Các trường THPT tại TP.HCM đua nước rút trước kỳ thi quốc gia

02/03/2016 11:20
Phương Linh
(GDVN) - Các trường THPT tại TP.HCM đang có những bước đua nước rút, trước khi kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 sẽ bắt đầu trong tháng 7 sắp tới.

Ngay sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố những thông tin mới nhất liên quan đến phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2016, nhiều trường THPT trên địa bàn TP.HCM đã lên nhiều kế hoạch tổ chức ôn thi, thi thử cho học sinh để làm quen.

2 tháng có đến 4 đợt tổ chức thi thử

Tại trường THPT Thành Nhân, quận Tân Phú, TP.HCM, hiện giờ thầy cô giáo và học sinh của trường đang gấp rút hoàn thành những nội dung cuối cùng của chương trình học kỳ 2, để chuẩn bị bước vào phần ôn tập thi tốt nghiệp.

Thầy Nguyễn Đình Độ - Hiệu phó trường THPT Thành Nhân giải thích: Sở dĩ có việc kết thúc chương trình sớm, là do trường học sớm hơn các trường phổ thông khác 2 tháng, đi học từ cuối tháng 6, nên mới có thể kết thúc sớm như vậy.

Học sinh của trường sẽ có nhiều thời gian để nghỉ ngơi, dành thời gian để ôn thi tốt nghiệp với các khối thi mà mình yêu thích nhiều hơn

Học xong chương trình, học sinh sẽ được nhà trường ôn thi theo khối, chủ yếu nhất vẫn là A, A1,B,C,D.

Hiệu phó trường Thành Nhân thông tin, trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6 sắp tới, học sinh lớp 12 của trường sẽ phải trải qua 4 đợt thi thử.

Cấu trúc của đề thi thử sẽ tuân theo đúng cấu trúc đề thi được qui định, tức là 60% để xét tốt nghiệp, 40% sẽ dành để xét tuyển Đại học, Cao đẳng.

Nhiều học sinh lớp 12 ở các trường đang chuẩn bị bước vào giai đoạn nước rút cho kỳ thi quốc gia (ảnh: P.L)
Nhiều học sinh lớp 12 ở các trường đang chuẩn bị bước vào giai đoạn nước rút cho kỳ thi quốc gia (ảnh: P.L)

Sau mỗi đợt thi, nhà trường sẽ dựa vào điểm thi của các em học sinh, để có sự điều chỉnh phù hợp trong cách dạy phù hợp với mỗi học sinh với từng sức học khác nhau.

Còn cô Ngô Thúy Vinh – Hiệu trưởng trường THPT dân lập Ngô Thời Nhiệm, quận 9 thì cho biết, tại thời điểm này, nhà trường bắt đầu tăng tiết học các môn mà học sinh sẽ đăng ký thi Đại học, Cao đẳng, kéo dài tới tháng 5, rồi chuyển qua ôn thi tập trung.

Trường Ngô Thời Nhiệm sẽ tổ chức 2 đợt thi thử cho học sinh vào tháng 5, 6 nhằm giúp cho các em làm quen với không khí phòng thi, cấu trúc đề thi theo quy định.

Mở lớp phụ đạo học sinh yếu

Ngược lại với các trường THPT dân lập, tư thục, các trường THPT công lập trên toàn địa bàn vẫn đang chờ các chỉ đạo mới nhất từ cơ quan quản lý ngành là Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM.

Thầy Lê Văn Phước – Hiệu trưởng trường THPT Võ Thị Sáu, quận Bình Thạnh cho biết, hiện học sinh của trường vẫn đang tiếp tục học chương trình lớp 12, học kỳ 2. Đến ngày 22/4, chương trình này mới kết thúc.

Sau đó, nhà trường sẽ tổ chức thi học kỳ 2 (theo lịch của Sở), rồi mới tổ chức định hướng, ôn thi cho học sinh, nhất là những môn thi sẽ có trong kỳ thi THPT quốc gia năm nay. Thế nhưng, tất cả sẽ tuân thủ sự chỉ đạo, hướng dẫn nghiêm ngặt của cơ quan quản lý.

Trường Võ Thị Sáu chỉ tổ chức thi thử 2 lần, vào học kỳ 1 lần và cuối học kỳ 2 một lần. Còn cho tới giờ, quá trình dạy và học tại trường vẫn diễn ra bình thường, hoàn toàn không gây bất cứ một áp lực nào cho học sinh.

Tuy vậy, nhà trường cũng vẫn phải mở 1 lớp học phụ đạo cho học sinh ngay từ đầu học kỳ 1. Những học sinh nào học lực yếu, có nguy cơ rớt tốt nghiệp đều được nhà trường cho vào 1 lớp học phụ đạo buổi tối, có tổng cộng khoảng 35 học sinh khối lớp 12.

Cũng giống như vậy, nhưng chỉ mới tổ chức lớp phụ đạo từ tháng 3 qua kết quả kỳ thi giữa học kỳ 2, cô Tô Hạ Uyên – Hiệu trưởng trường THPT Gò Vấp, quận Gò Vấp thông tin, những học sinh nào có kết quả thi giữa học kỳ dưới trung bình thì sẽ phải tham gia học lớp này.

Cùng lúc, ngay từ đầu năm, trường Gò Vấp đã tổ chức cho học sinh đăng ký học thêm theo đúng nguyện vọng của cá nhân, gồm 4 môn bắt buộc (3 môn Toán, Văn, Anh và 1 môn tự chọn) để thi tốt nghiệp, xét tuyển Đại học.

“Thế nhưng, nhà trường sẽ phải cho học sinh thay đổi môn nguyện vọng. Bởi lẽ, sau một thời gian học, các em học sinh có thể có thay đổi để phù hợp hơn với năng lực, khối thi, nên nhà trường phải có sự điều chỉnh” – cô Uyên nhấn mạnh.

Phương Linh