10/10, hạn cuối xét NV3: Cả công và dân lập đều trắng hồ sơ

10/10/2011 16:32
Tuấn Nguyễn
(GDVN) - “Không tuyển được sinh viên, chúng tôi sẽ “chết”, ông Nguyễn Hữu Kiều, Trưởng phòng Đào tạo Đại học Dân lập Lương Thế Vinh lo lắng nói.
Hôm nay, ngày 10/10, là hạn cuối cùng để các trường nhận đăng ký xét tuyển nguyện vọng 3. Tuy nhiên, số hồ sơ mà các trường nhận được chỉ là vài chục bộ so với tổng số hàng nghìn chỉ tiêu xét tuyển, nhất là các trường ngoài công lập.

Tuyển 10, được 1

Tung gần như hết chiêu nhưng Đại học Thành Tây cũng chỉ “vớt” được gần 200 thí sinh ở nguyện vọng 3, thiếu hàng trăm sinh viên nữa so với yêu cầu.

Tại Đại học Hồng Đức, tình hình cũng không khả quan hơn. Trường mới nhận được trên 100 hồ sơ trong khi trường dành tới 700 chỉ tiêu xét tuyển nguyện vọng 3. Như vậy, chắc chắn năm nay, sau khi đợt xét tuyển nguyện vọng 3 kết thúc, trường cũng không thể lấp đầy chỉ tiêu được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao.

Trường Đại học Sao Đỏ cũng có 174 hồ sơ trên 1.260 chỉ tiêu, trong đó chỉ có 67 em đăng ký vào hệ đại học, 167 thí sinh còn lại đăng ký vào hệ cao đẳng. Với việc tuyển 10 mà không nổi 1 này, các trường không thể tránh khỏi tình trạng “cháy” chỉ tiêu.

Tại Đại học Chu Văn An, số hồ sơ nhận được còn ảm đạm hơn. Năm nay, trường này được Bộ ưu ái cho số chỉ tiêu khổng lồ với 1.500 sinh viên. Nhưng hết cả nguyện vọng 1 rồi nguyện vọng 2, trường chỉ tuyển được 241 thí sinh.

Đăng tuyển tới gần 1.200 chỉ tiêu nguyện vọng 3 nhưng theo ông Đặng Văn Định, Chủ tịch Hội đồng quản trị của trường, trong suốt một tuần đầu, trường không nhận được một hồ sơ đăng ký nào. “Đã gần hết hạn xét tuyển nhưng mới có trên 50 em đến. Năm ngoái, phải khó khăn lắm chúng tôi mới tuyển được 50% chỉ tiêu, nhưng năm nay thì chắc chắn không thể đạt được tỷ lệ này”, ông Định chia sẻ.

Không tuyển được sinh viên, lãnh đạo Đại học Chu Văn An đang rất lo lắng vì điều này sẽ ảnh hưởng đến hàng loạt vấn đề khác như phải vận động sinh viên các ngành quá ít thí sinh sang học ngành khác. Không có sinh viên cũng đồng nghĩa với việc trường không có nguồn thu (từ học phí – PV), sẽ khó khăn trong việc trả lương giảng viên và nâng cao chất lượng đào tạo.
Trường công cũng trắng hồ sơ

Không chỉ trường ngoài công lập, cho dù có ưu thế về học phí thấp hơn nhưng nhiều trường công lập cũng đang đứng ngồi không yên vì số hồ sơ nhận được quá ít ỏi.

Đại học Đà Lạt xét tuyển nguyện vọng 3 ở 22 ngành đào tạo với gần 1.500 chỉ tiêu. Tuy nhiên, số thí sinh đến nộp hồ sơ rất khiêm tốn, ở đa số các ngành số lượng chỉ đếm trên đầu ngón tay, thậm chí chỉ có 1, 2 hồ sơ.

Ngành Công nghệ thông tin chỉ có 2 thí sinh đăng ký trong khi chỉ tiêu là 110 sinh viên. Ngành Công nghệ kĩ thuật điện tử- truyền thông chỉ có 1 thí sinh trên 112 chỉ tiêu. Tỷ lệ này ở ngành Toán học là 8/99, Vật lý là 1/73, Hóa học: 3/80 chỉ tiêu, Lịch sử: 3/131Đông Phương học: 2/31… Ngay cả những ngành học đang được coi là thời thượng như Kế toán thí sinh cũng không mặn mà khi chỉ có 8 em đăng ký trên tổng số 33 chỉ tiêu.

Đại học Thái Nguyên còn thê thảm hơn khi trường tuyển đến gần 2.000 chỉ tiêu nhưng chỉ có hơn 100 thí sinh đăng ký. Trong đó có hàng loạt ngành học trắng hồ sơ như nhóm ngành Kỹ thuật điện tử (tuyển 160 chỉ tiêu, gồm Kỹ thuật điện tử, Kỹ thuật điều khiển, Điện tử viễn thông, Máy tính); nhóm ngành Sư phạm Kỹ thuật Công nghiệp (tuyển 180 chỉ tiêu, gồm Sư phạm Kỹ thuật cơ khí, Sư phạm Kỹ thuật điện, Sư phạm Kỹ thuật Công nghệ thông tin).

Hàng loạt ngành học cơ bản như Toán học, Vật lý, Toán – Tin ứng dụng, Văn học, Báo chí… cũng không có thí sinh nào đăng ký. Ngành Quản lý công nghiệp tuyển nhiều nhất, tới 250 chỉ tiêu, nhưng chỉ có 4 thí sinh ứng thí.

Tương tự, Đại học Huế tuyển gần 1.200 chỉ tiêu nhưng chỉ thu về chưa đầy 400 hồ sơ. Gần một nửa trong số này đăng ký vào ngành Y học dự phòng. Tất cả các ngành còn  lại, số hồ sơ chỉ đếm trên đầu ngón tay như như ngành Ngôn ngữ Pháp, Bảo quản chế biến nông sản thực phẩm, Khoa học nghề vườn, mỗi ngành có 1 hồ sơ. Ngành Toán học, Vật lý học, Toán tin ứng dụng, Lịch sử, Triết, Xã hội hoạc, Đông phương học, Việt Nam học đều chưa đến 5 thí sinh đăng ký.

Việc chiêu sinh khó khăn đang khiến lãnh đạo các trường đại học, cả công lập và dân lập đều đau đầu. “Chưa bao giờ việc tuyển sinh lại chật vật như năm nay”, ông Đặng Văn Định buồn bã nói.
Tuấn Nguyễn