Cần xem lại trách nhiệm của Cục Nhà giáo về các thông tư xếp hạng giáo viên

14/11/2021 06:57
Lê Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chùm thông tư 01, 02, 03, 04 do Bộ Giáo dục ban hành đầu năm 2021 có quá nhiều bất cập, thiếu công bằng, thiếu minh bạch, không thể đi vào cuộc sống.

Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn ngày 11/11, chung quanh chất vấn của các đại biểu liên quan đến vấn đề biên chế giáo viên, các loại chứng chỉ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã có một số giải trình.

Về vấn đề chùm thông tư 01,02,03,04/TT-BGDĐT, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã phát biểu:

“Tôi rất mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ sớm căn cứ vào Nghị định này để rà soát và sửa đổi một cách hết sức khẩn trương đối với chùm Thông tư 01, 02, 03, 04, vì hiện nay, trong quá trình tổ chức thực hiện chúng tôi đã tiếp nhận được rất nhiều những đơn thư đề nghị từ giáo viên ở cơ sở trong việc còn những vướng mắc, bất cập, bởi vì chúng ta chưa tính đến sự chuyển tiếp đối với rất nhiều thế hệ giáo viên đào tạo qua nhiều hệ đào tạo khác nhau.

Bây giờ chúng ta căn cứ vào Luật Giáo dục mới thì chúng ta đưa ra việc đó là mầm non là phải cao đẳng và tiểu học trở lên phải tốt nghiệp đại học đại học sư phạm. Chính vì vậy mà giai đoạn thế hệ lịch sử chúng ta để lại thì nó vẫn còn những tồn tại, cho nên chúng ta phải tính toán làm sao trong quá trình chuyển hạng, trong quá trình xếp lương giáo viên làm sao đảm bảo giáo viên không thiệt thòi, tạo điều kiện cho giáo viên một cách tốt nhất.

Bên cạnh đó, trong tuyển dụng giáo viên mới, chúng ta cần phải giải quyết tiếp những tồn đọng liên quan đến số lượng giáo viên đã hợp đồng từ năm 2015 trở về trước.

Vừa qua chúng ta mới giải quyết được khoảng 50.000 thôi, nhưng vẫn còn tồn đọng lại. Tồn đọng này lại vướng chủ yếu là do việc chúng ta thực hiện chùm thông tư này, cho nên chúng tôi mong muốn để tạo cơ hội cho giáo viên đã có 10 năm, 15 năm hợp đồng trong các cơ sở giáo dục và đến bây giờ có cơ hội để được xét tuyển vào trong ngành giáo dục".[1]

Ai phải chịu trách nhiệm về những bất cập trong chùm thông tư 01, 02, 03, 04?

Có thể nói, chùm thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT sau khi ban hành, đã nhận được sự phản ứng trái chiều của dư luận xã hội về bất cập của nó nhiều nhất trong các văn bản của Bộ Giáo dục.

Nếu gõ vào Google cụm từ “bất cập của chùm thông tư 01, 02, 03, 04” có ngay 980.000 kết quả, trong vòng 0.65 giây.

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam cũng đã đăng tải nhiều bài viết về vấn chùm thông tư 01, 02, 03, 04: Bộ ra dự thảo thông tư thi/xét thăng hạng giáo viên lúc này có nên?;

Chuyển hạng, xếp lương giáo viên còn nhiều bất cập, mất công bằng; Cục Nhà giáo hướng dẫn thế này, biết bao giờ thầy cô mới được chuyển xếp lương?;

Nghịch lý xếp lương giáo viên các bậc học: dạy nhiều lương thấp, ít lương cao; Thầy giáo kiến nghị Bộ cần sửa 6 vấn đề trong các thông tư chuyển hạng xếp lương; Bộ không hướng dẫn, nếu địa phương xếp lương giáo viên sai, ai chịu trách nhiệm?

Đề nghị Bộ Giáo dục sửa thông tư, bỏ xếp đạo đức giáo viên theo hạng; Nên dừng thực hiện chuyển xếp lương nhà giáo theo chùm thông tư mới

Chính Bộ Nội vụ cũng nhận được phản hồi trái chiều từ thực tế “hiện nay, trong quá trình tổ chức thực hiện chúng tôi đã tiếp nhận được rất nhiều những đơn thư đề nghị từ giáo viên ở cơ sở trong việc còn những vướng mắc, bất cập, bởi vì chúng ta chưa tính đến sự chuyển tiếp đối với rất nhiều thế hệ giáo viên đào tạo qua nhiều hệ đào tạo khác nhau…”.

