Tôi gặp Giang Quốc Hoàn – sinh viên năm ba Cơ điện tử, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội vào những ngày tháng 3 khi Hoàn vừa trở lại học tập ở trường sau thời gian dài nghỉ phòng dịch Covid-19.
Qua lời Hoàn kể, tôi được biết cậu sinh viên quê Ninh Bình rất xuất sắc từ khi còn là học sinh trung học phổ thông. Giang Quốc Hoàn từng đoạt giải Nhất cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức năm 2017-2018 với dự án “Robot thí nghiệm Hóa học” trong lĩnh vực robot và máy thông minh, lọt vào vòng thi chọn đội tuyển dự thi quốc tế, được xét tuyển thẳng đại học.
Khi được xét tuyển thẳng, Hoàn định chọn một trường sĩ quan quân đội nhưng sau suy nghĩ muốn học một trường công nghệ kỹ thuật hàng đầu Việt Nam, Hoàn đã quyết định ghi danh vào Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cùng với một lý do khác thú vị nữa là trước đây khi còn rất nhỏ được lên Hà Nội đi ngang qua nhìn thấy cổng chào hình Parabol ở mặt đường Giải Phóng đã để lại ấn tượng sâu sắc về ngôi trường này.
Giang Quốc Hoàn – sinh viên năm ba Cơ điện tử, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội (ảnh: NVCC) |
Về lý do đam mê khoa học kỹ thuật thì Hoàn kể, khi còn nhỏ nếu các bạn cùng trang lứa sẽ mua đồ chơi thì em lại tự mày mò làm đồ chơi cho chính mình từ đục khoét cái thuyền, chiếc hộp…thậm chí đồ trong nhà hỏng, em cũng thích sửa và tự sửa, đến mức có đồ không hỏng cũng tìm cách tháo ra tra vào để tìm hiểu nguyên lý hoạt động của nó. Cứ như thế, niềm đam mê môn học Vật lý rồi lĩnh vực kỹ thuật cứ thế lớn dần lên.
Dù dự án “Robot thí nghiệm Hóa học” lọt vào vòng thi chọn đội tuyển dự thi quốc tế nhưng Hoàn đã lỡ một lần đi Mỹ bởi khả năng tiếng Anh chưa đáp ứng yêu cầu. Chính vì vậy, bước vào giảng đường đại học, dưới sự hướng dẫn của các thầy cô Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Hoàn tiếp tục nâng cấp sản phẩm robot này, nhờ vậy, ngay năm thứ nhất ở trường, Giang Quốc Hoàn đã tham dự cuộc thi Sáng tạo trẻ toàn quốc, vinh dự đoạt giải Nhất.
Được biết, Quốc Hoàn cùng một người bạn học tại Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) nghiên cứu chế tạo “Robot thí nghiệm Hóa học” (Robot Chemical Experiment) - robot phục vụ giáo viên và học sinh học tập, thí nghiệm Hóa học tự động một cách hiệu quả, an toàn nhất được điều khiển qua phần mềm máy tính và điện thoại đi dộng…
Do yếu tố nguy hiểm khi thí nghiệm hóa học nên sản phẩm đã sử dụng cánh tay robot được lập trình và điều khiển qua phần mềm máy tính để tiến hành thí nghiệm. Học sinh, giáo viên sẽ nhập thể tích hóa chất trên phần mềm để điều khiển, hệ thống sẽ bơm hóa chất vào ống thí nghiệm, sau đó nhập tên các hóa chất, phần mềm sẽ hiển thị kết quả sản phẩm, hiện tượng và cả cảnh báo đối với các chất/sản phẩm độc hại. Cánh tay robot sẽ tự động gắp các ống thí nghiệm đổ chung vào lọ thí nghiệm đặt trên bệ xoay li tâm, bệ xoay li tâm sẽ hòa trộn hóa chất.
Đến năm học thứ hai, dự án của Hoàn được chọn là 1 trong 6 đề tài đại diện Việt Nam dự Triển lãm Sáng tạo trẻ quốc tế tổ chức tại Indonesia. Để chuẩn bị hành trang “đem chuông đi đánh xứ người” Hoàn đã phải nỗ lực tập trung học tiếng Anh vì đã rất tiếc nuối khi lỡ một lần đi Mỹ. Thời gian thi đấu, vốn tiếng Anh của Hoàn đã tăng thêm bởi ngày nào cũng sử dụng ngoại ngữ để trao đổi chuyên môn, thuyết trình trước Ban Giám khảo.
Và rồi niềm hạnh phúc dâng trào khi được xướng tên nhận giải thưởng. Bước lên bục vinh quang nhận Huy chương Đồng mang trên vai lá cờ Tổ quốc, giây phút đó khiến Quốc Hoàn vô cùng xúc động và tự hào. Ngoài ra, Quốc Hoàn còn vinh dự được nhận một giải đặc biệt do Liên hiệp Khoa học, Công nghệ và Sáng tạo Malaysia trao tặng.
Dự án của Hoàn (ngoài cùng bên phải, hàng đầu tiên) được chọn là 1 trong 6 đề tài đại diện Việt Nam dự Triển lãm Sáng tạo trẻ quốc tế tổ chức tại Indonesia và đạt Huy chương Đồng (ảnh:NVCC) |
Ít ai biết, đằng sau tấm huy chương danh giá là những vất vả, lo lắng khi Quốc Hoàn vừa chăm bố ốm, vừa chuẩn bị hành trang đi thi.
