Bênh bản dịch mới của Nam quốc Sơn Hà, tác giả Phạm Hiệp khen "một điểm sáng"

11/11/2015 07:15
Phạm Hiệp
(GDVN) - Từ góc độ cải cách giáo dục, thậm chí, tôi cho rằng đây là điểm “sáng” nhất của bản dịch “mới” này.

LTS: Vài ngày qua dư luận bàn tán nhiều tới bản dịch mới bài thơ “Nam quốc Sơn Hà”, có nhiều quan điểm bày tỏ khác nhau liên quan tới bản dịch này, từ ủng hộ tới có những quan điểm khác. 

Trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, sau khi đăng tải bài viết: “Bản dịch mới “Nam quốc sơn hà” có làm thay đổi ý nghĩa câu chuyện lịch sử?”, Tòa soạn nhận được thêm quan điểm của nghiên cứu sinh Phạm Hiệp (Đại học Văn hóa Trung Hoa – Đài Loan). Trong bài viết này, tác giả có góc nhìn riêng dựa trên những luận cứ khoa học.

Để rộng đường dư luận, Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc quan điểm riêng này của tác giả.

Vừa qua trên mạng xuất hiện nhiều thông tin liên quan tới bản dịch mới của tác phẩm “Nam quốc sơn hà”. Bản dịch này được in trong SGK Ngữ văn lớp 7 tập 1 của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Về mặt từ ngữ thì bản dịch mới rất khác với những gì học sinh được học ở bản dịch cũ trước đó.

Cụ thể, bản cũ dịch là:

“Sông núi nước Nam vua Nam ở

Rành rành định phận tại sách trời

Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm

Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời”.

Trong khi bản dịch mới là:

“Sông núi nước Nam vua Nam ở

Vằng vặc sách trời chia xứ sở

Giặc dữ cớ sao phạm đến đây

Chúng mày nhất định phải tan vỡ”.

Viết bài này, tôi không phải là nhà phê bình văn học hay nhà nghiên cứu về giáo dục phổ thông nên không thể đưa ra nhận xét về mặt chuyên môn. Vài điều chia sẻ dưới đây, tôi sẽ nhìn nhận vấn đề này từ góc độ người nghiên cứu về quản lý giáo dục trong đó có bao gồm chủ để về cải cách giáo dục.

Trước hết, trong mọi cuộc cải cách, đổi mới về giáo dục, việc xuất hiện những tranh cãi, những dư luận trái chiều là điều bình thường. Những cách thức làm mới đôi khi sẽ gây ngạc nhiên thậm chí là gây sốc cho những người đã quen với cách cũ cũng là điều dễ hiểu. 

Thậm chí, có ý kiến cho rằng: cải cách mà không có phản đối thì không gọi là cải cách. Vì vậy, tôi cho rằng những “ầm ĩ” về bản dịch bài thơ trên mấy ngày hôm nay, theo tôi là điều bình thường và cần thiết đề người ủng hộ cũng như không ủng hộ bản dịch mới cũng như người làm sách và người đọc sách có cơ hội để lên tiếng và lắng nghe ý kiến của nhau.

Ảnh chụp qua sách.
Ảnh chụp qua sách.

Quay trở lại với bài thơ, nhìn vào “đội hình” biên soạn đều là các nhà làm sách uy tín như Nguyễn Khắc Phi, Nguyễn Minh Thuyết, Trần Đình Sử ..., tôi tin họ có lý do xác đáng và có căn cứ khoa học để đưa ra sự thay đổi này. Trả lời của GS. Nguyễn Khắc Phi, tổng chủ biên cuốn sách hôm qua trên báo chí  cũng đã minh chứng cho điều này:

Thứ nhất, bản dịch “mới” này thực ra không hề mới, nhóm biên soạn dùng là bản dịch của Lê Thước - Nam Trân thực tế đã được công bố từ gần 40 năm trước. Cá nhân tôi cũng được đọc bản dịch “mới” này thời còn đi học trong một cuốn sách tham khảo.

Thứ hai, GS. Phi cũng đã chỉ ra lý do việc họ bỏ bản “cũ”, ví dụ việc giữ nguyên chữ “định phận” từ bản gốc sang bản dịch “cũ” là bất hợp lý vì nó có thể gây ra hiểu nhầm (“phận” có 2 nghĩa địa phận và số phận)

Thứ ba, trong sách mới, ngoài bản dịch “mới” được nhóm làm sách lựa chọn, họ còn đưa ra 2 bản dịch khác. Đây là cách làm sách rất hiện đại mà sách cũ, với bản dịch “cũ” không có được.

Chúng ta cần lưu ý, đây là 1 bài học trong môn ngữ văn; ngoài nội dung bài thơ, thì học sinh cần được đọc nhiều bản dịch khác nhau để có thể đối sánh các cách dịch khác nhau, cách sắp xếp ngôn ngữ khác nhau từ một bản gốc chung. Từ góc độ cải cách giáo dục, thậm chí, tôi cho rằng đây là điểm “sáng” nhất của bản dịch “mới” này.

Tác giả Phạm Hiệp. Ảnh VNN
Tác giả Phạm Hiệp. Ảnh VNN

Về ý kiến cho rằng, không nên thay đổi từ ngữ trong một tác phẩm được coi là “Tuyên ngôn độc lập” đầu tiên của đất nước; tôi cho đó không phải nhận định xác đáng. Vì xét cho đúng, bản được coi là Tuyên ngôn độc lập đầu tiên cũng không phải là bài bắt đầu bằng “Sông núi nước Nam vua Nam ở” mà đơn giản nó chỉ là bản dịch phổ biến nhất. 

Bản gốc bắt đầu bằng “Nam quốc sơn hà nam đề cư” mới thực sự là bản gốc. Thực tế, cái chúng ta đang tranh luận xem hai bản “dịch”, cũ và mới, bản nào hay hơn, hợp lý hơn. Điều này cũng tương tự như việc giả sử có 2 dịch giả cùng dịch Bản tuyên ngôn độc lập của Bác Hồ sang tiếng Anh và sau đó người đọc tranh luận về 2 bản thảo Tiếng Anh vậy.

Tuy vậy, từ sự kiện này, tôi càng thêm tin tưởng vào một ý kiến mà tôi luôn cho là cần thiết từ lâu, đó là đã đến lúc chúng ta cần chấp nhận mô hình, một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa như thế giới vẫn làm. 

Thử tưởng tượng nếu hiện nay, cả bộ sách mới và cũ đều được lưu hành và các trường được toàn quyền quyết định việc lựa chon bộ sách nào để giảng dạy cho học sinh của mình. Như vậy, thay vì việc tranh luận xem sách nào, cách dịch nào đúng hơn, ta chỉ cần đếm xem sách nào được dùng nhiều hơn, tức là sách đó đã được các trường, và học sinh chấp nhận nhiều hơn.

Phạm Hiệp