Chăm lo đời sống thầy cô theo hiệu quả lao động (3)

23/01/2020 08:01
Phó Giáo sư Đoàn Văn Điện
(GDVN) - Làm thế nào cho người làm thầy toàn tâm toàn ý vào công việc dạy học và nghiên cứu thì cần phải có sự phân phối công bằng trong cống hiến và hưởng thụ.

LTS: Tiếp tục loạt bài bàn về người thầy trong cuộc cách mạng 4.0, Phó giáo sư Đoàn Văn Điện, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Nông lâm thành phố Hồ Chí Minh đã đưa ra nhiều giải pháp để xây dựng đội ngũ giảng viên đại học cũng như chăm lo đời sống của các thầy cô.

Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng giới thiệu đến độc giả.

Tuyển chọn người tài

Trong các trường đại học, giảng viên là nhà khoa học, nắm vững các phương pháp khoa học về giảng dạy và giáo dục;

Biết sử dụng thành thạo các phương tiện kỹ thuật trong giảng dạy, thường xuyên rèn luyện để nâng cao nghiệp vụ giảng dạy của mình, tham gia tích cực vào nghiên cứu khoa học và đời sống xã hội.

Cần chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người thầy. Ảnh: TT
Cần chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người thầy. Ảnh: TT

Theo tôi, đội ngũ giảng viên đại học phải có lòng yêu nước gắn bó với đất nước, với sự nghiệp giáo dục và phải có trình độ "giảng viên quốc tế".

Muốn thế, việc chọn người làm giảng viên cần đạt các chuẩn về đạo đức và chuyên môn. Chỉ giữ lại những sinh viên tốt nghiệp ra trường xuất sắc cả về nhân cách và kiến thức chuyên môn, tiếp theo phải hoàn thành chương trình Thạc sĩ, Tiến sĩ.

Điều này phụ thuộc vào hai yếu tố, đó là giáo dục lòng yêu quê hương đất nước ngay từ bé, tiếp tục giáo dục nhân cách sống là người Việt Nam. Và phải có tư chất thông minh, có ý chí phấn đấu, chịu khó học hỏi, nghiên cứu.

Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học

Ngày xưa ngành Sư phạm được chọn lọc kỹ để có thể xứng đáng làm người thầy. Nên học tập việc xây dựng đội ngũ người thầy của Nhật Bản (nhất là sau năm chiến tranh thế giới lần thứ hai).

Dĩ nhiên đội ngũ giảng viên đại học thường tự chọn từ nguồn trường, nguồn ngoài nước và trong nước.

Đồng thời, giảng viên cần thời gian tập sự đủ dài để hoàn thiện các nội dung cần thiết cho một giảng viên đại học.

Cụ thể như: hoàn thiện ngoại ngữ (chủ yếu tiếng Anh), biết cách soạn bài giảng, hướng dẫn phòng thí nghiệm, trợ giảng cho các Giáo sư, có thể hướng dẫn sinh viên làm đề án môn học…

Việc nhận những tài năng bên ngoài và cơ hữu hoặc thỉnh giảng vào trường cũng cần theo nguyên tắc đó.

Trả lương theo năng suất lao động

Về chăm lo đời sống các thầy cô nên xét theo hiệu quả lao động của từng người. Cụ thể, về đời sống tinh thần thì cần tạo điều kiện tối ưu để thầy cô có thể phát huy hết khả năng của mình trong công việc. 

Trong đó, cơ sở vật chất của nhà trường phải có đủ điều kiện cho đội ngũ giảng viên hoạt động khoa học: giảng dạy và nghiên cứu; phải có đề tài nghiên cứu...

Bao giờ giáo viên sống được bằng lương và nghề nào mới là nghề chính?

Nhà trường hợp tác với các cơ sở khoa học trong nước bằng việc giúp nhau nâng cao trình độ khoa học, bằng những chương trình hoặc đề tài phối hợp nghiên cứu, bằng việc sử dụng chung phòng thí  nghiệm.... 

Hợp tác với các đại học và viện nghiên cứu nước ngoài (mời Giáo sư ngoài đến giảng dạy và nghiên cứu, nhận những chương trình nghiên cứu phối hợp giảng viên tham gia;

Đưa giảng viên ra làm việc giảng dạy và nghiên cứu ở ngước ngoài có thời hạn, phối hợp mở các lớp quốc tế ....).

Đây cũng chính là một cách làm có tác dụng thu hút nhân tài và nâng cao trình độ quốc tế cho giảng viên.

Kinh nghiệm tại Đại học Nông lâm thành phố Hồ Chí Minh, trong vòng 4 năm (1989-1993) chúng tôi đã đưa các chương trình hợp tác nước ngoài từ 1 lên trên 50.

Nhờ đó, đưa được tỷ lệ giảng viên sau và trên đại học từ 8% lên trên 40%, và hầu hết các anh chị tham gia đã thông thạo dần tiếng Anh.

Nhận những chương trình nghiên cứu lý thuyết hoặc nghiên cứu ứng dụng với các cơ sở sản xuất trong nước. Việc làm này vừa giúp nâng cao trình độ khoa học vừa giúp cải thiện thu nhập cho cuộc sống vật chất.

Cần có quy định kế hoạch bồi dưỡng, thời gian hoàn thành, thành chuẩn khi xét hết thời gian trợ giảng. Cố gắng cho giảng viên được nâng cao trình độ và tham gia giảng ở các Đại học lớn của các nước phát triển.

Về đời sống vật chất thì phải làm thế nào cho người làm thầy toàn tâm toàn ý vào công việc dạy học và nghiên cứu? Đây là sự phân phối công bằng trong cống hiến và hưởng thụ.

Thực tế đời sống của giáo chức còn nhiều khó khăn, vất vả. Nhiều nhà giáo không sống nổi với nghề vì kinh tế khó khăn, không đủ nuôi sống gia đình.

Khuyến khích học sinh giỏi, có tố chất, đam mê... chọn học làm thầy

Thầy giáo là những người có nhân cách không đòi hỏi sự ưu đãi vượt quá khả năng lao động của mình và quá khả năng thực tế của đất nước. Nhưng cần đòi hỏi sự công bằng, như Bác Hồ từng dạy "Không sợ thiếu chỉ cần sợ không công bằng!".

Mặt khác, thu nhập của thầy cô có thể bằng con đường nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật với những chương trình hoặc đề tài áp dụng vào sản xuất.

Chỉ khi nào hai điều kiện đó được thỏa mãn về cơ bản thì mới có thể xây dựng đội ngũ giảng viên ổn định đạt chuẩn giảng viên trong thời đại hội nhập.

Tóm lại về phần đội ngũ giảng viên, theo tôi, xây dựng đội ngũ giảng viên đại học có trình độ quốc tế không khó, chỉ cần đảm bảo cho họ được quyền làm chủ đại học của mình.

(*): Tít chính và tít phụ do Tòa soạn đăt.

Phó Giáo sư Đoàn Văn Điện