Bí quyết ôn và thi Văn vào lớp 10 mùa covid 19

26/05/2020 06:15
Nguyễn Văn Lự
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thầy và trò không được phép chủ quan mà xem nhẹ việc ôn luyện, xem nhẹ rèn các kỹ năng viết bài, viết đoạn văn.

LTS: Trong bài viết này, thầy giáo Nguyễn Văn Lự (đến từ Vĩnh Phúc) chia sẻ với các em học sinh một số lưu ý trong ôn tập môn Ngữ văn để thi vào lớp 10.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Chạy đua với thời gian

Chỉ còn gần 6 tuần thực học, trong điều kiện dịch bệnh phức tạp, giữa mùa hè nóng nắng, điều kiện trường lớp và thiết bị quạt điện, cây xanh của các nhà trường vừa thiếu vừa cũ, các nhà trường trung học cơ sở và học sinh lớp 9 đang nỗ lực khắc phục để thực hiện ôn luyện hiệu quả.

Với môn thi từ 2 môn Văn, Toán (Nam Định) đến 5 môn (Vĩnh Phúc), sức khỏe của học trò lớp 9, trong thời tiết rất cực đoan mưa nắng thất thường, phải học nhiều ca trong thời gian hai tháng là một thách thức lớn cho cả học trò và thầy cô giáo.

Không ít thầy cô giáo dạy môn thi còn lúng túng và khó khăn khi xử lý và định hướng trọng tâm kiến thức và kỹ năng ôn tập cho học sinh lớp 9 theo phần giảm tải của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Môn Ngữ văn, cũng như môn Toán, năng lực tư duy ngôn ngữ cũng cần kết nối liền mạch của những tri thức nền tảng và tri thức vận dụng nâng cao.

Nếu không hiểu từ ngữ và ngữ pháp, không có tri thức về tác phẩm văn học và cuộc sống, cũng như nếu không thuộc công thức đáng nhớ và các thuật toán học ở lớp dưới, thí sinh không thể hoàn thành bài thi, cho dù trong Chương trình giảm tải Ngữ văn, một số bài/nội dung chuyển sang khuyến khích học sinh tự học hoặc không học.

Bí quyết ôn và thi Văn vào lớp 10 mùa covid 19 ảnh 1Đề Ngữ văn chính thức của Vĩnh Phúc năm 2019. (Ảnh: Văn Lự)

Môn Ngữ văn, hình thức thi Tự luận 120 phút với cấu trúc đề 3 phần (trừ Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh) gồm Tiếng Việt, đoạn văn nghị luận xã hội và bài nghị luận văn học với mức độ khó dễ tùy theo từng tỉnh thành.

Không ít em nói liến thoắng, “chém gió” như người lớn nhưng viết thành câu văn, thành đoạn văn thì không thể.

Có trò thuộc làu cả bài thơ/ bài văn mẫu nhưng lại không hiểu nghĩa gốc và nghĩa chuyển, thậm chí không nhớ tác giả là ai, tên tác phẩm là gì!

Những học sinh chưa biết viết bài văn bao giờ, kiểm tra Văn đều trông vào tài liệu hoặc bịa lung tung cho có bài nộp, điểm bài tổng kết và tốt nghiệp đã có người làm.

Nhiều em viết sai chính tả, viết sai dấu thanh, chữ xấu không thể đọc. Khó học văn và viết văn, chán học văn và ngại viết văn nhất là thời tiết nóng bức làm cho việc ôn tập và thi vào lớp 10 năm 2020 của học trò sinh năm 2005 lại càng gay cấn.

Theo tìm hiểu của cá nhân vài năm nay, nhiều học sinh chán sợ học văn đáng để các thầy cô Ngữ văn suy nghĩ.

Đọc chép vài trang vở một giờ ôn tập, và yêu cầu học thuộc vài trang văn mẫu, luyện đề thiếu chọn lọc triền minh, thầy cô lệ thuộc vào tài liệu, ngay cả khi tài liệu có vấn đề.

Ví như bông hoa tím biếc (bài Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải), có tài liệu viết đó là hoa lục bình-hoa bèo thì dạy học trò cứ hiểu như thế mà không biết rằng hoa lục bình vào tháng 4 mới nở trên khắp cả ba miền!

Khi học sinh không được dạy và học đúng yêu cầu bộ môn, khi học sinh không được dạy về kỹ năng và lý thuyết đọc và viết thì giải pháp ép thuộc bài mẫu là không tránh khỏi. Không ít phụ huynh chỉ mong thầy cô tủ mấy bài để các con học thuộc cho kịp thời gian!?

Chỉ còn gần 50 ngày, các nhà trường đang ráo riết, tăng cường tổ chức ôn tập cho 5 môn theo kế hoạch. Hình thức thi tự luận kết hợp trắc nghiệm bài thi Ngữ văn và Toán các trò đã quen làm, trọng tâm kiến thức và kỹ năng đã xác định.

Thầy và trò không được phép chủ quan mà xem nhẹ việc ôn luyện, xem nhẹ rèn các kỹ năng viết bài, viết đoạn văn.

Không phải do dịch bệnh Covid-19 và giảm tải nên đề thi vào 10 các môn năm nay coi trọng các kỹ năng hơn. Môn Ngữ văn không phức tạp với hàng mớ công thức và lý thuyết với tư duy logic, phán đoán suy luận như các môn tự nhiên.

Môn Ngữ văn cũng không phải cứ thuộc lòng là làm tốt bài thi. Mục tiêu của môn học là 4 kỹ năng giao tiếp: nghe, đọc, nói, viết theo suốt cuộc sống mỗi người.

