Phó giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Kim Sơn nhận nhiệm vụ Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trong hoàn cảnh ngành còn rất nhiều bộn bề, khó khăn.
Trong vòng chưa đầy 3 tháng, Bộ trưởng đã lắng nghe dư luận và có những quyết định kịp thời trong việc giải quyết một số bất cập của ngành như tạm dừng đánh giá chuẩn nghề nghiệp giáo viên theo Thông tư 20/2020, xem xét lại việc thực hiện mẫu giáo án theo Công văn 5512…
Là những người đang trực tiếp đứng lớp giảng dạy, chúng tôi thật sự biết ơn Bộ trưởng đã lắng nghe tâm tư nguyện vọng của các thầy cô giáo ở các địa phương trên cả nước.
Thông qua bài viết này, chúng tôi cũng mong muốn Bộ trưởng tiếp tục có những chỉ đạo điều chỉnh kịp thời một vấn đề bất cập trong thời gian qua, đó là những bất cập trong chùm thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 02/02/2021.
Có thể nói rằng ngay từ khi mới ra đời, các thông tư này đã mang một tin vui lớn đến cho giáo viên, đó là việc bỏ quy định về chứng chỉ tin học, ngoại ngữ đối với giáo viên các cấp.
Tuy nhiên sau đó hàng loạt bất cập về tính công bằng của thông tư đã lộ rõ và được các nhà giáo, nhà quản lý giáo dục phản ánh trên các diễn đàn, báo chí.
(Ảnh minh họa: Lã Tiến) |
Những bất cập khi áp dụng chùm thông tư này
Thứ nhất, giáo viên cấp trung học phổ thông sẽ bị thiệt thòi về lương khi chuyển sang mã số mới.
Người viết cho rằng, lâu nay giáo viên trung học phổ thông được xem là lực lượng có trình độ đào tạo cao nhất, chất lượng nhất trong số giáo viên phổ thông.
Theo thông tư liên tịch số 23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV, hầu hết giáo viên trung học phổ thông hiện nay đều xếp hạng III (mã số: V.07.05.15) và cùng hệ số lương với giáo viên tiểu học hạng II (mã số: V.07.03.07), giáo viên trung học cơ sở hạng II (mã số: V.07.04.11) (từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98).
Tuy nhiên khi chuyển sang thực hiện chùm thông tư ngày 02/02/2021 thì hệ số lương của giáo viên cấp trung học phổ thông không có sự thay đổi, còn giáo viên tiểu học hạng II, trung học cơ sở hạng II sẽ được chuyển sang một ngạch cao hơn (hệ số lương từ 4,0 đến 6,38).
Đây là một sự bất hợp lý rất lớn khi đối chiếu về quyền lợi của giáo viên trung học phổ thông so với giáo viên hai cấp học phổ thông còn lại.
Thứ hai, quy định về việc xuống hạng của giáo viên trung học cơ sở hạng I (mã số: V.07.04.10) không có trình độ thạc sĩ.
Năm 2018, lần đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức kỳ thi thăng hạng từ hạng II lên hạng I cho cán bộ quản lý, giáo viên phổ thông.
Đây là một kỳ thi rất nghiêm túc sau những lùm xùm của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia ở một số tỉnh.
Những người tham gia dự kỳ thi này đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ theo Thông tư số 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16 tháng 9 năm 2015.
Cũng cần nói thêm rằng những tiêu chuẩn về chuyên môn nghiệp vụ của thông tư này cao hơn so với các tiêu chuẩn của Thông tư 03/2021 ngày 02/02/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Sau kỳ thi này, những thí sinh trúng tuyển đã được Ủy ban nhân dân các tỉnh tiến hành bổ nhiệm và tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng trong các hoạt động chuyên môn của ngành giáo dục địa phương.
Tuy nhiên, tại hướng dẫn của Thông tư 03/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở có quy định đối với giáo viên trung học cơ sở hạng I phải “Có bằng thạc sĩ trở lên thuộc ngành đào tạo giáo viên đối với giáo viên trung học cơ sở hoặc có bằng thạc sĩ trở lên chuyên ngành phù hợp với môn học giảng dạy hoặc có bằng thạc sĩ quản lý giáo dục trở lên”, điều này đồng nghĩa với việc những giáo viên trung học cơ sở hạng I hiện nay nếu chưa có bằng thạc sĩ sẽ được bổ nhiệm vào hạng II (rớt hạng).
Trong khi đó, hiện nay chưa có một văn bản quy phạm pháp luật nào quy định định về trường hợp xuống hạng của viên chức khi đang làm cùng một nhiệm vụ.
Từ đó cho thấy kỳ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ hạng II lên hạng I năm 2018 cho giáo viên cấp trung học cơ sở (chưa có trình độ thạc sĩ) do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức đã hoàn toàn vô nghĩa, gây nhiều tốn kém, lãng phí.
Thứ ba, đó là những tồn tại về chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên. Ngay khi các thông tư này ra đời, hàng loạt bài báo, ý kiến của các nhà giáo trên cả nước đã phản ánh về những tồn tại trong việc đào tạo, bồi dưỡng chứng chỉ chức danh nghề nghiệp ở các địa phương.
Sau đó Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành công văn số 971/BGDĐT-NGCBQLGD ngày 12/3/2021 về việc triển khai thực hiện mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập.
