Buồn vui thi thử đại học

14/06/2012 06:02
Tạ Quang Đạo
(GDVN) - Một vài năm gần đây, “đến hẹn lại lên” trước mỗi mùa tuyển sinh cao đẳng, đại học là “phong trào” thi thử đại học lại nở rộ ở nhiều địa phương kèm theo đó là khá nhiều câu chuyện buồn vui lẫn lộn.
Thi thử và thử thi
Tính đến thời điểm này khá nhiều trường THPT, trung tâm luyện thi, những trang website luyện thi trực tuyến đã tổ chức các đợt thi thử đại học với sự tham gia của rất nhiều học sinh. Có thể nói, hiện nay nhiều phụ huynh và các thí sinh coi thi thử trước mỗi mùa tuyển sinh như một lần “sát hạch” có tác dụng “cọ sát”, một cách thức rèn luyện tâm lý đồng thời phần nào đánh giá được trình độ nắm kiến thức và khả năng làm bài của bản thân.

Thi thử đại học cũng có thể gây áp lực vô hình cho học sinh (Ảnh minh họa)
Thi thử đại học cũng có thể gây áp lực vô hình cho học sinh (Ảnh minh họa)

Nhìn nhận một cách khách quan, những lần thi thử đại học đã ít, nhiều giúp cho các em học sinh làm quen với không khí của một buổi thi đại học thật, có sự chuẩn bị bước đầu xét về mặt tâm lý, bản lĩnh thi cử. Mặt khác, thông qua mỗi lần thi thử các em cũng tự đánh giá đúng hơn về học lực của mình từ đó có những điều chỉnh về nội dung, phương pháp ôn luyện để đạt kết quả cao nhất. Mỗi lần thi thử là một lần học sinh tự đặt mình vào vị trí của thí sinh tham gia thi tuyển sinh đại học, là một lần thử làm quen với không khí, với áp lực của trường thi do vậy đó cũng là cơ hội để các em chuẩn bị trước về tâm thế cho một lần thi có ý nghĩa bước ngoặt trên con đường học vấn của mình. Và vì thế, nếu được tổ chức một cách chặt chẽ, nghiêm túc từ khâu ra đề, coi thi cho tới chấm thi, phân loại kết quả… thì thi thử đại học sẽ có tác dụng rất lớn không chỉ đối với các em học sinh mà còn đối với công tác tuyển sinh cao đẳng, đại học hàng năm.

Chất lượng thi thử - Ai quản?

Cùng với việc tổ chức thi thử ở các trường THPT thì việc tổ chức thi thử tại các trung tâm luyện thi cũng còn khá nhiều vấn đề đáng bàn. Dạo một vòng quanh “thị trường thi thử đại học” năm nay, chúng ta có thể dễ dàng thấy được vô vàn những lời quảng cáo “có cánh” của các trung tâm, các cơ sở tổ chức thi thử. Các kỳ thi đều được quảng cáo là có đề thi bám sát cấu trúc đề thi đại học của Bộ GD&ĐT, phòng thi được tổ chức nghiêm túc, việc chấm thi bảo đảm chính xác, nhanh chóng … Đặc biệt để thu hút được nhiều học sinh tham gia, một số trung tâm còn áp dụng “độc chiêu” là sử dụng đề thi “vừa tầm” để thí sinh có được kết quả “đẹp” và treo thưởng cho những thí sinh thi đạt điểm cao. Nhưng trên thực tế, việc tổ chức thi thử của các trung tâm này ra sao?

Thực tế hiện nay, việc tổ chức thi thử của các trung tâm, cơ sở luyện thi đang dần bị thương mại hoá và không mang lại hiệu quả như lời quảng cáo. Nếu mục đích của các trường THPT khi tổ chức thi thử là nhằm kiểm tra trình độ kiến thức của học sinh điều chỉnh nội dung, phương pháp ôn tập thì với các trung tâm, dường như mục đích cuối cùng của họ là lợi nhuận. Nhiều nơi tổ chức thi thử với mức lệ phí khá cao nhưng đề thi lại không sát với chương trình học, việc tổ chức coi thi lỏng lẻo, đại khái. Đặc biệt, đề thi thử tuy đã được xây dựng theo cả hình thức trắc nghiệm và tự luận song chủ yếu do những người dạy tại trung tâm xây dựng dựa vào đề thi đại học các năm trước và theo… kinh nghiệm. Thế nên mới có chuyện học sinh tham gia thi thử đại học gặp đề quá khó, chỉ làm được chưa đầy 40% nên nảy sinh tâm lý chán nản, mất niềm tin vào thực lực bản thân.

Việc tổ chức các buổi thi thử cũng còn rất nhiều bất cập. Theo quy định của Bộ GD&ĐT, mỗi phòng thi không được bố trí quá 24 thí sinh nhưng thực tế hiện nay nhiều trung tâm khi thi thử đã nhồi nhét tới 50 – 60 người trong một phòng thi. Do đó không thể bảo đảm chất lượng coi thi và duy trì kỷ luật phòng thi. Bản thân người viết khi đưa cháu tham gia thi thử đại học cũng đã chứng kiến cảnh một nữ sinh từ phòng thi thử đi ra, “nước mắt ngắn dài” vì bị cậu bạn cùng phòng cướp bài thi kèm theo lời doạ “Liệu hồn!”. Thế mới biết là “tính cạnh tranh” trong thi thử đại học cũng không hề kém thi thật!

