Các tân Giáo sư, Phó giáo sư ngày càng trẻ hơn

24/12/2012 23:00
Theo Dân Trí
Năm nay, số giáo sư (GS) trên 60 tuổi chiếm 16,6%, tỷ lệ phó giáo sư (PGS) trên 60 tuổi là 0,7%. Trong khi 15 năm về trước, số GS trên 60 tuổi là 31%, 3 năm trước số PGS trên 60 tuổi là 6,3%. Qua đây cho thấy các tân GS, PGS ngày càng trẻ hơn.
Đây là những thông tin mà GS.TSKH Trần Văn Nhung - Tổng thư ký Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước chia sẻ tại buổi lễ công bố Quyết định và trao Giấy chứng nhận đạt danh hiệu tiêu chuẩn GS, PGS năm 2012, được diễn ra tại Văn Miếu Quốc Tử Giám vào sáng nay 24/12.
Tổng số ứng viên đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư ban đầu tại 78 Hội đồng chức danh giáo sư cơ sở là 66 người, PGS là 526 người. Cuối cùng, 42 nhà giáo được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS và 427 nhà giáo được công nhận PGS, trong đó có 2 trường hợp được xét đặc cách, cả hai đều thuộc lĩnh vực Toán học.

Như vậy, nếu so với số ứng viên đăng ký ban đầu thì sau khi được sàng lọc bởi 3 cấp hội đồng, tỷ lệ được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS là 64% và PGS đạt 81%. Điều đó chứng tỏ, quá trình xét, công nhận là rất chặt chẽ, nghiêm túc và khoa học. Hai hội đồng có số ứng viên nhiều nhất là Hội đồng giáo sư ngành Y học và Kinh tế.
Các tân Giáo sư, Phó giáo sư ngày càng trẻ hơn ảnh 1
Đội ngũ GS, PGS ngày càng được trẻ hóa. Trong ảnh: Đồng chí Đinh Thế Huynh - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương trao giấy chứng nhận cho tân GS.

GS Trần Văn Nhung cũng cho biết thêm, các tân GS, PGS thuộc các cơ sở giáo dục ĐH ngày càng chiếm đa số, năm 2012 số GS là 69,05%, PGS là 77,75% trên tổng số; tỉ lệ nữ GS là 14,29%, PGS là 27,63%. Đây là những dấu hiệu đáng mừng về đội ngũ. Tuy nhiên mật độ phân bố quá tập trung: Số tân GS năm 2012 ở Hà Nội là 80,96%, TPHCM là 7,14%, ở tất cả các tỉnh và thành phố còn lại chỉ 11,09%; Con số này đối với tân PGS lần lượt là 71,20% - 14,05% - 14,75%. Tân GS năm nay trẻ nhất năm 2009 là 45 tuổi, năm 2012 là 46 tuổi, năm 2011 là 37 tuổi và năm 2012 là 42 tuổi; Đối với PGS thì năm 2009 là 31 tuổi, năm 2010 là 32 tuổi, năm 2011 là 29 tuổi và năm 2012 là 31 tuổi. Theo thống kê, những tân GS và PGS trong bốn năm vừa qua hầu hết nằm trong lĩnh vực Toán học, sau đó đến Vật lý và Hóa học.

Trong số 42 nhà giáo được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS năm 2012, người trẻ nhất là Phùng Hồ Hải (sinh năm 1970, Toán học, được công nhận đặc cách), ba người tiếp theo là Đặng Đức Anh (sinh năm 1964, Y học), Mai Hồng Quỳ (nữ, sinh năm 1963, Luật học), Nguyễn Công Định (sinh năm 1963, Tự động hóa) và Mai Hồng Bàng (sinh năm 1962, Y học). GS cao niên nhất trong đợt năm nay là GS. NSND Nguyễn Trung Kiên (Nghệ thuật, 73 tuổi), người thầy của nhiều GS, PGS và nhiều thế hệ các nghệ sĩ nổi tiếng ở trong nước và quốc tế.

Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước cũng cho hay, hiện nay trong cả nước có khoảng 30 gia đình, bố hoặc mẹ cùng với con cùng là GS, vợ cùng với chồng đều là GS. Gia đình của tân GS Phùng Hồ Hải đã vinh dự góp mặt trong tập hợp quý hiếm này.

Trong số 427 nhà giáo được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh PGS năm nay, ba người trẻ nhất là PGS. Nguyễn Khánh Diệu Hồng (sinh năm 1981), sau đó là PGS. Đỗ Thị Hương Giang (SN 1979), Đặng Hoàng Minh (SN 1979) và Phạm Hữu Anh Ngọc - được xét công nhận đặc cách (SN 1967). PGS cao niên nhất trong đợt năm nay là Nguyễn Thị Tình, 69 tuổi.

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Đinh Thế Huynh - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh: “Hiện nay, đất nước ta đang trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, phấn đấu để cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 với mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam XHCN dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Để thực hiện mục tiêu nói trên, đội ngũ trí thức nói chung có vai trò rất quan trọng. Trong đó, các GS, PGS là lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ tri thức cho đất nước, góp phần xây dựng nên một thế hệ trẻ say mê học tập, đam mê sáng tạo, nghiên cứu khoa học, chiếm lĩnh những tri thức, làm chủ công nghệ mới, đồng thời có nhiệt huyết, khát vọng và quyết tâm đưa đất nước thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu, có thể sánh vai cùng với các cường quốc năm châu”.

Theo Dân Trí