Bản dịch mới “Nam quốc sơn hà” có làm thay đổi ý nghĩa câu chuyện lịch sử?

10/11/2015 10:50
Thùy Linh
(GDVN) - Nam quốc sơn hà được coi là bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước Việt Nam, nay đã có thêm một bản dịch mới lạ khiến nhiều người băn khoăn.

Vào năm 1077, hơn 30 vạn quân Tống do Quách Quỳ chỉ huy xâm lược Đại Việt. Lý Thường Kiệt lập phòng tuyến tại sông Như Nguyệt (sông Cầu) để chặn địch.

Quân của Quách Quỳ đánh đến sông Như Nguyệt thì bị chặn. Nhiều trận quyết chiến ác liệt đã xảy ra tại đây nhưng quân Tống không sao vượt được phòng tuyến Như Nguyệt, đành đóng trại chờ viện binh.

Đang đêm, Lý Thường Kiệt cho người vào đền thờ Trương Hống, Trương Hát ở phía nam bờ sông Như Nguyệt, giả làm thần đọc vang bài thơ “Nam quốc sơn hà”.

Nhờ thế tinh thần binh sĩ lên rất cao. Lý Thường Kiệt liền cho quân vượt sông, tổ chức một trận quyết chiến, đánh thẳng vào trại giặc. Phần vì bất ngờ, phần vì sĩ khí quân Việt đang lên, quân Tống chống đỡ yếu ớt, số bị chết, bị thương đã hơn quá nửa.

Lý Thường Kiệt liền cho người sang nghị hòa, mở đường cho quân Tống rút quân về nước, giành lại giang sơn, giữ vững bờ cõi Đại Việt.

Nếu trước đây, bài thơ: “Nam quốc sơn hà” (Sông Núi Nước Nam) - Bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước Việt Nam từng được dịch là:

Sông núi nước Nam vua Nam ở

Rành rành định phận tại sách trời

Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm

Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời”
.

...thì nay ở trang 62 sách Ngữ văn lớp 7 tập I, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành lại dịch như sau:

Sông núi nước Nam vua Nam ở

Vằng vặc sách trời chia xứ sở

Giặc dữ cớ sao phạm đến đây

Chúng mày nhất định phải tan vỡ
”.

Bản dịch mới “Nam quốc sơn hà” có làm thay đổi ý nghĩa câu chuyện lịch sử? ảnh 1
Bản dịch bài Sông núi nước Nam được in trong SGK Ngữ văn lớp 7 tập 1 của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam . (Ảnh: vietnamnet.vn)

Như vậy, từ 4 câu thơ quen thuộc với hàng triệu học sinh thì nay đã được “cải biên” 3 câu thơ sau so với bản dịch trước. 

Bản dịch mới bài thơ gây nhiều băn khoăn. Trao đổi đó với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam về ý nghĩa câu chuyện lịch sử, Tiến sỹ Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội, cho rằng: 

"Ông Nguyễn Khắc Phi (Tổng chủ biên) khẳng định bản dịch của Lê Thước - Nam Trân đã được đưa ra Hội đồng quốc gia về thẩm định sách giáo khoa với nhiều học giả có tên tuổi và các giáo viên THCS cũng tham gia.

Dư luận có nhiều băn khoăn nhưng theo tôi, sự thay đổi bản dịch không làm thay đổi đi ý nghĩa của câu chuyện lịch sử này. Hơn nữa, ông Phi nói như vậy là hết sức có trách nhiệm vì bản dịch đã có Hội đồng thẩm định. 

Chẳng qua chỉ là bản cũ thì mọi người đã quen thuộc tuy nhiên bản mới cũng có ý nghĩa riêng của nó, hai tác giả dịch muốn chuyển từ vần BẰNG sang vần TRẮC với ngôn ngữ diễn đạt phong phú của tiếng Việt để chuyển ý nghĩa khác đi một chút ít, nhấn mạnh thêm tinh thần chiến đấu của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến đó". 

Trước lo lắng, quan ngại của giáo viên, học sinh, phụ huynh thì Tiến sỹ Tùng Lâm cho rằng nhà biên soạn nên cung cấp cả 2 bản dịch vào chương trình sách giáo khoa để thuận lợi cho quá trình dạy và học. 

Thùy Linh