Nhà giáo đại học trong thời đại 4.0 phải dạy học sao cho khác và hơn robot

08/01/2020 06:17
Giáo sư Lâm Quang Thiệp (lược ghi)
(GDVN) - Vậy thì trong thời đại chuyển đổi số, việc dạy và học cần được thay đổi theo hướng “phải dạy học sao cho khác và hơn robot”.

LTS: Vừa qua, Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Đông tổ chức tọa đàm khoa học với chủ đề: “Người thầy trong giáo dục đại học của thời kỳ hội nhập”.

Chủ đề này đã thu hút sự tham gia, tranh luận của nhiều học giả, các chuyên gia về giáo dục trong việc định hình người thầy thời đại 4.0.

Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng gửi đến độc giả loạt bài của các chuyên gia về vấn đề này.

Tòa soạn trân trọng giới thiệu bài viết đầu tiên trong loạt bài này của Giáo sư Lâm Quang Thiệp - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo).

Nhà giáo đại học phải làm gì trong thời đại mới?

Công nghệ trong thời chuyển đổi số đang tạo nhiều cơ hội cho nhà giáo đại học, nhưng cũng đặt họ trước những thách thức mới. Vậy nhà giáo đại học phải làm gì trước tình hình đó?

Giáo sư Lâm Quang Thiệp cho rằng, người thầy trong thời đại 4.0 “phải dạy học sao cho khác và hơn robot”.Ảnh: TT
Giáo sư Lâm Quang Thiệp cho rằng, người thầy trong thời đại 4.0 “phải dạy học sao cho khác và hơn robot”.Ảnh: TT

Để đáp ứng những thách thức đó, theo chúng tôi, nhà giáo đại học phải thể hiện ở hai khía cạnh. Một là tận dụng khai thác những ưu thế của thời chuyển đổi số; Hai là tìm cách thích nghi với những thành tựu của thời chuyển đổi số.

Trong những năm qua, trên thế giới đã ra đời nhiều hoạt động, mô hình nhằm khai thác những ưu thế của chuyển đổi số để triển khai giáo dục đại học.

Theo đó, giáo dục đại học nên cung cấp những nhận thức về việc chuyển đổi số và chuẩn bị kỹ năng lao động mới; Rèn luyện tư duy và phương pháp làm việc dựa vào dữ liệu (data-driven). Đồng thời, thay đổi chương trình đào tạo sao cho phù hợp với nền kinh tế số, chính phủ số, xã hội số.

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng bàn về người thầy trong thời đại mới (1)

Nếu việc khai thác ưu thế của thời chuyển đổi số không đơn giản, thì sự thích nghi với những thành tựu của nó cũng rất phức tạp. Muốn thích nghi tốt phải xây dựng lại hoặc điều chỉnh mục tiêu, nội dung, phương pháp dạy và học trong giáo dục đại học.

Có thể nói công nghệ cao nhất thời chuyển đổi số là trí tuệ nhân tạo. Với thành tựu của trí tuệ nhân tạo và công nghệ học máy, người ta có thể thiết kế ra các robot làm được rất nhiều việc khác nhau và trong lĩnh vực giáo dục, có thể tạo nên các robot dạy học.

Vậy thì trong thời đại chuyển đổi số, việc dạy và học cần được thay đổi theo hướng “phải dạy học sao cho khác và hơn robot”. 

Nếu dạy học theo kiểu cung cấp thông tin, “thầy đọc – trò chép” thì rõ ràng robot làm tốt hơn nhà giáo bình thường rất nhiều.

“Không thầy đố mày làm nên” có còn đúng?

Nhà giáo đại học hiện nay không còn là người truyền thụ kiến thức mà là người hỗ trợ hướng dẫn tìm, chọn và xử lý thông tin.

Để nhấn mạnh sự thay đổi vai trò của nhà giáo đại học, trong nhiều tài liệu nước ngoài người ta đề nghị thay từ instructor (người dạy) bằng facilitator (người thúc đẩy).

Bỏ quên vị thế người thầy

Từ đó có người hỏi: vậy thì vị trí của nhà giáo trong thời đại mới như thế nào, họ có bị “ra rìa” không, câu ngạn ngữ “không thầy đố mày làm nên” của dân ta có còn đúng nữa không?

Chúng tôi cho rằng vai trò của nhà giáo đại học thay đổi nhưng vị trí của nhà giáo hoặc là không đổi, hoặc là được nâng cao hơn so với trước đây, nếu nhà giáo thoả mãn được những đòi hỏi của thời đại mới.

Trong khi nhấn mạnh đến tầm quan trọng của giáo dục từ xa, hội nghị Paris về giáo dục đại học cho rằng trong giáo dục phương thức giáo dục mặt đối mặt vẫn chiếm vị trí hàng đầu.

Tác dụng của sự tương tác trong việc dạy và học luôn luôn được nhấn mạnh. Trong mối tương tác đó, vị trí của một đối tác có bề dày về kinh nghiệm sống, kinh nghiệm chọn nhập và xử lý thông tin sẽ nổi trội. 

Sự đóng góp của đối tác đó trong quá trình học sẽ rất lớn không phải bằng sự độc quyền có tính đẳng cấp về thông tin và tri thức, mà bằng trí tuệ và sự từng trải của mình.

Nhà giáo đại học có thể và cần phải khẳng định vị trí của mình trong các mối tương tác đó. Nhà giáo đại học hiện nay có sứ mạng đi đầu để chuẩn bị cho cuộc cách mạng thực sự về giáo dục như đã dự báo.

Vai trò tiên phong đó sẽ nâng vị trí của nhà giáo đại học lên rất nhiều so với trước đây. Với cơ hội mà công nghệ thông tin đưa lại, những kinh nghiệm và ý tưởng sáng tạo thật sự có giá trị của bất kỳ một cá nhân nhà giáo nào cũng dễ dàng được truyền bá rộng rãi đến số lượng người học đông hơn nhiều so với trước đây.

Đào tạo giáo viên phải coi trọng rèn nghề, thực hành sư phạm

Nó không chỉ giới hạn trong bốn bức tường lớp học mà có thể lan rộng ra cả nước và thậm chí vượt qua mọi biên giới quốc gia. Điều đó làm cho vị trí của nhà giáo đại học thật sự được nâng lên cao hơn nhiều so với trước đây.

Rõ ràng là vị trí của nhà giáo đại học trong thời đại thông tin không hề giảm, và có cơ hội tăng lên.

Tuy nhiên việc có giữ vững và nâng cao được vị trí đó hay không còn tuỳ thuộc vào sự phấn đấu của bản thân từng nhà giáo để đáp ứng được yêu cầu của thời đại mới.

Chúng ta có thể hy vọng, trước những cơ hội và thách thức của thời đại hội nhập, đa số nhà giáo đại học chúng ta sẽ không bị “ra rìa”.

Giáo sư Lâm Quang Thiệp (lược ghi)