Sáng 17/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Văn phòng UNESCO Việt Nam tổ chức Hội thảo tham vấn chuyên môn về một số nội dung hướng dẫn thi hành Luật Nhà giáo, chính sách cho nhà giáo, lãnh đạo giáo dục và nhân sự trường học trong bối cảnh mới.

Tham dự hội thảo, về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo có: Thứ trưởng thường trực Phạm Ngọc Thưởng; Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục Vũ Minh Đức; Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục Phạm Tuấn Anh; Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Đào Hồng Cường; Phó Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Trần Huy Hoàng.
Về phía Văn phòng UNESCO Việt Nam có bà Miki Nozawa - Trưởng Ban Giáo dục, Văn phòng UNESCO Việt Nam; cùng các cán bộ Văn phòng UNESCO Việt Nam.
Hội thảo cũng có sự tham dự của đại diện các tổ chức quốc tế hoạt động tại Việt Nam; lãnh đạo các cơ sở giáo dục đại học, lãnh đạo, cán bộ chuyên viên công tác tại các sở giáo dục và đào tạo.
Xây dựng đội ngũ nhà giáo đủ số lượng, đảm bảo cơ cấu, chất lượng
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng khẳng định, Luật Nhà giáo được ban hành đã đáp ứng được nhiều mong mỏi của đội ngũ nhà giáo trên cả nước; chứng tỏ cơ quan chủ trì xây dựng luật là Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các bộ ngành liên quan, đội ngũ chuyên gia đã nghiên cứu, đánh giá, tham vấn, xây dựng và hoàn thiện luật. Chính vì thế, khi trình Quốc hội, Luật Nhà giáo nhận được sự nhất trí, tỷ lệ tán thành cao.

“Luật Nhà giáo đáp ứng được quan điểm, mục tiêu mà ban soạn thảo, cơ quan chủ trì xác định ngay từ đầu, đó là nhằm phát triển đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ mới”, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng chia sẻ.
Luật Nhà giáo là luật khung. Sắp tới, trong thời gian từ nay đến ngày Luật Nhà giáo chính thức thi hành (1/1/2026), Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ xây dựng các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành Luật Nhà giáo. Quá trình xây dựng nghị định, thông tư đòi hỏi những người xây dựng các văn bản hướng dẫn vẫn phải tiếp cận trên cơ sở đầy đủ căn cứ về pháp lý, chính trị, khoa học, thực tiễn với tinh thần trách nhiệm cao.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh, việc xây dựng nghị định, thông tư hướng dẫn phải đáp ứng được quan điểm cao nhất là phát triển đội ngũ nhà giáo, xây dựng đội ngũ nhà giáo đủ số lượng, đảm bảo cơ cấu, đặc biệt là chất lượng đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu đổi mới đất nước, xây dựng thế hệ học sinh đủ tầm để bước vào kỷ nguyên mới.
Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Nhà giáo là cho nhà giáo, của đội ngũ nhà giáo, của toàn ngành giáo dục. Vì thế mỗi một nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhà trường, sở giáo dục và đào tạo đều phải có trách nhiệm, tâm huyết, tinh thần, thái độ, trí tuệ để góp công, góp sức xây dựng các văn bản hướng dẫn sao cho khi áp dụng vào cuộc sống phải đảm bảo được tính thực thi, thực tiễn, không chồng chéo, không mâu thuẫn, đáp ứng được yêu cầu của luật.
Phát biểu chúc mừng hội thảo, ông Jonathan Wallace Baker - trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam đánh giá cao những cải cách giáo dục toàn diện của Việt Nam, từ việc miễn học phí cho đến triển khai học 02 buổi/ngày – đều xuất phát từ những giá trị về công bằng, hòa nhập và học tập suốt đời, hướng tới tương lai.

Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam nhấn mạnh đến 3 lĩnh vực mà UNESCO coi là thiết yếu.
Thứ nhất, việc triển khai luật một cách bao trùm và phù hợp với bối cảnh. “UNESCO đã đồng hành cùng Việt Nam từ những giai đoạn đầu của quá trình xây dựng chính sách này, bao gồm các khuyến nghị của ILO/ UNESCO về vị thế nhà giáo. Chúng tôi cam kết tiếp tục hỗ trợ triển khai theo hướng thúc đẩy vai trò lãnh đạo và sự phối hợp ở mọi cấp, thúc đẩy bình đẳng giới và phúc lợi nhà giáo, đặc biệt là thông qua mô hình trường học hạnh phúc”, ông Jonathan Wallace Baker chia sẻ.
Thứ hai, cần có hệ thống dữ liệu tích hợp, vững chắc để hỗ trợ giáo viên và toàn thể đội ngũ nhân sự giáo dục, bao gồm cán bộ tư vấn học đường, cán bộ phụ trách thư viện, y tế và cở sở vật chất trường học.
Thứ ba, sử dụng công nghệ số một cách chiến lược để tăng cường phát triển chuyên môn, cải thiện quản trị trường học và thúc đẩy đổi mới giáo dục đào tạo. UNESCO sẽ tiếp tục hỗ trợ quá trình chuyển đổi số của Việt Nam theo hướng lấy con người làm trung tâm và đảm bảo tính bao trùm.
“Có một câu danh ngôn: Cần cả ngôi làng để nuôi dạy một đứa trẻ”. Với đạo luật này và quá trình sửa đổi sắp tới, đối với các luật và quy định liên quan, Việt Nam đang đưa ra một cam kết toàn diện, liên ngành nhằm đảm bảo không chỉ không một trẻ em nào, mà thực chất là không một cá nhân nào bị bỏ lại phía sau”, ông Jonathan Wallace Baker chia sẻ.
Khẳng định mối quan hệ hợp tác vững chắc giữa UNESCO và Việt Nam, ông Jonathan Wallace Baker bày tỏ, kỷ nguyên vươn mình của Việt Nam là một cơ hội trọng đại để Việt Nam nâng tầm hệ thống giáo dục thành một hình mẫu ở cấp độ toàn cầu, một hệ thống bền vững, bao trùm và thực sự chuyển đổi. Đồng thời, ông Jonathan Wallace Baker gửi lời chúc mừng Việt Nam xây dựng thành công Luật Nhà giáo.
Báo cáo đề dẫn tại hội thảo, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục Vũ Minh Đức nhấn mạnh việc ban hành Luật Nhà giáo là dấu mốc quan trọng, có ý nghĩa lớn không chỉ đối với toàn bộ đội ngũ nhà giáo, ngành Giáo dục, mà còn có ý nghĩa lớn đối với cả dân tộc Việt Nam.

Lần đầu tiên trong lịch sử, Quốc hội ban hành đạo luật riêng quy định đầy đủ về vị trí, vai trò, quyền, nghĩa vụ và các chế độ, chính sách dành cho đội ngũ nhà giáo; cụ thể hóa chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước trong việc tôn vinh, chăm lo, bảo vệ và phát triển đội ngũ nhà giáo, lực lượng then chốt của sự nghiệp giáo dục.
Theo Tiến sĩ Vũ Minh Đức cho biết, Luật Nhà giáo có 05 điểm nổi bật như khẳng định vị thế, bảo vệ danh dự, uy tín nghề giáo; lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp; một số chính sách đãi ngộ, hỗ trợ, thu hút tốt hơn đối với nhà giáo; chuẩn hóa và phát triển đội ngũ – nâng cao chất lượng giáo dục; tăng quyền tự chủ cho cơ sở giáo dục và giao quyền chủ động cho ngành giáo dục.
Để đảm bảo thi hành Luật Nhà giáo, Bộ Giáo dục và Đào tạo tham mưu, trình Chính phủ ban hành 03 nghị định và ban hành theo thẩm quyền 12 thông tư. Trong đó, 03 nghị định gồm có nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà giáo; nghị định quy định chính sách tiền lương, chế độ phụ cấp, chính sách hỗ trợ, thu hút đối với nhà giáo; nghị định quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức ngành Giáo dục.
12 thông tư quy định về chuẩn nghề nghiệp, chế độ làm việc, thẩm quyền tuyển dụng, chức danh tương đương, quy tắc ứng xử của nhà giáo.
Bên cạnh đó, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an cũng đồng thời phải nghiên cứu, xây dựng các thông tư quy định về chế độ làm việc, chuẩn nghề nghiệp nhà giáo thuộc thẩm quyền quản lý.