Hoàn kể, gần ngày lên đường dự thi, bố của Quốc Hoàn phải nằm viện tại Bệnh viện Bạch Mai. Hoàn chạy đi chạy lại giữa trường học và bệnh viện chăm sóc bố. Nhưng rất may, đến ngày Hoàn chuẩn bị đi thi đấu quốc tế, bố Hoàn được xuất viện. Giải tỏa được tâm lý, Hoàn quyết tâm tập trung cho cuộc thi.
“Em còn nhớ như in, khi hoàn thành cuộc thi và bay về nước, về đến nhà là 3h sáng. Lúc đó bố vẫn đợi em về, cứ ngỡ sức khỏe bố ổn hơn. Nhưng ăn tết xong thì bố ốm nặng, khoảng thời gian giãn cách xã hội năm 2020 do dịch Covid-19 lại chính là cơ hội giúp gia đình em có thời gian bên nhau để cùng chăm sóc bố nhưng sau đó bố vẫn không qua khỏi. Đó là khoảng thời gian thật đắt giá đối với em và khiến em mạnh mẽ vượt qua mọi thứ, cố gắng học hành để không phụ lòng mong mỏi của bố”, Hoàn nhớ lại.
Trở về sau cuộc thi quốc tế, năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát, tất cả các sinh viên đều nghỉ dịch học online tại nhà thì Nhóm sinh viên nghiên cứu trong phòng LAB của Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Kiên- Phó trưởng bộ môn công nghệ chế tạo máy của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và là chuyên gia của Bộ Khoa học và Công nghệ, được thầy giao nhiệm vụ tìm hiểu, lựa chọn một đề tài để nghiên cứu, giúp ích cho cộng đồng trong giai đoạn cấp thiết đó.
Dưới sự hướng dẫn của thầy và xuất phát từ ý tưởng về một sản phẩm giúp việc rửa tay diệt khuẩn tại nơi công cộng đỡ mất nhiều công sức mà Hoàn cùng một nhóm bạn đều là sinh viên năm hai trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã cho ra đời chiếc máy rửa tay tự động.
Chia sẻ về ý tưởng chế tạo ra chiếc máy rửa tay tự động này, Hoàn kể về việc nhóm em thấy công đoạn rửa tay diệt khuẩn của bạn bè khi trở lại trường quá mất công nên quyết định bắt tay vào chế tạo sản phẩm này.
Chiếc máy sát khuẩn tự động do Hoàn và các bạn trong LAB chế tạo (ảnh:NVCC) |
Với tiêu chí là một chiếc máy nhỏ nhẹ, dễ sử dụng, dễ vận chuyển, nhóm đã tạo ra một chiếc máy rửa tay hoạt động bằng điện và rất dễ dàng cho người dùng. Cơ chế của máy dựa trên một cảm biến hồng ngoại, khi người sử dụng đưa tay vào máy, bơm áp lực sẽ đẩy dung dịch sát khuẩn ra dưới dạng sương mù.
Quá trình hoạt động và dừng của máy bơm hoàn toàn tự động theo cảm biến hồng ngoại gắn ngoài máy giúp người sử dụng vừa rửa sạch tay mà không cần nhấn bất cứ một nút nào tránh tiếp xúc với bề mặt máy.
Không chỉ dừng ở một sản phẩm thô, nhóm sinh viên này còn tiếp tục hoàn thiện khi cho ra đời "phiên bản 2, phiên bản 3" của cỗ máy trên. So với bản đầu tiên, phiên bản 2, phiên bản 3 nhỏ gọn hơn, có thể treo tường và có thể đưa vào sử dụng rộng rãi ở tất cả mọi địa điểm công cộng. Phiên bản cuối cùng này được nhóm dành tặng, lắp đặt ngay tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội và một số bệnh viện lớn tại Hà Nội.
Hoàn cùng các bạn và giáo viên chụp hình bên hai phiên bản của chiếc máy rửa tay tự động (ảnh:NVCC) |
Đặc biệt, cậu sinh viên năm 2 lọt vào danh sách sinh viên được thầy trưởng lab cử đi trao đổi ở Nhật Bản nhưng vì dịch Covid-19 nên Hoàn đã bị delay sang Nhật 1 năm nay. “Mọi thủ tục em đã làm xong, giờ chỉ mong tình hình dịch bệnh bên Nhật ổn để có thể sang đó học tập, học hỏi”, Hoàn chia sẻ.
Nói thêm về cuộc sống cá nhân, Hoàn sinh ra trong gia đình bố mẹ làm nông nghiệp nên ngay từ khi bước chân lên Hà Nội học tập Hoàn đã tự trang trải cuộc sống của mình bằng việc đi làm thêm và cố gắng giành học bổng, chỉ xin bố mẹ tiền học phí.
Hiện nay, Hoàn đang làm thêm ở một công ty khởi nghiệp để học hỏi, tích lũy kinh nghiệm cho bản thân để tiếp theo đó có thể xây dựng dự án khởi nghiệp cho riêng mình, cậu chia sẻ sẽ sớm thực hiện một dự án về học tập, trải nghiệm định hướng nghề nghiệp cho các bạn học sinh cấp 3 trong thời gian tới, đây sẽ là bước ngoặt và cột mốc lớn trong quá trình học tập, nghiên cứu tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội của mình.
Ngoài ra, Hoàn đã và đang tham gia dự án xã hội CyberKid Vietnam - Ra đời vào tháng 5 năm 2020, đây là tổ chức xã hội đầu tiên tại Việt Nam bảo vệ và hỗ trợ Trẻ em trước các mối đe dọa an toàn thông tin trên không gian mạng.