Cần cấm bán SGK kèm sách tham khảo đi đôi với bình ổn thị trường sách

08/07/2022 06:38
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đại biểu Nguyễn Thị Sửu: “Cần có cam kết về việc bán sách giáo khoa cho học sinh giữa các doanh nghiệp, công ty bán sách giáo khoa và đơn vị có thẩm quyền”.

Trước thềm năm học mới, câu chuyện cung ứng sách giáo khoa, sách bài tập, sách tham khảo lại trở thành vấn đề nóng.

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng có chỉ thị yêu cầu không ép buộc học sinh, gia đình mua sách tham khảo, sách bài tập; Không thực hiện việc lập danh mục, đóng gói thành bộ sách giáo khoa kèm sách bài tập, sách tham khảo và các tài liệu khác ngoài danh mục sách giáo khoa đã được phê duyệt, lựa chọn.

Những năm qua, chúng ta đã cấm nhưng lại không quản được việc bán sách giáo khoa “bia kèm lạc”, vẫn loay hoay mãi với những giải pháp giảm “gánh nặng” sách giáo khoa cho học sinh.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An (Đại biểu Quốc hội khoá XIII) cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần rà soát, kiểm tra theo ngành dọc việc bán sách giáo khoa ở các trường học. Ảnh: Quochoi.vn

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An (Đại biểu Quốc hội khoá XIII) cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần rà soát, kiểm tra theo ngành dọc việc bán sách giáo khoa ở các trường học. Ảnh: Quochoi.vn

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An (Đại biểu Quốc hội khoá XIII) cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo ra chỉ thị cấm ép buộc học sinh, gia đình mua sách tham khảo, sách bài tập là một việc làm đáng hoan nghênh.

Tuy nhiên, qua phản ánh của báo chí, cũng phải đặt vấn đề vì sao đâu đó ở một số trường học vẫn lập danh mục không rõ ràng giữa sách giáo khoa và sách tham khảo, sách bài tập, dẫn đến việc phụ huynh phải mua sách giáo khoa “bia kèm lạc” với giá cao.

Sau khi có Chỉ thị rồi, điều cần làm là Bộ Giáo dục và Đào tạo phải rà soát, kiểm tra theo đúng ngành dọc một cách nghiêm chỉnh, nghiêm túc việc thực hiện ở tất cả các trường. Từ đó để biết được những đơn vị nào thực hiện tốt và nơi nào thực hiện chưa tốt.

Nếu trường nào vẫn lập danh mục chung sách giáo khoa lẫn sách tham khảo là đã không thực hiện đúng Chỉ thị Bộ nêu ra. Đối với những trường hợp vi phạm, cần phải công bố công khai danh tính và xử lý nghiêm.

“Việc cung ứng sách giáo khoa, sách bài tập cũng là một việc rất tế nhị trong quan hệ giữa phụ huynh và giáo viên, cho nên cần rà soát kỹ, xem xét có còn hiện tượng nào ép buộc phụ huynh, học sinh mua sách bài tập và sách tham khảo không.

Quản lý được việc bán sách giáo khoa trong nhà trường cũng chính là thể hiện được uy tín của Bộ Giáo dục và Đào tạo”, Phó Giáo sư Bùi Thị An cho biết.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Bá Thuyền, Đại biểu Quốc hội khóa XII-XIII, nguyên Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tỉnh Lâm Đồng cũng cho rằng, cần phải tăng cường quản lý, kiểm tra công tác thực hiện việc bán sách giáo khoa trong nhà trường, đồng thời cũng phải quản lý được vấn đề xuất bản sách tham khảo hiện nay.

Không thương mại hoá sách giáo khoa phổ thông

Bàn về vấn đề cung ứng sách giáo khoa, sách tham khảo, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế) nhấn mạnh, để chỉ thị, yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo đi vào thực tiễn cuộc sống thì cần phải thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra ở các địa phương, lập ban kiểm tra từ trung ương về các địa phương để quản lý việc thực hiện bán sách giáo khoa.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu cho rằng, cần có hoạt động kiểm soát các điểm cung ứng sách giáo khoa. Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu cho rằng, cần có hoạt động kiểm soát các điểm cung ứng sách giáo khoa. Ảnh: Quochoi.vn

Bộ đã có chỉ thị đến các tỉnh, thành phố thì địa phương phải thực hiện quyết liệt, cấp ủy ban nhân dân, sở giáo dục thành lập các đoàn kiểm tra chuyên ngành hoặc liên ngành để kiểm soát chặt chẽ việc bán sách giáo khoa không đúng quy định.

Bên cạnh đó cũng phải có hoạt động kiểm soát các điểm cung ứng sách giáo khoa, để học sinh có thể đến các điểm mua sách tin cậy, hạn chế việc tăng giá hoặc bán giá cao hơn giá thị trường.

Hiện nay, có một số tỉnh thành đã ban hành quyết định về việc giao đầu mối bán sách để bình ổn giá, hay như tỉnh Bình Dương đang triển khai chương trình bình ổn thị trường sách giáo khoa và dụng cụ học sinh, mục tiêu là giảm giá các mặt hàng sách giáo khoa 10% so với giá bìa, tập và dụng cụ học sinh giảm từ 10 – 15% so với giá thị trường.

Như vậy, chương trình này sẽ hỗ trợ các đối tượng nghèo được mua sách, phù hợp với thu nhập của nhiều gia đình có con em đang học hành, giúp họ giảm bớt gánh nặng chi phí.

Một vấn đề nữa là giữa các doanh nghiệp, công ty bán sách giáo khoa và đơn vị có thẩm quyền như các sở giáo dục cũng cần phải có cam kết về việc bán sách giáo khoa cho học sinh và phải thực hiện theo đúng cam kết đó, đảm bảo khách quan, minh bạch trong việc mua bán sách giáo khoa.

Đối với danh mục sách bài tập, sách tham khảo, dựa vào điều kiện của gia đình học sinh, năng lực của học sinh mà doanh nghiệp, nhà trường cần có sự tư vấn rõ ràng, thực chất. Đặc biệt các lãnh đạo trường học cũng cần có sự minh chính, có trách nhiệm tư vấn đầu sách cho học sinh sao cho phù hợp.

Tất cả phải xuất phát từ lợi ích của người học, tuyệt đối không được thương mại hoá sách giáo khoa phổ thông.

“Cùng với việc cung ứng sách giáo khoa, sách bài tập, chúng ta cũng cần lưu tâm đến câu chuyện thẩm định sách tham khảo. Vấn đề nhiều người lo ngại hiện nay là việc thẩm định sách tham khảo đang còn lỏng lẻo.

Chính vì vậy, các cơ quan quản lý phải kịp thời kiểm tra những vấn đề tồn tại của việc mua bán sách giáo khoa, sách bài tập, đặc biệt là thời điểm chúng ta chuẩn bị bước vào năm học mới để người dân yên tâm”, đại biểu Nguyễn Thị Sửu nêu rõ quan điểm.

Phạm Minh