Bậc tiểu học nhiều môn giảm tải hợp lý, giáo viên đỡ dạy đuổi chương trình

03/04/2020 07:41
Đỗ Quyên
(GDVN) - Bộ Giáo dục cần để từng trường học có kế hoạch hoàn thành chương trình bằng cách tăng thời lượng môn học này, giảm thời lượng môn học kia một cách chủ động.

Nhằm giúp các trường học kết thúc chương trình đúng quy định (15/7) và giảm áp lực trong việc chạy chương trình sau mùa dịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành công văn 1125/BGDĐT-GDTH về việc hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học học kỳ II năm học 2019-2020.

Nhiều môn học bậc tiểu học đã tinh giản hợp lý (Ảnh minh họa VOV).
Nhiều môn học bậc tiểu học đã tinh giản hợp lý (Ảnh minh họa VOV).

Có một số bất cập ở môn tiếng Việt lớp 1 chúng tôi đã phản ánh trong bài viết: “Giảm tải chương trình môn tiếng Việt lớp 1, ý kiến giáo viên” đăng trên Giáo dục Việt Nam ngày 1/4.

Ngoài ra, chúng tôi nhận thấy rằng, nhiều môn học khác được giảm tải lần này khá hợp lý, giúp cho việc dạy và học của thầy và trò đỡ bị gánh nặng, áp lực mà vẫn hiệu quả.

Chú trọng nhiều hình thức tự học ở nhà và có sự hỗ trợ của phụ huynh

Nhiều nội dung đã được tinh giản nhưng không bỏ hẳn, mà yêu cầu học sinh tự học ở nhà với sự hỗ trợ của phụ huynh.

Ví dụ ở môn Đạo đức lớp 2, tuần 25, 26, 27 nội dung bài học là: Thực hành kĩ năng giữa học kì II và bài Lịch sự khi đến nhà người khác được điều chỉnh: Hướng dẫn học sinh tự thực hành và Hướng dẫn học sinh học bài này với sự hỗ trợ của cha mẹ.

Với những lớp tiểu học còn lại 1, 3, 4 và 5, môn Đạo đức chủ yếu cũng sử dụng hình thức học tập ở nhà và có sự hỗ trợ từ phụ huynh. Thí dụ:

Bậc tiểu học nhiều môn giảm tải hợp lý, giáo viên đỡ dạy đuổi chương trình  ảnh 2
Giảm tải chương trình môn tiếng Việt lớp 1, ý kiến giáo viên

Tuần 21, 22 Bài 10. Ủy ban nhân dân xã (phường) em. Bài tập 3: Hướng dẫn học sinh tự làm bài với sự hỗ trợ của cha mẹ.

Tuần 25 Thực hành kĩ năng giữa học kì II: Hướng dẫn học sinh tự thực hành.

Tuần 26, 27 Bài 12. Em yêu hòa bình, Bài tập 1: Hướng dẫn học sinh tự làm bài với sự hỗ trợ của cha mẹ

Hay một số bài thơ thường yêu cầu học sinh thuộc tại lớp (thuộc ngay trong tiết học) thì nay đã yêu cầu các em học thuộc tại nhà.

Những nội dung trùng lắp được lược bỏ bớt hoặc ghép bài, ghép môn

Ở tất cả các môn, những bài có nội dung trùng lắp được ghép chung một bài thậm chí ghép vào một bài ở môn học khác.

Ví dụ tuần 19, 20, Bài 9. Em yêu quê hương (môn Đạo đức) yêu cầu: Ghép nội dung 2 bài thành một chủ đề học tập. Giảm số tiết (từ 4 tiết) xuống còn 2 tiết.

Tuần 22, 23, 24 Bài 22. Cây rau; Bài 23. Cây hoa; Bài 24. Cây gỗ; Ghép thành bài Cây xanh quanh em, thực hiện trong 1 - 2 tiết, không tổ chức các hoạt động trò chơi trang 47, 49.

Một số bài chuyển sang bài tự chọn

Ở những môn Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục, Tự nhiên và Xã hội, Lịch sử…nhiều nội dung được chuyển sang "học sinh tự học, tự tập, tự thực hành ở nhà" với sự hướng dẫn của giáo viên và hỗ trợ của phụ huynh.

Ví dụ phần Lịch sử lớp 5, Tuần 20:  Ôn tập: Chín năm kháng chiến bảo vệ độc lập dân tộc; yêu cầu không tổ chức dạy học bài này.

Tuần 23 bài: Nhà máy hiện đại đầu tiên của nước ta; yêu cầu chuyển thành bài tự chọn…

Bậc tiểu học nhiều môn giảm tải hợp lý, giáo viên đỡ dạy đuổi chương trình  ảnh 3
Môn Tiếng việt Tiểu học giảm tải khiến giáo viên dễ dạy, học sinh dễ ghi nhớ

Ngay môn Toán của các lớp những bài có nội dung trùng lắp cũng được tinh giản luôn.

Gánh nặng, áp lực chạy chương trình sau mùa dịch sẽ giảm đáng kể nhưng vẫn lo…

Với yêu cầu giảm chi tiết cụ thể từng bài, từng tuần ở tất cả các môn như hiện nay, sau mùa nghỉ dịch giáo viên sẽ không bị áp lực nhiều về thời gian để dạy nhồi nhét khiến học sinh mệt mỏi, căng thẳng.

Dù như vậy, song điều đáng lo nhất với giáo viên lúc này chính là việc thời gian học sinh chưa học hết chương trình nhưng đã nghỉ quá dài ngày.

Những học sinh được gia đình quan tâm cho ôn bài thường xuyên thì không đáng ngại. Nhưng vẫn còn không ít em từ ngày nghỉ học đến nay có khi không cầm lên quyển sách thì thật sự đáng lo.

Vì thế, sau khi nhập học nhà trường phải dành một khoảng thời gian nhất định để dạy ôn tập cho các em.

Những môn học khác có thể lược bớt hoặc học tập sau thông qua nhiều hoạt động thực tế. Nhưng Tiếng Việt, Toán cần phải tăng cường thời lượng mới đảm bảo mục tiêu môn học giúp học sinh không hổng kiến thức lên lớp trên.

Vì thế, công văn  1125/BGDĐT-GDTH về việc hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học học kỳ II năm học 2019-2020 Bộ vừa ban hành cũng chỉ nên xem là tài liệu tham khảo.

Bộ Giáo dục cần để từng trường học có kế hoạch hoàn thành chương trình bằng cách tăng thời lượng môn học này, giảm thời lượng môn học kia một cách chủ động.  

Đỗ Quyên