tiết học nên bắt buộc thầy và trò lại phải đi học bù trái buổi 2 tiết này. Ngoài ra, trước đó học sinh còn nghỉ lễ ngày 02/9 theo luật định.
Thành ra, chỉ trong một tuần vừa nghỉ Quốc Khánh, vừa nghỉ dự Khai giảng nên cả thầy và trò lại phải vất vả thêm 2 buổi dạy và học bù trái buổi hoặc học bù vào ngày chủ nhật.
Vì thế, tâm lý chung của giáo viên và học sinh bây giờ chẳng mấy ai thích thú với việc Khai giảng năm học. Bởi, nó không còn là điều được học sinh, giáo viên hồi hộp, chờ đợi như trước khi đã tổ chức sai thời điểm.
Năm nào Bộ cũng hướng dẫn những quy định cứng như vậy và thêm vài bài phát biểu của lãnh đạo ngành, địa phương, nhà trường, giáo viên, học sinh “lên gân” bằng những ngôn từ sáo rỗng.
Những bài phát biểu đó quen thuộc đến nhàm chán vì mọi người được nghe đi nghe lại từ năm này sang năm khác.
Sao Bộ không hướng dẫn ngày tựu trường cũng thống nhất trong cả nước?
Ám ảnh những... khai giảng buồn |
Điều mà mọi người thấy trong mấy năm nay là năm nào Bộ cũng hướng dẫn ngày Khai giảng được thống nhất trong cả nước nhưng tại sao lại không có hướng dẫn ngày tựu trường cũng như vậy?
Trong khi chương trình học cả nước hiện nay giống nhau, ngày Tổng kết năm học đều kết thúc vào cuối tháng 5 năm sau, một số kỳ thi cũng đồng loạt diễn ra cùng thời điểm. Vì vậy, việc tựu trường lệch nhau nhiều tuần liệu có khập khiễng lắm không?
Có lẽ chỉ trừ một số địa phương, một số trường thường xuyên gặp thiên tai hay gặp một sự cố bất khả kháng nào thì có thể linh hoạt ngày tựu trường. Những địa phương, những trường còn lại nên trở lại với mốc thời gian ngày trước.
Sau ngày Quốc khánh (02/9) thì ngày 03,04/9 học sinh tập trung vào trường và ổn định lớp học, ngày 05/9 Khai giảng xong thì chính thức bước vào năm học mới sẽ thiết thực và phù hợp hơn rất nhiều.
Bởi, việc tựu trường sớm hiện nay cũng đang nảy sinh nhiều bất cập. Học sinh và giáo viên vào trường “ngồi nhìn nhau” suốt một tuần mới bước vào thực học.
Học chán chê rồi toàn ngành giáo dục mới đồng loạt tổ chức Khai giảng. Như vậy, nghĩa của từ “Khai giảng” đâu còn trọn vẹn nội dung, ý nghĩa mà từ ngữ này biểu đạt nữa?