Theo Tiến sĩ Vũ Minh Đức, việc hoàn thành số lượng văn bản nêu trên trong thời hạn 06 tháng với nguồn lực hạn chế về đội ngũ nhân sự thực hiện là một trong những khó khăn, thách thức lớn đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đồng thời, việc thực hiện chủ trương xây dựng chính quyền địa phương 02 cấp, cùng với sự thay đổi trong hệ thống pháp luật hiện hành liên quan đến tổ chức chính quyền địa phương, quản lý đội ngũ viên chức... tác động lớn đến các quy định về tuyển dụng, sử dụng, quản lý nhà giáo, đòi hỏi quá trình xây dựng phải liên tục cập nhật, bảo đảm tính đồng bộ với những thay đổi của hệ thống pháp luật có liên quan.
“Đứng trước những yêu cầu mới về chính sách đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; định hướng về đột phá giáo dục và đào tạo thời gian tới, đòi hỏi nội dung quy định tại các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Nhà giáo phải mang tính cách mạng, vượt trội, đón đầu những xu hướng phát triển của thời đại trong kỷ nguyên mới”, Tiến sĩ Vũ Minh Đức chia sẻ.
Đến thời điểm hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang đồng thời triển khai sửa đổi, bổ sung cùng lúc 03 Luật bao gồm: Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục nghề nghiệp. Tiến sĩ Vũ Minh Đức cho biết, trong 03 Luật nêu trên, các vấn đề về toàn bộ nhân sự giáo dục trong trường học, bao gồm nhà giáo, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên được quan tâm, sửa đổi bổ sung để đảm bảo phù hợp, thống nhất với Luật Nhà giáo, đồng thời đáp ứng các yêu cầu mới.
Trang bị cho đội ngũ nhà giáo tự tin bước vào kỷ nguyên mới
Hội thảo cũng nhận được nhiều sự quan tâm, chia sẻ tham luận từ chuyên gia và đại diện các cơ sở giáo dục đại học.
Tiến sĩ Khoa học Phạm Đỗ Nhật Tiến chia sẻ và giới thiệu bối cảnh quốc tế và trong nước liên quan đến đội hình vai trò, chính sách của nhà giáo, nhà lãnh đạo và nhân sự giáo dục.

"Hiện nay, Luật Nhà giáo đã được ban hành với tinh thần kiến tạo, hướng tới xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo và nhân sự giáo dục có năng lực và động lực góp phần đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, thịnh vượng và hùng cường.
Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để thực hiện được thành công Luật Nhà giáo, trong một tiếp cận toàn diện và tổng thể, đặt trong bối cảnh thực tiễn của Việt Nam và khuyến nghị quốc tế”, Tiến sĩ Phạm Đỗ Nhật Tiến chia sẻ.
Luật Nhà giáo là một khế ước xã hội mới về nhà giáo Việt Nam. Theo đó, Luật Nhà giáo đã có một số bước đi mang tính đột phá trong việc hoàn thiện thể chế giáo dục theo tinh thần Nghị quyết 57 và Nghị quyết 66 của Bộ Chính trị.
Đột phá thứ nhất là việc chuyển từ cách tiếp cận “quản lý nhân sự” sang tiếp cận “quản lý nguồn nhân lực”, lấy nhà giáo làm trung tâm, coi đội ngũ nhà giáo là tài sản, là nguồn lực cần được bồi dưỡng, phát triển.
Đột phá thứ hai là việc chuyển từ cách tiếp cận nặng về quản lý sang bảo đảm hài hòa giữa quản lý và kiến tạo phát triển. Đặc biệt, các quy định của Luật Nhà giáo về cơ bản nhất quán với các khuyến nghị của UNESCO và Liên Hợp quốc.
Tại hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Mạnh Hà - Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết: "Luật Nhà giáo được Quốc hội thông qua là một bước tiến lịch sử, và để Luật thực sự đi vào cuộc sống, chúng tôi mong muốn các văn bản hướng dẫn cần tập trung vào việc kiến tạo năng lực và xây dựng một hệ sinh thái hỗ trợ toàn diện cho nhà giáo”.

