Giao Bộ Giáo dục làm việc với các đài để tổ chức dạy trên truyền hình

09/09/2021 06:39
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thừa nhận, học truyền hình tương tác kém hơn nhưng độ phủ rộng, khả năng tiếp cận được học sinh nhiều hơn.

Huy động mọi giải pháp để có thể hỗ trợ học sinh nghèo, học sinh khó khăn, chú trọng đảm bảo công bằng trong giáo dục, đây là một trong những yêu cầu được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh trong cuộc họp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và truyền thông, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội và các cơ quan phát thanh, truyền hình để bàn các giải pháp đảm bảo dạy học trong tình hình dịch COVID-19 diễn ra chiều 8/9.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo làm việc trực tiếp với các đài truyền hình, kênh truyền hình của Trung ương để rà soát lại độ bao phủ, khả năng dành thời lượng phát sóng các bài giảng truyền hình. Ảnh: VGP/Đình Nam

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo làm việc trực tiếp với các đài truyền hình, kênh truyền hình của Trung ương để rà soát lại độ bao phủ, khả năng dành thời lượng phát sóng các bài giảng truyền hình. Ảnh: VGP/Đình Nam

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, trong tình hình hiện nay dạy học trực tuyến là phương thức chủ đạo, Bộ Thông tin và Truyền thông và các nhà mạng có giải pháp đảm bảo chất lượng đường truyền phục vụ cho giáo dục tuy nhiên không phải học sinh nào cũng có điều kiện học trực tuyến.

Mặc dù, học truyền hình tương tác kém hơn nhưng độ phủ rộng, khả năng tiếp cận được học sinh nhiều hơn. Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần làm việc với các đài truyền hình để triển khai dạy trên truyền hình sao cho diện phủ sóng được tốt nhất, vận động tất cả các thành phần trong xã hội tham gia hỗ trợ cho học sinh nghèo được học tập.

Còn ở các địa phương có dịch, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu phương án kiểm tra, đánh giá phù hợp với tình hình kể cả thi hết cấp, đầu cấp thậm chí là thì tốt nghiệp trung học phổ thông, thi đại học cho phù hợp với tinh thần là tạo điều kiện tối đa cho các cháu học sinh, không để các cháu bị thiệt thòi.

Trước đó, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 ngày 6/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và truyền thông phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức dạy học qua truyền hình, bảo đảm cho các em học sinh được tiếp cận giáo dục một cách bình đẳng nhất là những nơi dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Ngày 2/9, Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng - Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam ký kiến nghị gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính về giải pháp ưu tiên cho học sinh tiểu học và trung học cơ sở được chuyển sang học đại trà qua các kênh truyền hình cả nước trong mùa dịch COVID.

Theo đó, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam kiến nghị Thủ tướng giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì và phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khẩn trương xây dựng phương án dạy học trên truyền hình, cho học sinh phổ thông trong cả nước, để sẵn sàng triển khai ngay trong mùa dịch Covid-19 khi buộc phải kéo dài thời gian đóng cửa trường học, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, không chần chừ, không cầu toàn; đồng thời kêu gọi các nhà hảo tâm gửi thiết bị nghe nhìn cho các địa phương có khó khăn để học sinh những nơi đó được tham gia học tập trên truyền hình.

Cần sớm thành lập Ban chỉ đạo đổi mới phương thức dạy và học trong mùa dịch Covid-19 để thống nhất hoạt động này trong cả nước, chứ không chỉ dừng ở các hoạt động riêng biệt ở từng địa phương, từng trường như hiện nay.

Từ đó các Sở Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục phải chủ động phối hợp chặt chẽ với các kênh truyền hình/mạng giáo dục ở địa phương lên kế hoạch cụ thể bố trí giáo viên giỏi lên giảng trên kênh truyền hình khi được phân công (như Hà Nội đã làm rất hiệu quả) và tham gia tích cực trong việc hướng dẫn và giải đáp thắc mắc cho học sinh, cùng hội cha mẹ học sinh triển khai việc tổ chức học qua truyền hình cho các nhóm nhỏ học sinh tại địa bàn, giám sát việc học và đánh giá kết qủa học tập của học sinh,… nhằm khắc phục một số hạn chế vốn có của phương thức dạy học trên truyền hình.

Kinh nghiệm thế giới cho thấy việc kết hợp hài hòa giữa hai phương thức dạy học truyền thống và dạy học truyền hình/trực tuyến sẽ mang lại hiệu quả cao hơn so với việc dạy học chỉ theo từng phương thức riêng biệt.

Còn dạy học trực tuyến là phương thức dạy học chủ lực tại các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục chuyên nghiệp, có kết hợp một cách hợp lý, tùy tình hình cụ thể, với các phương thức dạy trực tiếp.

Đối với giáo dục phổ thông chỉ cho phép áp dụng đại trà dạy và học trực tuyến ở những cơ sở giáo dục phổ thông (chủ yếu cho cấp trung học phổ thông) có phương thức dạy thực sự “trực tuyến” và phải bảo đảm cho 100% học sinh của những cơ sở đó có đủ điều kiện để học trực tuyến. Trong trường hợp ngược lại, dạy học trực tuyến chỉ nên áp dụng riêng lẻ cho các bài học nâng cao hoặc bổ trợ cho những nhóm học sinh có điều kiện về kinh tế.

Thùy Linh