Ảnh minh họa: TTXVN

Ảnh minh họa: TTXVN

Chùm thông tư 01, 02, 03, 04 do Bộ Giáo dục ban hành đầu năm 2021 có quá nhiều bất cập, thiếu công bằng, thiếu minh bạch, không thể đi vào cuộc sống.

Vậy, ai phải chịu trách nhiệm khi tham mưu ban hành chùm thông tư 01, 02, 03, 04 này? Không khó để tìm ra cơ quan tham mưu cho Bộ trưởng ban hành các thông tư trên là Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục.

Thiết nghĩ Bộ trưởng nên chỉ đạo rà soát, chấn chỉnh lại công tác tham mưu ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục. Trong khi Bộ Nội vụ đã cố gắng giảm bớt chứng chỉ cho nhà giáo, thì Cục Nhà giáo có tham mưu cho Bộ “đẻ” thêm chứng chỉ cho nhà giáo?

Cục Nhà giáo có chậm trễ trong việc bỏ các chứng chỉ "hành" nhà giáo?

Từ cuối tháng 5/2021, Bộ Nội vụ đã có văn bản kiến nghị cắt giảm các quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức theo hướng tích hợp các chương trình bồi dưỡng có nội dung tương đồng trong cùng một nhóm ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành để tăng cường bồi dưỡng theo yêu cầu của vị trí việc làm.

Trao đổi với VietNamNet, lãnh đạo Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho hay việc sửa đổi chùm Thông tư 01, 02, 03, 04 về quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp hạng viên chức giảng dạy trong các trường công lập phải chờ Bộ Nội vụ trình Chính phủ sửa Nghị định 101 số 101/2017/NĐ-CP của về việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

Theo vị này, Bộ Nội vụ cũng đã xin ý kiến các thành viên Chính phủ và chắc trong thời gian ngắn sẽ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 101.

“Ngay khi Nghị định 101 được sửa đổi, Bộ GD-ĐT sẽ ban hành ngay các văn bản sửa đổi chùm thông tư 01, 02, 03, 04 ngay”. [2]

Ngày 18 tháng 10 năm 2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 89/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

Thế nhưng đến nay (11/11/2021) Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn chưa có văn bản dự thảo sửa đổi chùm thông tư 01, 02, 03, 04. Theo quan điểm của cá nhân người viết thì Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục đã quá chậm trễ trong việc thực hiện lời hứa của mình với các nhà giáo, việc chậm trễ này gây ra rất nhiều phiền toái lẫn bức xúc cho các thầy cô khi địa phương chuyển hạng, xếp lương theo các thông tư mới, mỗi nơi hiểu và làm một kiểu.

Đôi điều kiến nghị

Các thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT có nhiều bất cập khi thực hiện áp dụng vào thực tế, chính vì vậy, các địa phương mong chờ Bộ có hướng dẫn chi tiết, trên bình diện cả nước, tránh khiếu kiện về sau; phần lớn đang thực hiện chuyển đổi, nhưng chưa áp dụng vào thực tế

Vì thế, người viết cho rằng Bộ trưởng nên chỉ đạo dừng thực hiện các thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT đã ban hành, chờ sửa đổi chùm thông tư 01, 02, 03, 04 theo Nghị định số 89/2021/NĐ-CP mới thực hiện.

Khi sửa đổi chùm thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT, Bộ nên lắng nghe ý kiến của dư luận, ý kiến của giáo viên từ thực tế và ý kiến của Bộ trưởng Bộ Nội vụ “chúng ta phải tính toán làm sao trong quá trình chuyển hạng, trong quá trình xếp lương giáo viên làm sao đảm bảo giáo viên không thiệt thòi, tạo điều kiện cho giáo viên một cách tốt nhất. Bên cạnh đó, trong tuyển dụng giáo viên mới, chúng ta cần phải giải quyết tiếp những tồn đọng liên quan đến số lượng giáo viên đã hợp đồng từ năm 2015 trở về trước”.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://giaoduc.net.vn/tieu-diem/bo-noi-vu-de-nghi-bo-giao-duc-het-suc-khan-truong-sua-thong-tu-01-02-03-04-post222348.gd

[2]https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/bao-gio-bo-chung-chi-chuc-danh-nghe-nghiep-cho-giao-vien-784073.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Lê Mai