Mới đây nhất, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có văn bản số 1242/BGDĐT-NGCBQLGD, ngày 31 tháng 3 năm 2021 do Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng kí báo cáo Thủ tướng Chính phủ về các loại chứng chỉ bồi dưỡng đối với viên chức ngành Giáo dục và Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã có ý kiến đồng ý về những vấn đề có liên quan đến đề nghị của Bộ Nội vụ về các loại chứng chỉ bồi dưỡng đối với công chức, viên chức.
Trong khi chờ Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa thông tư, tại một số địa phương, một số cơ sở giáo dục vẫn yêu cầu giáo viên tiếp tục hoàn thiện, bổ sung các chứng chỉ chức danh nghề nghiệp theo quy định của chùm thông tư ngày 02/02/2021.
Nhiều giáo viên băn khoăn không biết nên đi học hạng chứng chỉ nào khi mà những hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn chưa thật sự rõ ràng.
Những đề xuất khi thực hiện chùm thông tư ngày 02/02/2021
Hiện nay hầu hết các địa phương trên cả nước vẫn chưa thực hiện việc chuyển xếp lương theo tinh thần của chùm thông tư ngày 02/02/2021.
Sắp tới, khi sửa đổi chùm thông tư này, chúng tôi kiến nghị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo một số việc sau đây:
Một là, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục rà soát và phối hợp với Bộ Nội vụ để giảm chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên ở các cấp theo hướng tinh giản, phù hợp.
Hiện nay khi Chính phủ có ý kiến đồng ý về việc giảm số lượng chứng chỉ chức danh nghề nghiệp trong ngành giáo dục thì hầu hết giáo viên đã học xong các chứng chỉ này.
Vì vậy để tránh trường hợp giảm chứng chỉ này lại phát sinh ra các loại chứng chỉ mới, chúng tôi đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép giáo viên hiện đang ở hạng nào thì phải có chứng chỉ hạng đó.
Ví dụ: giáo viên đang ở hạng I thì phải có chứng chỉ hạng I, nếu chuyển sang mã số mới là hạng II thì cũng không cần học chứng chỉ chức danh hạng II.
Đối với những giáo viên hiện chưa có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, ngành giáo dục nên tổ chức học trực tuyến, học viên không phải đóng học phí.
Đối với sinh viên các ngành sư phạm nên có một chương trình bồi dưỡng về chức danh nghề nghiệp giáo viên do trường đại học sư phạm đang đào tạo cấp và không phải đóng học phí.
Khi sinh viên ra trường, cùng với tấm bằng chuyên ngành sư phạm, các em sẽ không phải lo lắng về chứng chỉ chức danh nghề nghiệp.
Hai là, sửa lại quy định của Thông tư 03/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép giáo viên trung học cơ sở hạng I (mã số V.07.04.10) không có trình độ thạc sĩ được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng I (mã số V.07.04.30).
Còn quy định trình độ thạc sĩ đối với giáo viên hạng I chỉ áp dụng khi chùm thông tư này có hiệu lực thi hành.
Theo thống kê của Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục thì hiện nay giáo viên hạng I chiếm tỉ lệ rất ít, khoảng 1.500 người bao gồm cả những người có trình độ thạc sĩ (cấp Trung học cơ sở có khoảng 0,5% so với tổng số giáo viên cấp Trung học cơ sở, cấp Trung học phổ thông có khoảng 0,16% so với tổng số giáo viên Trung học phổ thông).
Đây là nguyện vọng tha thiết của những giáo viên đã tham gia và trúng tuyển trong kỳ thi thăng hạng năm 2018 do chính Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.
Nếu không sửa được quy định này thì số giáo viên trung học cơ sở hạng I trên cả nước sẽ giảm hơn một nữa. Điều này cho thấy giáo viên trung học cơ sở hạng I vốn đã ít, nay lại càng hiếm hơn.
Ba là, để đảm bảo quyền lợi cho giáo viên trung học phổ thông nên chăng Bộ Giáo dục và Đào tạo nên quy định 3 hạng giáo viên sau đây:
Đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông sẽ được xếp thành 2 hạng (hạng I, II,). Hạng I (hệ số lương từ 4,4 – 6,78), hạng II (hệ số lương từ 2,34 – 4,98).
Đối với giáo viên mầm non sẽ có 3 hạng (hạng I, hạng II, hạng III). Hạng I (hệ số lương từ 4,4 – 6,78), hạng II (hệ số lương từ 2,34 – 4,98), hạng III (hệ số lương từ 2,1 – 4,89).
Việc bổ nhiệm và xếp lương từ mã số cũ sang mã số mới như sau:
Đối với giáo viên trung học cơ sở hạng I (mã số: V.07.04.10), trung học phổ thông hạng I (mã số: V.07.05.13), trung học phổ thông hạng II (mã số: V.07.05.14) được bổ nhiệm sang giáo viên trung học cơ sở hạng I, trung học phổ thông hạng I có hệ số lương từ 4,4 – 6,78.
Đối với giáo viên mầm non hạng II (mã số: V.07.02.04), tiểu học hạng II (V.07.03.07), tiểu học hạng III (V.07.03.08), trung học cơ sở hạng II (V.07.04.11), trung học phổ thông hạng III (V.07.05.15) được bổ nhiệm sang mã số của giáo viên mầm non hạng II, tiểu học hạng II, trung học cơ sở hạng II, trung học phổ thông hạng II có hệ số lương từ 2,34 – 4,98.
Trên đây là những đề xuất về việc sửa chùm thông tư ngày 02/02/2021. Chúng tôi rất mong chờ Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, điều chỉnh hợp lý, tạo động lực để lực lượng giáo viên yên tâm, phấn đấu, cống hiến trong công tác.