Cái gì cũng có thể có, trừ ...chất lượng thật

09/06/2017 07:00
Nguyễn Cao
(GDVN) - Ngành giáo dục muốn đổi mới thì việc đầu tiên phải đổi mới công tác lãnh đạo, đổi mới cách chỉ đạo, biết nhìn vào thực tế của ngành để đổi mới.

 LTS: Quý vị và các bạn đang theo dõi bài viết của tác giả Nguyễn Cao, một tác giả quen thuộc của Báo điện tử Giáo Dục Việt Nam.

Trong bài viết này, tác giả đã nêu lên quan điểm của mình về chất lượng giáo dục ở nước ta.

Theo đó, ngành giáo dục muốn đổi mới thì việc đầu tiên phải đổi mới công tác lãnh đạo, đổi mới cách chỉ đạo, biết nhìn vào thực tế của ngành để đổi mới.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Dù bất kì ở thời kì nào đi chăng nữa thì Người thầy vẫn đóng một vai trò quan trọng trong nền giáo dục nước nhà. Người thầy giỏi sẽ đào tạo được trò giỏi, sẽ tạo nên nguồn nhân lực tốt cho xã hội. 

Ngoài việc thầy giỏi thì cũng cần có lãnh đạo giỏi, biết đưa ra những chính sách vĩ mô, biết nhìn nhận thực trạng nền giáo dục để đào tạo, bồi dưỡng và đánh giá.

Vai trò của người giáo viên rất quan trọng trong nền giáo dục. (Ảnh minh họa: Báo Tuổi trẻ)
Vai trò của người giáo viên rất quan trọng trong nền giáo dục. (Ảnh minh họa: Báo Tuổi trẻ)

Tuy nhiên, cứ nhn vào những gì của ngành giáo dục Việt Nam đang triển khai thực hiện trong những năm qua, chúng ta thấy có rất nhiều điều bất ổn.

Việc hướng tới chất lượng giáo dục Việt Nam tương đồng với giáo dục hiện đại của thế giới là điều mà chúng ta phải làm để hội nhập.

Thế nhưng, thực tế thì sao? Điều kiện giáo dục Việt Nam ta hãy nhìn lại những thập niên qua sẽ thấy rất nhiều thua thiệt.

Đất nước trải qua nhiều cuộc chiến tranh vệ quốc. Sau chiến tranh lại bị cấm vận hàng chục năm trời. Nước ta rơi vào tình trạng nghèo nàn, lạc hậu.

Đời sống nhân dân gặp muôn vàn khó khăn, nhất là ngành giáo dục thì cuộc sống những năm trước đây càng khó khăn gấp bội phần.

Vì thế, mới tồn tại câu nói: “chạy cùng sào mới vào sư phạm”. 

Và, chúng ta phải đào tạo cấp tốc giáo viên, chúng ta phải mở nhiều hệ đào tạo như Từ xa, Tại chức để nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho người thầy.

Lịch sử để lại như vậy nên bài toán nhân lực của ngành sư phạm cứ dai dẳng giải quyết mãi chưa xong.

Cái gì cũng có thể có, trừ ...chất lượng thật ảnh 2

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng: Đổi mới giáo dục - Xin ghi nhớ lời căn dặn của Bác Tô

Với một bộ phận giáo viên của lịch sử để lại như thế, trong những năm qua, các trường đại học, cao đẳng sư phạm cũng không tuyển được nhiều học sinh giỏi để đào tạo. 

Chỉ vì được miễn giảm học phí nên có rất nhiều con em nông thôn, những gia đình khó khăn mới thi vào sư phạm.

Khi ra trường thì phải chạy vạy khắp nơi, phải lo lót hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu mới được đứng trên bục giảng.

Khi đứng trên bục giảng rồi thì cũng chưa yên thân khi mà nhiều địa phương đột ngột cắt hợp đồng với hàng trăm giáo viên một lúc… vì thừa.

Vậy, vì sao mà thừa, vì sao biết là thừa mà các lãnh đạo một số địa phương vẫn tuyển, vẫn gửi gắm nhau rồi “ấn” về các trường?

Những người đặt bút kí, những người tham mưu tuyển dụng chẳng lẽ lại không biết được các trường đang thừa, địa phương mình thừa giáo viên.

Vậy mà khi sự việc xảy ra, báo chí vào cuộc thì họ vẫn vô can, vẫn đổ tại lịch sử và xin rút kinh nghiệm!

Chất lượng giáo dục Việt Nam thấp, bất cập vì đâu? Chẳng lẽ lại cứ mãi đổ tại giáo viên sao?

Sách giáo khoa viết cho các cấp học phổ thông nhưng những giáo viên phổ thông không được tham dự. 

Những người viết sách đều là những chuyên gia đầu ngành nên sách họ viết ở “trên trời” còn giáo viên và học sinh là những người “hạ giới” nên nó khập khiễng ngay từ khi mới ban hành.

Những chỉnh sửa, bổ sung hàng năm cũng chẳng giải quyết được nhiều bởi càng chỉnh sửa, bổ sung càng thấy nhiều bất cập. 