Vì ngán học, ghét viết nên phần lớn các em không dành thời gian, công sức cho việc đọc văn bản, ghi nhớ ngữ pháp, tiếng Việt và học hỏi giao tiếp để qua mỗi giờ học văn, qua mỗi câu chuyện ngoài đời dần hiểu ra vấn đề, viết được câu, được đoạn và bài văn.

Các trò nhớ rằng, mỗi tuần tự làm hàng chục bài toán và hứng thú khi giải đúng nên rất ham Toán, ham đến chán Văn và môn khác!

Trong khi công thức Toán, do làm quá nhiều bài tập mà hiểu và vận dụng tốt thì sách Văn, bài học Văn và bài đọc nhiều em không mở lần nào!

Các trò nhớ rằng, chúng ta chỉ cần đọc và hiểu từ ngữ, hiểu câu của văn bản và lắng nghe là hiểu người khác muốn nói gì. Chúng ta đâu phải là học sinh giỏi văn mà lo viết được nhanh, viết nhiều!

Những kiến thức cần ôn luyện

Dù có những điều chỉnh học sinh tự học hoặc chỉ chú trọng các câu hỏi/phần của bài học trong học kỳ 2 năm lớp 9, dù học trực tuyến hay thầy cô hướng dẫn tự học, bài thi Ngữ văn vẫn cần có những kiến thức và kỹ năng cơ bản nền tảng học từ lớp 6.

Muốn viết được câu, được đoạn và bài nghị luận, thí sinh nhất thiết không thể bỏ qua từ vựng, ngữ pháp, tu từ, liên kết văn bản, văn bản, tạo lập đoạn văn, phong cách ngôn ngữ và phương thức biểu đạt…

Muốn phân tích câu thơ, phân tích nhân vật, các trò cần đọc hiểu văn bản qua các biện pháp nghệ thuật như tu từ, chi tiết, hình ảnh…

Muốn viết được bài nghị luận, các trò cần biết phân tích đề, hiểu đúng và trúng vấn đề, lập dàn ý và viết thành câu, thành bài văn đủ 3 phần mở bài, thân bài và kết bài.

Bài thi Ngữ văn vào lớp 10 năm 2020-2021 sẽ không khác đề thi năm 2019. Các em ôn tập cuốn chiếu, học trên lớp đến đâu, ôn tập củng cố ngay đến đó.

Từ bỏ cách học thuộc lòng văn mẫu để tự lực học và viết bài theo cách hiểu bằng cách thường xuyên đặt ra câu hỏi: ai, việc gì, vấn đề này là gì? (đối tượng nghị luận) Là gì, như thế nào (nội dung nghị luận)? Dựa vào đâu để hiểu như thế? (nội dung bàn luận. Ý nghĩa của việc đó, nhân vật đó với cuộc sống là gì? Tác phẩm hay vấn đề xã hội giúp mình hiểu và rút ra bài học gì về học tập và tu dưỡng hay không?... )….

Biết đọc văn bản, đặt ra các câu hỏi và tìm từ ngữ để trả lời câu hỏi đó, từng bước tập viết câu viết đoạn rồi tham khảo thầy cô để viết đúng và diễn đạt đúng yêu cầu của đề bài.

Với các em học khá giỏi Ngữ văn, cần phát huy thế mạnh năng khiếu trong lý giải trình bày thuyết phục và sáng tạo theo cảm nhận của mình, không tham lam bàn luận mở rộng lê thê đầu voi đuôi chuột, hết giờ chưa xong bài.

Học sinh Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh được trải nghiệm theo đề mở và sáng tạo trong khi các tỉnh khác vẫn dùng đề truyền thống.

Với nhiều em không thích học văn, chỉ cần viết được đoạn văn và viết đúng, hiểu đúng đã là thành công rồi. Các em sẽ thấy tự tin như khi tự làm xong bài tập toán, lý, hóa hay việc gì khó vậy!

Tác phẩm văn học nước ngoài, các bài học về kịch, bài Con cò, Bến quê, Nói với con, Sang thu và các bài nghị luận chuyển sang tự học, các em chỉ cần nắm vững xuất xứ và chủ đề.

Riêng phần tiếng Việt, các em cần tự học để hiểu và vận dụng ngữ pháp, từ vựng để nói và viết cho bài thi và cả cuộc đời!

Dù điều kiện thời gian học và thời tiết khó khăn thế nào, kỳ thi tuyển sinh của Vĩnh Phúc vẫn được tổ chức nghiêm túc và an toàn, đúng quy chế nên các trò phải làm bài rất nghiêm túc.

Thi vào lớp 10 còn ganh đua hơn thi vào đại học nên hơn kém 0,25 điểm là một ranh giới đỏ buộc các thí sinh phải luôn tỉnh táo.

Thời tiết nắng nóng kéo dài nên rất mệt mỏi, các trò cần nhất giữ gìn sức khỏe, đảm bảo ăn uống họp lý, ôn luyện khoa học và rất cần vui chơi giải trí cân bằng tâm sinh lí.

Khi làm bài thì tự tin và bình tĩnh, không chủ quan và cẩu thả, cẩn thận từng chữ từng nét bút để hoàn thành bài đúng thời gian.

Các em cần bĩnh tĩnh và tự tin làm tốt 5 bước sau:

1. Đọc thật kỹ câu hỏi, đọc nhiều lần để hiểu chính xác yêu cầu.

2. Lập dàn ý sơ lược, viết ra tờ nháp các ý chính cần làm bài nghị luận văn học.

3. Luôn đặt ra câu hỏi và tìm cách trả lời câu hỏi.

4. Viết đoạn văn thận trọng và khẩn trương.

5. Bình tĩnh, tự tin làm bài, hoàn thiện và nộp cho giám thị.

Chúc các em thi tốt!

Nguyễn Văn Lự