Hiện nay cả nước đang thực hiện dạy thêm, cấp phép dạy thêm theo Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định về dạy thêm, học thêm.
Tuy nhiên, ngày 26/8/2019 Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết định số: 2499/QĐ-BGDĐT ban hành Quyết định về việc công bố hết hiệu lực các điều: 6, 8, 9, 10, 11, 12, 13 và 14 của Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định về dạy thêm, học thêm.
Theo đó tại Điều 1 của Quyết định trên là công bố hết hiệu lực các điều: 6, 8, 9, 10, 11, 12, 13 và 14 của Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16 tháng 5 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định về dạy thêm, học thêm.
Lý do: hết hiệu lực theo quy định tại khoản 3 Điều 74 Luật Đầu tư ngày 26 tháng 11 năm 2014. Thời điểm hết hiệu lực: ngày 01 tháng 7 năm 2016.
Quyết định 2499/QĐ-BGDĐT bỏ các điều trên, tức là bỏ hầu hết các quy định về tổ chức, cấp phép hoạt động dạy thêm bên ngoài nhà trường.
Từ đó đến nay, chưa có quy định về dạy thêm mới nào được ban hành, do đó cũng gây nhiều khó khăn cho các địa phương, các cơ quan quản lý, các cơ sở giáo dục trong việc cấp phép, quản lý dạy thêm học thêm đối với các giáo viên đang hưởng lương từ đơn vị sự nghiệp công lập.
Việc này dẫn đến việc dạy thêm tràn lan như hiện nay gây ra nhiều bức xúc trong dư luận trong thời gian qua, hậu quả của dạy thêm học thêm tràn lan, dạy thêm học sinh chính khóa là rất lớn, gây ảnh hưởng đến việc dạy thật, học thật.
(Ảnh minh họa: Báo Lao động) |
Đa số dạy thêm hiện nay chưa đúng quy định
Theo người viết tìm hiểu về các quy định về dạy thêm, học thêm hiện nay theo Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT thì hầu hết các trường hợp dạy thêm hiện nay đều chưa đúng quy định vì các nguyên nhân sau:
Thứ nhất, tại Điều 4. Các trường hợp không được dạy thêm quy định:
“1. Không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.
2. Không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống […]”
Có thể thấy từ năm 2012 từ khi Thông tư 17 ban hành thì đã nghiêm cấm dạy thêm đối với giáo viên dạy ở trường dạy 2 buổi/ ngày và đối với học sinh tiểu học ngoài các trường hợp loại trừ trên.
Tuy nhiên, hiện nay việc quản lý lỏng lẻo nên các vi phạm về dạy thêm đối với các trường hợp đã cấm đã 10 năm như học sinh tiểu học, học sinh học 2 buổi/ ngày còn rất nhiều, thách thức quy định của Bộ.
Thứ hai, đa số dạy thêm trái nguyên tắc dạy thêm vì “…cắt giảm nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khoá để đưa vào giờ dạy thêm; dạy thêm trước những nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khoá; ép buộc gia đình học sinh và học sinh học thêm; học sinh trong cùng một lớp dạy thêm, học thêm phải có học lực tương đương nhau; khi xếp học sinh vào các lớp dạy thêm, học thêm phải căn cứ vào học lực của học sinh,…” (Nội dung tại Điều 3. Nguyên tắc dạy thêm học thêm của Thông tư 17)
Như vậy, căn cứ một số quy định trên thì việc tổ chức, giảng dạy học sinh dạy thêm hiện nay trái quy định của Thông tư 17 rất nhiều hay nói có thể là hầu hết đều có vi phạm.
Các vi phạm nhiều nhất là dạy học sinh tiểu học, ép học sinh học thêm, dạy trước chương trình và điểm này thì hầu hết vi phạm đó chính là học sinh trong lớp (nhóm) học thêm phải có trình độ tương đương nhau.
Một số hệ lụy của việc dạy thêm, học thêm tràn lan, trái phép
Việc dạy thêm trái phép, dạy thêm không đúng quy định của pháp luật gây ra hệ lụy vô cùng lớn lên gia đình, xã hội, giáo viên và học sinh,… ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học, chủ trương dạy thật, học thật trong thời gian tới.
Xin được phân tích một số tác hại của dạy thêm trái phép, dạy thêm tràn lan như sau:
Đối với cấp quản lý phải thành lập ban kiểm tra dạy thêm, phải thanh tra, kiểm tra, phải xử lý đơn thưa, xử lý vi phạm,…
Đối với giáo viên thì đã dạy thêm thì sẽ cố gắng có nhiều học sinh học thêm để tăng thu nhập nên có thể dùng biện pháp o ép học thêm, dạy trước chương trình, dạy theo đề thi kiểm tra, bên cạnh đó còn nói xấu nhau gây mất đoàn kết,… và điều quan trọng là đối xử không công bằng với học sinh không học thêm, trong lớp dạy không hết mình một phần để kiến thức dạy thêm, một phần đã dạy thêm quá nhiều nên không còn tâm trí và sức lực để dạy chính khóa.