Hướng dẫn rõ ràng một số nội dung liên quan đến tuyển dụng nhà giáo
Trao đổi tại hội thảo, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Lưu Hoa cho biết, để triển khai hiệu quả Luật Nhà giáo, cần đặc biệt lưu ý đến Khoản 2, Điều 2 về đối tượng áp dụng. Theo quy định, Luật này áp dụng đối với “cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân”. Do đó, trong các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần làm rõ nội hàm, đảm bảo ưu tiên tiếp cận chính sách đối với các nhóm đối tượng nêu trên.

Liên quan đến công tác tuyển dụng, tại Điểm b, Khoản 1, Điều 14 của Luật nêu rõ: “Phương thức tuyển dụng thông qua thi tuyển hoặc xét tuyển, trong đó phải có thực hành sư phạm”. Theo bà Hoa, đây là điểm mới quan trọng, khẳng định tính đặc thù của nghề dạy học và vai trò then chốt của người nhà giáo. Quy định này cũng là điều kiện tiên quyết để nâng cao chất lượng đội ngũ.
Thực tế, thời gian qua nhiều địa phương, trong đó có Hà Nội đã triển khai yêu cầu “thực hành sư phạm” trong quy trình tuyển dụng, như yêu cầu xử lý tình huống sư phạm. Tuy nhiên, bà Hoa lưu ý rằng, ở các đơn vị có ít ứng viên đăng ký, việc tổ chức giảng dạy trực tiếp để thực hành không phải vấn đề lớn. Ngược lại, ở các đơn vị có lượng hồ sơ dự tuyển đông, yêu cầu này có thể kéo dài thời gian tổ chức tuyển dụng. Vì vậy, bà Hoa kiến nghị khi xây dựng thông tư hướng dẫn, cần mô tả rõ ràng các hình thức được coi là “thực hành sư phạm” về mặt bản chất. Trên cơ sở đó, các địa phương có thể linh hoạt lựa chọn nội dung phù hợp, vừa đảm bảo chất lượng vừa phù hợp điều kiện tổ chức.
Một nội dung mới khác tại Khoản 3, Điều 14 là ưu tiên đối với người đã từng giảng dạy, giáo dục tại vị trí việc làm phù hợp với vị trí tuyển dụng. Để đảm bảo thống nhất trong cách áp dụng trên toàn quốc, thông tư hướng dẫn cần cụ thể hóa tiêu chí, mức độ ưu tiên.
Ngoài ra, Luật Nhà giáo cũng quy định mức lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Vì vậy, khi xây dựng thông tư, cần có sự phối hợp với các bộ, ngành liên quan, đảm bảo cách tiếp cận nhất quán với bảng lương hiện hành, đặc biệt đối với nhóm chức danh chuyên viên cao cấp.
Bà Hoa cũng nêu thực trạng hiện nay ở các sở, ngành chỉ có 01 chức danh chuyên viên cao cấp dành cho giám đốc. Điều này vô hình trung tạo ra rào cản trong việc thu hút nhân sự chất lượng cao về làm việc tại các cơ quan quản lý giáo dục. Do đó, cần nghiên cứu lại tiêu chuẩn, tiêu chí và chỉ tiêu chức danh chuyên viên cao cấp để tạo điều kiện cho đội ngũ giáo viên, giảng viên có năng lực, trình độ phát triển sự nghiệp trong lĩnh vực quản lý, nếu không, họ sẽ chỉ công tác ở các cơ sở giáo dục để đảm bảo chế độ tốt nhất.
Tại hội thảo, các đại biểu tham dự đặc biệt kỳ vọng việc xây dựng văn bản hướng dẫn Luật Nhà giáo cần bảo đảm tính đồng bộ, tương thích với 03 dự thảo luật đang được sửa đổi (Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục nghề nghiệp).