Cùng với đó, chi phí cho thi thử cũng là một vấn đề và càng gần kỳ thi đại học thì lệ phí thi lại càng tăng lên. Nếu như năm 2011, lệ phí thi thử một môn dao động khoảng 30.000đ - 35.000đ thì năm nay qua tìm hiểu, phần lớn các trung tâm đều đưa ra mức giá cho 3 môn thi thử là 140.000đ - 150.000đ. Như vậy, để được thi thử đại học, các em học sinh và gia đình đã phải bỏ ra một khoản lệ phí không hề nhỏ, đó là còn chưa kể đến chi phí đi lại, ăn uống, nghỉ ngơi đối với những thí sinh ở các tỉnh xa.

Để thi thử đại học thực sự có hiệu quả?

Như đã nói ở trên, việc thi thử đại học nếu được tổ chức nghiêm túc, có chất lượng thì chính là dịp cho mỗi thí sinh chuẩn bị tâm thế, kiểm tra lại kiến thức của mình và đánh giá được thực lực của bản thân để có những điều chỉnh phù hợp về nội dung cũng như phương pháp ôn luyện.

Để thực hiện được điều này, trước hết các trung tâm luyện thi, cơ sở tổ chức thi thử đại học cần giải quyết tốt mối quan hệ giữa lợi nhuận của trung tâm và lợi ích của các em học sinh. Cần tổ chức nghiêm túc, chặt chẽ tất cả các khâu, các bước của một kỳ thi thử tránh vì chạy theo lợi nhuận mà làm biến dạng hoạt động thi thử đại học, quên mất những nguyện vọng và quyền lợi của thí sinh dự thi.

Cùng với đó, cơ quan chủ quản, Bộ GD&ĐT cũng cần sớm có những biện pháp kiểm tra, chấn chỉnh các trung tâm luyện thi, cơ sở đăng ký tổ chức dịch vụ thi thử đại học. Cần mạnh tay xử lý nghiêm khắc những cơ sở vi phạm chất lượng đề thi không bảo đảm, tổ chức coi thi qua loa, đại khái… Cần sớm thống nhất quy cách ra đề thi thử cho các trường THPT cũng như các trung tâm, các cơ sở tổ chức dịch vụ thi thử đại học.

Đặc biệt trong chừng mực nhất định có thể thống nhất tổ chức thi thử tại các trường THPT nhằm “giảm nhiệt” ở các trung tâm thi thử đang xuất hiện tràn lan hiện nay. Thực tế thời gian vừa qua, nhiều trường THPT trên địa bàn Hà Nội đã tổ chức các kỳ thi thử có chất lượng khá tốt. Việc tổ chức thi thử ở đây được gắn với quá trình học và ôn luyện cụ thể của học sinh vì vậy đã giúp cho các em tự đánh giá được khả năng làm bài của mình cũng như chuẩn bị kỹ hơn về tâm lý và kiến thức trước khi bước vào kỳ thi tuyển sinh cao đẳng, đại học. Tuy nhiên, các trường THPT cũng không nên tổ chức quá nhiều lần thi thử. Việc lạm dụng thi thử đại sẽ có nguy cơ gây ra hiệu ứng “phản tác dụng” về mặt tâm lý tức là tạo ra quá nhiều sức ép tâm lý cho học sinh trước kỳ thi thật.

Bên cạnh đó cần tăng cường hơn nữa sự sự phối hợp giữa nhà trường với Hội phụ huynh trong tổ chức các lần thi thử. Sau từng lần thi thử phải chú ý việc rút kinh nghiệm cụ thể đối với từng lớp, từng nhóm học sinh tuỳ theo kết quả thi thử. Có như vậy các kỳ thi thử mới thực sự phát huy tác dụng. Nguyễn Thị Tuyết Minh, sinh viên năm thứ nhất Đại học Y Hà Nội (cựu học sinh trường THPT dân lập Lương Thế Vinh, Hà Nội) chia sẻ: “Năm ngoái trường em cũng tổ chức thi thử rất nghiêm túc. Đặc biệt sau khi có kết quả các thầy cô thường phân tích đề thi, chỉ ra nguyên nhân vì sao câu này chưa đạt điểm cao, bài này làm sai ở đâu… Đó là cơ sở để chúng em tự điều chỉnh nội dung ôn thi, chủ động bổ sung những kiến thức mà mình còn khuyết thiếu”.

Một trong những ý nghĩa quan trọng nhất của thi thử đại học đó là giải quyết vấn đề tâm lý cho thí sinh. Hiệu quả thi thử vì vậy phụ thuộc rất nhiều vào bản thân các em học sinh. Đòi hỏi các em phải thực sự làm chủ nội dung kiến thức, ôn tập tích cực trước khi tham gia thi thử, tránh hiện tượng chưa học, chưa ôn đã đòi thi thử hay tâm lý “thi cho vui, thi cho biết”. Sẽ hoàn toàn sai lầm khi ai đó có suy nghĩ cứ thi thử nhiều thì khi thi thật sẽ đạt điểm cao. Cùng với đó, khi có nhu cầu thi thử các em học sinh cần tìm hiểu kỹ và cân nhắc khi lựa chọn cơ sở thực sự có chất lượng để tham gia thi thử. Và một vấn đề quan trọng không thể bỏ qua sau mỗi lần thi thử đó là phải tự điều chỉnh việc ôn luyện, bao gồm cả nội dung và phương pháp ôn tập trên cơ sở kết quả làm bài của bản thân.

Kỳ thi tuyển sinh cao đẳng, đại học năm 2012 đang đến gần. Với sự quan tâm của toàn xã hội, hy vọng hoạt động thi thử đại học sẽ nhanh chóng đi vào nề nếp góp phần giúp từng thí sinh đánh giá đúng thực lực của mình để có được kết quả thi cao nhất.


Tạ Quang Đạo