Thầy cô tập huấn SGK "chay" chẳng khác nào "cưỡi ngựa xem hoa", khó có hiệu quả

02/07/2022 06:30
Nguyễn Nhật Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhà giáo dạy theo cảm hứng, tinh thần, nhiệt huyết của người viết sách vì học sinh, sẽ đạt mục đích cao nhất của một cuốn sách giáo khoa.

Tập huấn sách giáo khoa mới trong thời gian qua đã nhận được những ý kiến trái chiều của dư luận. Báo thanhnien.vn viết “Tập huấn sách giáo khoa: Xin đừng “cưỡi ngựa xem hoa”; Tờ kinhtedothi.vn viết “Giáo viên cầu thị, nghiêm túc trong tập huấn sách giáo khoa mới”…

Vấn đề tập huấn sách giáo khoa đã thu hút sự quan tâm của dư luận, thời gian này, các địa phương đã và đang triển khai tập huấn sách giáo khoa lớp 3, 7, 10 cho giáo viên.

Bằng trải nghiệm của bản thân người viết là một giáo viên xin chia sẻ thêm về việc triển khai tập huấn sách giáo khoa. Theo đó, kế hoạch tập huấn được sở gửi về phòng, mỗi phòng có kế hoạch cụ thể về địa điểm, thời gian cho mỗi môn học rồi gửi về trường.

Hình thức tập huấn chủ yếu trực tuyến, sử dụng phần mềm phòng họp zoom, mỗi môn học có điểm cầu tập huấn trực tuyến tại địa điểm trường chung cho cả huyện.

Phần lớn giáo viên bộ môn, tổ trưởng, nhóm trưởng chuyên môn, đều phải tham gia tập huấn, vì thế, số lượng giáo viên tập huấn có thể vài chục đến gần trăm người/môn/điểm cầu.

Tập huấn sách giáo khoa được triển khai như thế nào?

Đến giờ tập huấn, đầu cầu mở máy và truy cập vào địa chỉ phòng họp zoom đã được cung cấp, chiếu trên ti vi hoặc màn hình cho giáo viên xem báo cáo viên trình bày.

Báo cáo viên là người của nhà xuất bản sách giáo khoa, phần lớn chính là tác giả biên soạn sách, nên trình bày rất chủ động, lưu loát.

Tuy nhiên, phần lớn giáo viên tham gia tập huấn chưa có sách giáo khoa, chưa được nhà trường cung cấp, giáo viên có muốn mua sách giáo khoa cũng không có, nếu có, tiệm sách cũng không ai bán lẻ cho giáo viên.

Tập huấn sách giáo khoa, giáo viên phải “học chay” ngay từ bài khởi đầu của chương trình lớp 3, 7, 10.

Các môn của bộ sách Cánh Diều tập huấn một buổi (8 giờ đến 11 giờ 30), với bộ sách của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, như bộ Chân trời sáng tạo, tập huấn một ngày (sáng từ 8 giờ đến 11 giờ 30, chiều từ 14 giờ đến 16 giờ 30).

Ảnh minh họa: N.M

Ảnh minh họa: N.M

Giáo viên chỉ ngồi xem báo cáo viên trình bày, trình chiếu, như xem ti vi. Giáo viên tham gia tập huấn khó mà tương tác được với báo cáo viên, vì có nhiều điểm cầu cùng tham gia tập huấn, đông người, chỉ có 01 máy tính.

Người trong cuộc nói gì sau khi tập huấn sách giáo khoa mới?

Thầy Tr. (đề nghị không nêu tên) giáo viên đơn môn Lịch sử, đã dạy môn Lịch sử và Địa lý lớp 6, chia sẻ: “Đây là năm thứ hai tôi tập huấn sách giáo khoa mới. Nói thật lòng, mới đầu tôi cũng có chú ý nghe, nhưng cứ nghe báo cáo viên thuyết trình một chiều, trong lúc đó mình chưa thấy cuốn sách nó mặt mũi ra sao, nên chán.

Buổi tập huấn sách giáo khoa vì thế chẳng khác “ngồi trên máy bay xem hoa” là mấy.

Nếu hỏi tôi có cần tập huấn sách giáo khoa không? Tôi nói thật, nếu mà cứ tập huấn như thế này thì không cần, vì hiệu quả rất thấp, cứ để giáo viên nghiên cứu sách giáo khoa có khi lại hay hơn”.

Cô giáo H. (đề nghị không nêu tên) giáo viên môn Công nghệ chia sẻ: “Năm ngoái tập huấn cũng y như vậy, hiệu quả không có, lãng phí thời gian, bỏ bê công việc, nhưng phải đi.

Nếu tập huấn trực tuyến như thế này, sao bắt giáo viên chạy hơn 30 km đến điểm cầu để chỉ ngồi xem, sao không cho giáo viên link để ở nhà theo dõi, nghe rõ, có máy riêng, tương tác được?”.