Đối với học sinh thì mất đi khả năng tự học, lạm dụng vào học thêm, không có ý chí cố gắng, tốn thời gian, mất đi sự tự tin, tự nghiên cứu… học sinh có thể có điểm cao nhưng kết quả thi lớp 10, tốt nghiệp lại thấp.
Các em đương nhiên học trên lớp sẽ không tốt vì học thêm quá nhiều thì sẽ không còn thời gian để học. Nhiều em đi học thêm quá nhiều, thì vào lớp có biểu hiện mệt mỏi, ngủ gật, tiếp thu kém,… hậu quả về lâu dài là khá lớn.
Học là tư duy, rèn luyện kỹ năng tìm tòi, nghiên cứu, sáng tạo chứ không phải nhồi nhét kiến thức. Muốn có kỹ năng tư duy, sáng tạo không gì tốt hơn tự học, tự nghiên cứu. Học thêm làm cho học sinh không có thời gian tự học ở nhà, khả năng tự học giảm sút, thậm chí mất khả năng tự học. Do đó, các em dần mất tự tin, thụ động, ảnh hưởng đến khả năng tự lập sau này.
Đối với phụ huynh thì muốn con được quan tâm, được điểm cao nên phải bỏ rất nhiều tiền, thời gian đưa đón, ép các em học sinh học thêm kiểu nhồi nhét khiến các em quá tải, lợi bất cập hại, các em học không giỏi hơn mà càng ngày càng đi xuống.
Học sinh của ta khi đi thi lý thuyết thì điểm cao nhưng kỹ năng, khả năng trải nghiệm, ứng xử cuộc sống,… lại thấp chính là một phần do tình trạng dạy lý thuyết, o ép học thêm,… từ phía cả phụ huynh và giáo viên.
Thực tế thì từ ngàn xưa đến nay, học sinh nào từ nhỏ lạm dụng học thêm, học nhồi nhét thì càng lớn học càng xuống cấp, và rất ít học sinh nào đạt giải học sinh giỏi tiêu biểu, đạt thủ khoa hay giải học sinh giỏi cấp quốc gia, quốc tế nhờ học thêm, tất cả nhờ vào sự tự học thì mới bền vững, lâu dài. Sự phát triển của não bộ trẻ em theo quy luật từ thấp đến cao, nếu ngay từ nhỏ não bộ đã quá tải vì học thêm thì sẽ không tiếp thu được nữa, đó là nguyên tắc cơ bản.
Phụ huynh nếu biết được điều này nên suy nghĩ lại, các em học sinh còn nhỏ, nên được dạy tự học, tự nghiên cứu, rèn đạo đức, kỹ năng sống, học tập trải nghiệm, thể thao,… có như vậy mới phát triển toàn diện và đúng năng lực, sở trường, đừng o ép các em.
Một số kiến nghị về dạy thêm học thêm
Ngay từ đầu năm học này, rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư mới quy định về dạy thêm học thêm thay thế Thông tư 17.
Ngoài các vấn đề cấm dạy thêm học thêm như Thông tư 17. Để giải quyết các vấn đề bất cập, bức xúc trong nhân dân khi ban hành Thông tư mới quy định về dạy thêm xin được kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo các nội dung sau:
Thứ nhất, quy định cấm giáo viên dạy thêm học sinh chính khóa
Hiện nay, việc quy định giáo viên chỉ dạy thêm chính khóa khi được thủ trưởng cho phép.
Điều này vô tình gây khó cho các thủ trưởng, nếu không cho phép thì lấy nguyên nhân gì, không thể cho phép giáo viên này mà không cho phép giáo viên khác, nhiều khi không cho phép gây ra sự bức xúc lên giáo viên khi trường này cho phép, trường kia không cho phép,… gây bức xúc cho giáo viên, bất mãn.
Nên người viết, đề xuất hẳn là cấm giáo viên dạy thêm học sinh đang học chính khóa.
Điều này sẽ giải tỏa áp lực cho thủ trưởng khi xác nhận, cấp phép dạy thêm, giải tỏa áp lực tâm lý của học trò sợ bị ép học thêm, sợ bị đối xử không công bằng khi không học thêm, giải tỏa tâm lý giáo viên là dạy thật, không phân biệt đối xử, cố gắng dạy hết sức mình, giáo viên sẽ yêu thương, quan tâm học sinh hơn,… nếu cấm dạy thêm chính khóa sẽ giải quyết được phần lớn của bất cập hiện nay.
Thứ hai, tiếp tục nghiêm cấm dạy thêm đối với học sinh tiểu học, học sinh học 2 buổi/ ngày
Điều này được quy định cụ thể trong Thông tư 17, là quy định rất đúng đắn vì học sinh tiểu học rất nhỏ, sự phát triển của các em phải theo logic, từng bước,… nhồi nhét sẽ gây tác dụng phụ.
Việc dạy thêm học sinh tiểu học, dạy trước chương trình lớp 1,… là nguyên nhân chính gây tình trạng ngồi nhầm lớp như hiện nay.
