Bộ sẽ thay đổi cách xếp loại học sinh, không còn giỏi, trung bình, yếu, kém?

18/08/2021 07:42
Cao Nguyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Dự thảo Thông tư mới về đánh giá học sinh quy định, kết quả học tập của học sinh phổ thông được đánh giá thành 4 mức: Tốt, Khá, Đạt, Chưa đạt...

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Dự thảo Thông tư về đánh giá học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông gửi tới các đơn vị, cá nhân xin ý kiến góp ý.

Dự thảo Thông tư này có một số điểm mới so với Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT và Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT. Dự thảo Thông tư nếu được ban hành có hiệu lực từ năm học 2021-2022 cho khối 6, sau đó sẽ áp dụng cho khối khác thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở các năm học tiếp theo.

Một số điểm mới của Dự thảo Thông tư đánh giá học sinh phổ thông

Thứ nhất, các môn học: Giáo dục thể chất; Nghệ thuật; Âm nhạc; Mĩ thuật; nội dung giáo dục của địa phương; hoạt động trải nghiệm; hướng nghiệp được đánh giá bằng nhận xét. Các môn học còn lại được đánh giá bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng điểm số.

Thứ hai, đánh giá bằng nhận xét được thực hiện trong quá trình dạy học các môn học, bao gồm: nhận xét của giáo viên đối với học sinh hoặc nhóm học sinh; học sinh tự nhận xét và nhận xét lẫn nhau; nhận xét của cha mẹ học sinh và các tổ chức, cá nhân có liên quan, trong đó nêu rõ ưu điểm nổi bật, những điểm còn tồn tại, sự tiến bộ rõ nét của học sinh trong quá trình học tập, rèn luyện theo yêu cầu cần đạt quy định trong chương trình môn học.

Thứ ba, những học sinh có năng khiếu được giáo viên môn học ghi thêm nhận xét về những kết quả vượt trội trong từng học kì và cả năm học vào học bạ học sinh; những học sinh có thành tích cao trong các môn học Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Âm nhạc, Mỹ thuật được miễn học các nội dung tương ứng theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Thứ tư, kết quả học tập của học sinh được đánh giá thành bốn (04) mức: Tốt, Khá, Đạt, Chưa đạt – thay vì năm (05) mức: Giỏi, Khá, Trung bình, Yếu, Kém như hiện nay. Tương tự, kết quả rèn luyện của học sinh được xếp thành ba (03) mức: Tốt, Đạt, Cần rèn luyện thêm thay vì bốn (04) mức: Tốt, Khá, Trung bình, Yếu.

Dự thảo Thông tư này thay thế Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT ngày 12 tháng 12 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông;

Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 8 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT ngày 12 tháng 12 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Dự thảo Thông tư mới sẽ khắc phục quy định xếp loại hạnh kiểm học sinh không còn phù hợp? (Ảnh minh họa: NOP/ Hoinhabaovietnam.vn)

Dự thảo Thông tư mới sẽ khắc phục quy định xếp loại hạnh kiểm học sinh không còn phù hợp? (Ảnh minh họa: NOP/ Hoinhabaovietnam.vn)

Ưu điểm và một số bất cập của Dự thảo

Tìm hiểu Dự thảo Thông tư quy định về đánh giá học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông, cá nhân người viết nhận thấy Dự thảo này có một số ưu điểm và bất cập như sau.

Ưu điểm, Dự thảo không còn xếp loại học sinh yếu, kém mà thay bằng “chưa đạt”. Đây là cách xếp loại mang tính nhân văn trong môi trường giáo dục, bởi học sinh khi bị xếp loại yếu, kém thì nhiều em thường có tâm lí mặc cảm, tự ti, xấu hổ với bạn bè, gia đình, kéo theo lực học ngày càng giảm sút.

Về phần rèn luyện (hạnh kiểm), Dự thảo đưa ra 3 mức: tốt, đạt và cần rèn luyện thêm – thay vì 4 mức: tốt, khá, trung bình, yếu như hiện nay. Việc học sinh không còn bị xếp loại hạnh kiểm trung bình và yếu là một bước tiến bộ nổi trội của Dự thảo.