Cô giáo M. (đề nghị không nêu tên) dạy Toán lại có chia sẻ: “Tôi theo dõi báo cáo viên trình bày từ đầu, cũng thấy hay hay, thấy được “sợi chỉ đỏ” của chương trình, của sách giáo khoa, nên giúp mình định hình được phương pháp dạy cụ thể hơn.

Nhưng tiếc nhất, không có sách giáo khoa để “mục sở thị”, cho mình xem trước, nếu các trường phát sách giáo khoa cho giáo viên trước khi đi tập huấn thì hay hơn”.

Một thầy giáo dạy môn Ngữ văn, tập huấn xong chia sẻ: “Thật ra quy trình dạy với lớp 7 cũng giống như lớp 6, nên tập huấn cũng tốt mà không tập huấn cũng được.

Năm ngoái còn bỡ ngỡ, năm nay thì “vô tư”, nhưng đã làm thì làm cho đến nới đến chốn, đừng làm cho có, lại gieo vào giáo viên phong cách dạy “kiểu tập huấn” thì nguy”.

Thay sách thì phải tập huấn, bồi dưỡng cho giáo viên, để giáo viên có thể dạy tốt hơn, nâng cao chất lượng dạy học.

Công tác bồi dưỡng và tập huấn giáo viên cũng là dịp để ngành giáo dục và nhà xuất bản “thị phạm” cho nhà giáo về phương pháp dạy học, nhà giáo sẽ mang “tinh thần” đó vào tiết dạy của mình.

Vì thế, bồi dưỡng và tập huấn giáo viên phải được chuẩn bị đầy đủ “đồ dùng dạy học” như sách giáo khoa …, giáo viên phải biết và “chuẩn bị bài” trước như học sinh.

Người viết đề nghị các cơ sở giáo dục phải trang bị sách giáo khoa cho giáo viên, trước khi đi tập huấn.

Báo cáo viên không cần đi sâu vào thuyết trình, truyền đạt nội dung, kiến thức sách giáo khoa, quan trọng nhất là phải truyền được cảm hứng cho nhà giáo dạy sách mình viết.

Nhà giáo dạy theo cảm hứng, tinh thần, nhiệt huyết, của người viết sách vì sự tiến bộ của học sinh, mới đạt mục đích cao nhất của sách giáo khoa.

Nếu tập huấn trực tuyến, không cần phải tập trung giáo viên tại các điểm cầu, mà cho giáo viên địa chỉ tham gia online để tự tham gia tập huấn, có như thế mới có thể tương tác, đặt câu hỏi cho báo cáo viên.

Nội dung tập huấn nên chuẩn bị sẵn video tập huấn trực tuyến trên website của nhà xuất bản, giống như một lớp học, giáo viên có thể tham gia bất cứ khi nào, thời gian nào, địa điểm nào, hàng tuần nhà xuất bản cho báo cáo viên tổng hợp, giải đáp các ý kiến của nhà giáo.

Làm được như thế sẽ lợi đôi đường, giúp giáo viên tự học, tự tìm hiểu và tương tác với tác giả viết sách trong cả năm học, chính tác giả sẽ nghe được ý kiến của giáo viên từ thực tế, từ đó có điều chỉnh phù hợp cho bộ sách tiếp theo, hoặc đính chính khi tái bản.

Ảnh chụp màn hình mục “Tập huấn” trên website của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Ảnh: Nhật Minh

Ảnh chụp màn hình mục “Tập huấn” trên website của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Ảnh: Nhật Minh

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã có mục “Tập huấn” trên website của mình, người viết đã thử tự tập huấn sách Khoa học tự nhiên 7 bộ sách Chân trời sáng tạo tại địa chỉ: https://taphuan.nxbgd.vn/giao-vien/tap-huan/492. Rất tiếc lại không có video tập huấn trực tuyến, chỉ có bản PowerPoint tập huấn sách giáo khoa, nên chưa thể tự tập huấn được.

Dù còn bất cập, chưa đáp ứng mong mỏi của thầy cô, nhưng tập huấn sách giáo khoa cũng là dịp giáo viên được nhìn thấy, nghe tác giả viết sách nói, mỗi giáo viên cần tự khắc phục khó khăn, chú ý hơn trong thời gian tập huấn, góp phần nâng cao hiệu quả của công tác tập huấn, nâng cao chất lượng dạy học sau này.

Tài liệu tham khảo:

https://thanhnien.vn/tap-huan-sach-giao-khoa-xin-dung-cuoi-ngua-xem-hoa-post1452290.html

https://kinhtedothi.vn/giao-vien-cau-thi-nghiem-tuc-trong-tap-huan-sach-giao-khoa-moi.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Nguyễn Nhật Minh