Cái gì cũng có thể có, trừ ...chất lượng thật ảnh 3

"Đổi mới giáo dục và món nợ với cha ông"

Thi cử, kiểm tra thì thay đổi liên tục, mỗi đợt thay đổi, bổ sung lại tốn kém không biết bao nhiêu là tiền của của nhà nước và nhân dân nhưng rồi cũng cứ “dậm chân một chỗ”.

Bởi vì khi đánh giá, tổng kết thì toàn là những lãnh đạo nhà trường, lãnh đạo Phòng, Sở ngồi với nhau nên có mấy ai dám phản biện. Thành ra, cái nào cũng được tổng kết, đánh giá là thành công nhưng chẳng có cái nào…hiệu quả.

Mấy năm qua, Bộ yêu cầu giáo viên có chứng chỉ Ngoại ngữ, Tin học để cho đủ… chuẩn.

Thế nhưng, Bộ lại chỉ đạo một số trường, trung tâm đào tạo. Một vài bữa sau khi nộp tiền, ôn tập và kiểm tra là có bằng, có chứng chỉ nhưng thử hỏi cái chứng chỉ đó có thiết thực và cần thiết không?

Giáo viên giỏi Ngoại ngữ là tốt, là cần thiết trong xã hội hiện đại nhưng nhiều giáo viên một chữ Tiếng Anh bẻ đôi không biết thì vài ba bữa học giải quyết được vấn đề gì?

Có chứng chỉ rồi có sử dụng được không, hay chỉ để cho đủ thủ tục hồ sơ  rồi bỏ xó. Tiền giáo viên mất, một số cơ sở đào tạo có tiền, còn nhà nước mất nhiều thứ nhưng chất lượng thật thì không có gì.

Yêu cầu viết Sáng kiến kinh nghiệm, thi Giáo viên giỏi cấp Trường phải xuất phát từ tinh thần tự nguyện.

Thế nhưng một số Nghị định, Thông tư yêu cầu phải có mới được xét thi đua, được đánh giá là hoàn thành nhiệm vụ trở lên, thành ra giáo viên cũng tham gia, cũng dự thi.

Bộ biết rõ các phong trào này bất cập, giáo viên thì chán ghét nhưng nó vẫn tồn tại vì nó vẫn đang làm lợi cho một số người.

Hàng năm, ngân sách của ngành giáo dục chi trả không biết bao nhiêu là tiền cho những phong trào vô bổ này.

Vì thế, nên có thói nghịch đời là thi đạt giáo viên giỏi cấp Tỉnh vẫn phải thi giáo viên giỏi cấp Trường trong năm đó mới được xét thi đua?

Căn bệnh thành tích chúng ta đã nghe nhiều, thế nhưng có lãnh đạo nào, văn bản nào chỉ đạo là phải làm thật, báo cáo thật chưa?

Cấp trên chỉ biết phê bình đơn vị nào có tỉ lệ học sinh yếu kém cao, tỉ lệ khá giỏi thấp mà đâu có đi tìm bản chất thật của vấn đề. Vì thế, nhà trường nào cũng phải “cố gắng” để bằng các đơn vị bạn. 

Tỉ lệ khá giỏi ngày càng cao nhưng nhiều học sinh loại khá không nắm được cái “chuẩn” kiến thức trung bình mà Bộ đã ban hành.

Trong xét thi đua, trong đánh giá đảng viên thì cứ giáo viên nào có chất lượng thấp là bị gạt ra và góp ý. Vì thế, mà nhiều giáo viên chỉ còn cách là nâng điểm cho bằng mặt bằng chung của tổ, của trường.

Giáo viên dưới cơ sở họ chỉ cần có một môi trường trong sạch để công tác và cống hiến. Chế độ đãi ngộ thấp, giáo viên chúng tôi không sợ, cái sợ nhất là người thầy chúng tôi không được làm thầy đúng nghĩa.

Thấy cái chưa đúng, chưa phù hợp thì không được góp ý, thấy học sinh hư, hỗn hào không được…nói lớn vì làm như thế là “vi phạm đạo đức nhà giáo”.

Thấy học sinh học yếu mà phải nâng điểm, thấy sự giả dối mà phải đồng lõa, thấy các cuộc thi, hội thi vô nghĩa mà phải tham gia…

Có lẽ, ngành giáo dục muốn đổi mới thì việc đầu tiên phải đổi mới công tác lãnh đạo, đổi mới cách chỉ đạo, biết nhìn vào thực tế của ngành để đổi mới.

Dù có đánh tráo khái niệm như thế nào đi chăng nữa thì Người thầy vẫn đóng vai trò chủ đạo trong nhà trường để thúc đẩy chất lượng giáo dục thật. 

Còn, nếu như hiện nay, cái gì lãnh đạo cần giáo viên cũng có thể đáp ứng được, chỉ có điều chất lượng thật của giáo dục thì luôn là… giả dối!

Nguyễn Cao