Bởi lẽ, đạo đức học sinh rất khó lượng hóa bằng việc xếp loại qua các mức trung bình, yếu – trừ trường hợp các em hỗn láo với giáo viên hay có hành vi vi phạm pháp luật cụ thể. Đã có nhiều trường hợp học sinh bị xếp loại hạnh kiểm trung bình, yếu chỉ vì sử dụng tài liệu trong giờ kiểm tra, không nghe lời giáo viên… sau đó bị ghi học bạ (mang theo trọn đời) là chưa hợp lí.

Tuy nhiên, Dự thảo Thông tư còn một số bất cập sau đây, Bộ Giáo dục cần quan tâm tháo gỡ.

Thứ nhất, nội dung “các môn học còn lại (ngoại trừ Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Âm nhạc, Mỹ thuật) được đánh giá bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng điểm số” là bất cập, vì giáo viên bộ môn đã nhận xét học sinh trong quá trình làm bài, chấm bài kiểm tra.

Những bất cập này đã được phản ánh qua nhiều bài viết trên diễn đàn Giáo dục Việt Nam như: “Giáo viên bậc phổ thông bơ phờ với nhận xét học sinh cuối kì” ngày 14/1/2021; “Giáo viên thở phào vì không phải viết nhận xét cho hàng trăm học sinh” ngày 17/5/2021.

Thứ hai, quy định “học sinh tự nhận xét và nhận xét lẫn nhau” chỉ là hình thức. Hơn ai hết, học sinh hiểu rất rõ những ưu khuyết về lực học của bản thân, rồi các em còn được thầy cô nhận xét, góp ý.

Hơn nữa, học sinh nhận xét lẫn nhau cũng là một điều rất tế nhị ở lứa tuổi phổ thông, việc nhận xét có thể cảm tính hoặc nhận xét cho có, giáo viên chủ nhiệm lại mất thêm thời gian tổng hợp, báo cáo.

Thứ ba, yêu cầu “nhận xét của cha mẹ học sinh và các tổ chức, cá nhân có liên quan, trong đó nêu rõ ưu điểm nổi bật, những điểm còn tồn tại, sự tiến bộ rõ nét của học sinh trong quá trình học tập, rèn luyện theo yêu cầu cần đạt quy định trong chương trình môn học” cũng khiến người viết rất băn khoăn.

Có phải phụ huynh nào cũng hiểu rõ chương trình, nội dung môn học, kế hoạch giáo dục nhà trường, lực học của con em để mà nhận xét, góp ý? Rồi “các tổ chức, cá nhân có liên quan” là ai? Không lẽ Đoàn thanh niên; Công đoàn trường; hiệu trưởng; hiệu phó phải tham gia đánh giá học sinh?

Qua bài viết, kính mong Bộ Giáo dục quan tâm đến những góp ý này để điều chỉnh Dự thảo Thông tư quy định về đánh giá học sinh phổ thông sao cho phù hợp. Bởi Dự thảo này có những nội dung còn hình thức, bất cập khiến giáo viên bộ môn, chủ nhiệm càng thêm mệt mỏi và công việc nhà trường cũng bị ảnh hưởng theo.

Bạn đọc có thể tham khảo toàn văn Dự thảo Thông tư về đánh giá học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông TẠI ĐÂY.

Tài liệu tham khảo:

[1] //moet.gov.vn/van-ban/vbdt/Pages/chi-tiet-van-ban.aspx?ItemID=1545

[2] //thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Thong-tu-58-2011-TT-BGDDT-Quy-che-danh-gia-xep-loai-hoc-sinh-trung-hoc-co-so-133268.aspx

[3] //luatvietnam.vn/giao-duc/thong-tu-26-2020-tt-bgddt-sua-doi-quy-che-danh-gia-xep-loai-hoc-sinh-trung-hoc-190228-d1.html

[4] //giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/giao-vien-bac-pho-thong-bo-pho-voi-nhan-xet-hoc-sinh-cuoi-ki-post214530.gd

[5] //giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/giao-vien-tho-phao-vi-khong-phai-viet-nhan-xet-cho-hang-tram-hoc-sinh-post217835.gd

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Cao Nguyên