Bão tát, bão quỳ?

07/12/2018 06:55
Sơn Quang Huyến
(GDVN) - Khi học trò không vâng lời, cô giáo có cảm giác bị xúc phạm, phải trừng phạt để giáo dục; cái tát, cái quỳ, là cái đơn giản nhất cô có, được áp dụng ngay.

LTS: Sau sự việc về những cái tát ở Quảng Bình và Hà Nội, thầy giáo Sơn Quang Huyến chia sẻ những suy nghĩ của mình về ngăn chặn những hành vi vi phạm trong giáo dục.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Chuyện 231 cái tát đang nóng hôi hổi ở Quảng Bình, cả xã hội đang lên án hành động phi nhân tính của cô giáo với học trò, vậy mà học sinh Hà Nội lại được “thưởng” tát ngay sau đó. Cô giáo phủ nhận ra lệnh tát, tát này là tát tự do. Quả là thói xấu, đi nhanh quá!

Thật hết biết, nhiều người hỏi nhau: “cô giáo không đọc báo, xem ti vi sao?”, “giáo trình Sư phạm không dạy, thì trường đời dạy cho đó, cứ bạo lực với học sinh là ăn quả đắng, sao mà cô giáo không học?”, “hay là cô giáo không có trái tim biết yêu thương?”

Ảnh minh họa: VOV
Ảnh minh họa: VOV

Cô giáo được giáo dục luôn luôn ngoan ngoãn, nên bây giờ cô cũng giáo dục học sinh chỉ biết vâng lời.

Cô giáo không dám phản biện, không biết phản biện, cấp trên luôn đúng, nên muốn học trò luôn vâng lời. Quan điểm học trò phải ngoan, ăn sâu vào thâm căn, cố đế của giáo viên rồi.

Nhìn vào sổ đầu bài, ghi lời nhận xét của giáo viên, 99% tiết dạy xếp loại A, có từ “ngoan, trật tự”.

Khi học trò không vâng lời, cô giáo có cảm giác bị xúc phạm, phải trừng phạt để giáo dục; cái tát, cái quỳ, là cái đơn giản nhất cô có, được áp dụng ngay.

Vì vậy bão tát, bão quỳ vẫn lan nhanh, dù thầy cô biết hậu quả của nó. Làm sao cái tát, cái quỳ không còn trong tiết học?

Bão tát, bão quỳ? ảnh 2Quận Đống Đa báo cáo vụ việc giáo viên để học sinh tát bạn

Thầy cô giáo phải biết thay đổi theo thời đại.

Thời đại 4.0 ngày nay, giáo viên không còn là nguồn tri thức duy nhất nữa, giáo viên phải trở thành nguồn cảm hứng, truyền cảm hứng, động lực học tập cho học trò.

Muốn vậy, hành vi của giáo viên phải chuẩn mực, lịch sự, có văn hóa.

Mỗi học sinh là một thế giới riêng, giáo viên phải tôn trọng; nếu có tâm, có tầm thì phát hiện ra năng lực của mỗi em, khơi dậy tiềm năng của mỗi đứa trẻ; còn không, đừng chôn vùi nó bằng hành động phi nhân tính của mình.

Những hành động phi nhân tính của giáo viên, với học sinh không phải không ngăn chặn được. 

Giáo viên phải được nhắc nhở thường xuyên việc không nên làm với học trò từ hiệu trưởng. Phần lớn các vụ việc bạo hành học sinh đều có cả một quá trình, không phải chỉ ngày một ngày hai.

Hiệu trưởng, các tổ chức trong nhà trường, làm đúng chức trách, quyền hạn sẽ phát hiện ra ngay các hành vi phản sư phạm khi còn trứng nước.

Nếu hiệu trưởng tôn trọng giáo viên, học sinh, môi trường sư phạm sẽ dân chủ, cởi mở, các hành vi phản cảm sẽ bị phản ứng, phản ánh  từ đồng nghiệp và học sinh, khó có thể  gây nên bão mạng như thế.

Vì vậy, muốn ngăn chặn các hành vi phản sư phạm của giáo viên, đơn giản nhất là kỉ luật thật nặng hiệu trưởng của đơn vị xảy ra vi phạm. Có chế tài như thế, mới bắt buộc hiệu trưởng thực hiện tốt các nhiệm vụ giáo dục của mình.  

Nếu chỉ dĩ hòa vi quý, rút kinh nghiệm, các hiệu trưởng sẽ “sướng khi làm việc và kể cả khi nghỉ chế độ”.

Phát huy hết vai trò của hiệu trưởng, các tổ chức trong nhà trường, giáo viên tự giáo dục, tự thay đổi; chắc chắn những hành vi phản sư phạm sẽ bị đẩy lùi trong thời gian ngắn.

Sơn Quang Huyến