Vì học thêm, học trước chương trình, nên một số em học trước, biết trước thì tiếp thu được, các em chưa học trước, học chậm thì bị bỏ lại phía sau, học sinh chưa vào lớp 1 đã biết đọc, biết viết, tính toán là một bất cập rất lớn mà chưa giải quyết được.
Thứ ba, quy định cụ thể đối tượng giáo viên được phép dạy thêm
Hiện nay, việc cấp phép tràn lan dẫn đến quản lý, dạy thêm rất khó kiểm soát, người viết cho rằng nên quy định cụ thể đối tượng giáo viên nào được phép dạy thêm.
Như đã nói, giáo viên nào đảm bảo sức khỏe, đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ, giảng dạy có chất lượng, có đạo đức tốt sẽ có thể được cho phép dạy thêm,… điều này quy định cụ thể để giáo viên muốn dạy thêm phải cố gắng hết sức giảng dạy đạt hiệu quả và hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Theo người viết, nên quy định giáo viên có thâm niên trực tiếp đứng lớp ít nhất 5 năm (để có thời gian nghiên cứu giảng dạy, học hỏi kinh nghiệm), năm liền kề phải được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, năm liền kề và năm được cấp phép dạy thêm không có bất cứ vi phạm hoặc bị phản ánh vi phạm (xác minh đúng) về dạy thêm học thêm.
Nếu có bất kỳ vi phạm thì lập tức rút giấy phép dạy thêm, trong vòng 3 năm, xử lý theo quy định của pháp luật.
Làm nghiêm túc không phải để giáo viên không được dạy thêm, mà làm cho đúng quy định, giáo viên ai cũng tuân thủ quy định, không ai vi phạm, chất lượng dạy và học được nâng cao.
Thứ tư, quy định về thời gian dạy thêm, định mức dạy thêm
Về thời gian dạy thêm, hiện nay giáo viên dạy ở trường buổi sáng, đáng lý buổi chiều phải thực hiện công việc khác như soạn bài, chấm bài, rèn kỹ năng sống cho học sinh,… thì lại lấy thời gian đó dạy thêm.
Giáo viên là viên chức thì phải thực hiện theo đúng luật Viên chức, đều bình đẳng như công chức, viên chức khác (chỉ được ưu tiên là 2 tháng nghỉ hè) không thể lấy giờ hành chính để dạy thêm, điều này nên được quy định cụ thể, tránh gây bức xúc cho các lực lượng khác.
Nên về thời gian dạy thêm người viết cho rằng chỉ cho phép giáo viên dạy thêm ngoài giờ hành chính (bác sĩ và viên chức khác cũng làm thêm ngoài giờ hành chính) và thời gian dạy đến không quá 20 giờ.
Bên cạnh đó, khi quy định dạy thêm cũng quy định số lượng cụ thể số lượng học sinh trên mỗi nhóm/ lớp học thêm, theo người viết tối đa mỗi lớp/ nhóm học thêm tối đa 20 học sinh, khuyến khích hình thức học gia sư, học nhóm nhỏ,… số lượng học sinh học quá đông như hiện nay không mang ý nghĩa dạy thêm là rèn và củng cố kiến thức, giáo viên không quan tâm đến việc tiếp thu của học sinh.
Bên cạnh đó, chỉ cho phép mỗi giáo viên dạy thêm tối đa 4 nhóm, vì nếu giáo viên tập trung dạy thêm quá nhiều thì sẽ không còn trí lực và sức lực lo cho việc dạy chính khóa, dạy chính khóa không hiệu quả.
Phải xác định rằng dạy chính khóa là chính, dạy thêm là phụ là làm thêm, còn hiện nay thì ngược lại giáo viên coi dạy thêm là chính (thu nhập cao) còn dạy chính khóa là phụ, giữ chân giáo viên để kiếm học sinh học thêm, kiếm thu nhập từ dạy thêm.
Dạy thêm mục đích là rèn học sinh, nâng cao kiến thức học sinh yếu, bồi dưỡng học sinh giỏi,… về nội dung, phương pháp, phương tiện dạy nên giao quyền cho giáo viên tự chủ miễn sao đạt kết quả tốt, phụ huynh và học sinh tin tưởng nhưng phải mang tính khoa học, đối tượng dạy và học hợp lý, thời gian dạy, số lượng phù hợp.
Giáo viên dạy giỏi sẽ được phụ huynh tin tưởng, sẽ có học sinh đăng ký học để nâng cao chất lượng,… có như vậy việc dạy thêm mới mang ý nghĩa tích cực, hiệu quả,… để việc dạy thêm, học thêm “bát nháo” như hiện nay, cũng là một phần do quy định chưa cụ thể, quản lý, xử lý chưa nghiêm.
Trên đây là một số vấn đề về dạy thêm, học thêm hiện nay và một số ý kiến đề xuất của người viết về việc quy định về dạy thêm khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định mới về dạy thêm, học thêm trong thời gian tới với mục đích là việc dạy thêm, học thêm nhằm mang lại lợi ích lâu dài và bền vững cho giáo dục, lấy lại uy tín, niềm tin cho nhân dân.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.