Băn khoăn với điểm chuẩn vào 10 quá thấp

27/07/2018 07:41
Đỗ Quyên
(GDVN) - Điểm tuyển sinh đầu vào quá thấp (ở mức dưới trung bình) sẽ là gánh nặng, là bài toán khó đối với cả thầy lẫn trò trước yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục.

LTS: Trước những điều còn băn khoăn, trăn trở về điểm chuẩn vào lớp 10 ở một số trường trung học phổ thông quá thấp, tác giả Đỗ Quyên đã có bài viết chia sẻ.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Điểm chuẩn vào lớp 10 công lập năm nay tại tỉnh Bình Thuận mới được công bố, nhìn điểm chuẩn của các trường ta thấy rõ nhất là sự chênh lệch quá lớn giữa các trường trong cùng khu vực.

Một số trường lấy điểm chuẩn từ 27-33 điểm nhưng có trường chỉ lấy mức điểm từ 8-9 điểm (sau khi đã nhân đôi hai môn Toán và Ngữ văn).

Các em thí sinh tham dự kì thi tuyển sinh vào lớp 10 (Ảnh minh họa: baobinhthuan.com.vn).
Các em thí sinh tham dự kì thi tuyển sinh vào lớp 10 (Ảnh minh họa: baobinhthuan.com.vn).

Điều này đã đặt ra câu hỏi “vì sao gần 100% học sinh đủ điều kiện tốt nghiệp trung học cơ sở nhưng thi chỉ đạt mức điểm yếu, kém?

Giáo viên sẽ dạy thế nào khi học sinh thi đỗ vào lớp 10 mỗi môn thi chưa tới 2 điểm?

Điểm thi và điểm tổng kết quá vênh nhau

Toàn tỉnh có 24 trường trung học phổ thông, trong đó có tới 14 trường lấy điểm chuẩn vào lớp 10 dưới 20 điểm.

Đặc biệt có trường buộc phải lấy mức điểm quá thấp (dưới 10) vì không thế sẽ chẳng tuyển được học sinh.

Cụ thể, Trường trung học phổ thông Ngô Quyền lấy 8 điểm, Trường trung học phổ thông Bùi Thị Xuân lấy 9 điểm, Trường trung học phổ thông Huỳnh Thúc Kháng lấy 10 điểm… Mỗi môn thi, học sinh mới đạt khoảng 1.6 điểm/môn.

Nếu so điểm thi này với điểm tổng kết từng môn học của các em (Toán, Văn, Anh) ở lớp 9 mới thấy hết sự vô lý đến mức nào.

Băn khoăn với điểm chuẩn vào 10 quá thấp ảnh 2Bình Thuận công bố điểm chuẩn vào lớp 10 hệ công lập

Gần như 100% học sinh đều đạt mức điểm trung bình (thế mới đủ điều kiện công nhận hoàn thành chương trình lớp 9).

Điểm các em đạt được trong kỳ thi chính là con điểm chính xác và thực chất nhất. Bởi vì, đề thi do Sở Giáo dục ra, vào phòng thi, học sinh phải nỗ lực bản thân là chính mà không nhìn bài, không có sự copy.

Còn điểm học ở trường thì sao? Nhiều giáo viên cho biết, có nhiều nguyên do tác động đến điểm số của học sinh ở trường.

Thứ nhất, nhà trường chịu áp lực về các chỉ tiêu thi đua, đặc biệt chỉ tiêu hoàn thành chương trình bậc trung học cơ sở gần như 100%. Thế nên, giáo viên phải tìm mọi cách để nâng đỡ học sinh về điểm số.

Thứ hai, học sinh gần như đi học thêm chính thầy cô dạy chính khóa của mình. Vì thế, kiến thức học thêm chính là những kiến thức sẽ có trong đề kiểm tra 15 phút, 1 tiết trên lớp. Học và thi kiểu này gần tìm một em bị điểm yếu cũng vô cùng khó.

Khổ cho giáo viên bậc trung học phổ thông

Điểm tuyển sinh đầu vào quá thấp (ở mức dưới trung bình) sẽ là gánh nặng, là bài toán nan giải đối với cả thầy lẫn trò trước yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo giáo dục phổ thông.

Để nâng cao chất lượng học tập của học sinh từ mức dưới 2 điểm chuẩn lên 5 điểm/môn ở cuối cấp lớp 12 cho đủ điều kiện thi tốt nghiệp trung học phổ thông là cực kỳ vất vả.

Ngoài những trường lấy điểm đầu vào khá cao thì chất lượng học tập của học sinh cũng tương đối ổn.

Những trường có mức điểm quá thấp, giáo viên phải nỗ lực khá nhiều mới có hy vọng vực dậy lực học của các em ít nhất là lên mức trung bình.

Trao đổi với thầy Lê Quang Trọng, Phó hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Ngô Quyền huyện Phú Quý ngôi trường có điểm chuẩn thấp nhất tỉnh) được biết:

Băn khoăn với điểm chuẩn vào 10 quá thấp ảnh 3Trường chuyên Trần Hưng Đạo, Bình Thuận công bố điểm chuẩn

“Biết chất lượng thấp nhưng nhà trường vẫn phải chấp nhận tuyển vì không thể để các em thất học.

Khi các em nhập học, nhà trường sẽ phân theo trình độ, và phụ đạo theo từng môn. Học sinh yếu môn nào phụ đạo riêng môn ấy chứ không dạy đại trà.

Nhà trường có các lớp phụ đạo riêng như Toán, Anh văn, Lý, Hóa… Giáo viên dạy miễn phí không thu tiền”.

Nhưng không phải trường nào cũng làm được như thế. Một số trường trung học phổ thông cũng nâng chất lượng học tập của học sinh bằng việc tổ chức học thêm dưới mọi hình thức.

Học ở trường, học ở trung tâm (do chính giáo viên dạy), học ở nhà thầy cô. Kiến thức học cũng na ná nội dung thi.

Bởi thế, dù đầu vào học sinh có thấp thì cuối năm điểm tổng kết của các em vẫn đủ lên lớp như thường.

Nhìn vào điểm tổng kết cuối năm, học sinh đã ít nhất đạt đủ chuẩn kiến thức kĩ năng. Thế nhưng kiến thức thật trong đầu những học sinh ấy cũng chẳng tiến bộ là bao.

Những học sinh này, lẽ ra ngay từ khi còn học lớp 9 nhà trường sẽ tư vấn, định hướng cho các em chọn hướng đi phù hợp với năng lực của chính mình là vào trường nghề.

Chuyện này, vừa giúp cho việc thi vào lớp 10 công lập không bị quá tải lại ổn định được việc làm cho các em sau khi tốt nghiệp trường nghề.

Để làm tốt việc định hướng, cần xóa bỏ căn bệnh thành tích của nhiều trường trung học cơ sở hiện nay bằng việc đánh giá điểm số của học sinh một cách thực chất nhất.

Đỗ Quyên