Chỉ tiêu tốt nghiệp cấp 2 càng cao học trò càng nhờn, thầy cô bất lực

06/04/2021 06:55
LÊ MINH
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Những em không có ý định học lớp 10, chỉ học hết lớp 9 nhằm lấy bằng tốt nghiệp để học nghề hoặc đi làm thì nhiều em đã không còn động lực học tập.

Thời điểm này, phần lớn học sinh lớp 9 ở các trường trung học cơ sở trên cả nước đang bước vào những tuần cuối cùng để chuẩn bị kiểm tra học kỳ II sớm và ôn tập tuyển sinh 10.

Những em có ý định thi vào lớp 10, nhất là sẽ dự thi vào các trường trung học phổ thông chuyên, trường điểm thì ra sức học tập nhằm trang bị cho mình những kiến thức tốt nhất để bước vào kỳ thi.

Nhưng, những em không có ý định học lớp 10, chỉ học hết lớp 9 nhằm lấy bằng tốt nghiệp để học nghề hoặc đi làm thì nhiều em đã không còn động lực học tập. Nhiều em đã buông lơi, vào lớp chỉ đùa giỡn làm ảnh hưởng đến giờ học…

Những buổi học chính khóa cuối cùng

Năm nay, học sinh cả nước cùng bước vào khai giảng năm học và bước vào thực học ở đầu tháng 9 nên chỉ trừ một số địa phương nghỉ vì dịch bệnh covid-19 thì có chậm chương trình hơn một chút.

Ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: TTXVN.

Ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: TTXVN.

Phần lớn các địa phương còn lại đều chủ động tăng tiết cho học sinh lớp 9 từ đầu học kỳ II để học sinh tổng kết năm học sớm hơn nhằm giúp cho các nhà trường chủ động xét tốt nghiệp và chuẩn bị cho công tác tuyển sinh 10.

Đa phần, các địa phương đã có kế hoạch thi tuyển sinh 10 vào đầu tháng 6 để Sở Giáo dục hoàn thiện công tác tuyển sinh 10 và bước vào kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông cho học sinh lớp 12.

Vì thế, chuyện tăng tiết cho học sinh lớp 9 là điều đương nhiên để cho học sinh có thời gian ôn tập tuyển sinh. Đây cũng là kế hoạch mà nhiều năm qua các địa phương đã thực hiện.

Thực tế, kỳ thi tuyển sinh 10 rất quan trọng đối với nhiều em học sinh, nhất là những em có ý định sẽ thi vào các trường chuyên của tỉnh hoặc những địa bàn có tỉ lệ chọi cao.

Chính vì thế, các em luôn phải tự ý thức để lĩnh hội những kiến thức mà thầy cô giảng dạy trên lớp, nhất là các môn sẽ nằm trong kế hoạch thi tuyển sinh 10.

Thế nhưng, hiện nay các nhà trường đang phải đối mặt với tình trạng một bộ phận học sinh không thi lớp 10 và trong số đó có những em không còn thiết tha với việc học.

Đến lớp, các em này chủ yếu chỉ điểm danh và vui chơi cùng chúng bạn còn việc học chẳng thèm đoái hoài đến nữa. Bài vở không ghi, giáo viên hỏi gì cũng nói không biết nhưng lại thường xuyên nói chuyện và chọc phá bạn bè.

Giáo viên nhắc nhở thì những em này không nghe, ghi sổ đầu bài cũng chẳng làm học trò sợ vì các em biết rằng ghi sổ đầu bài cũng chẳng để làm gì.

Trong khi, gần như suốt năm học này các địa phương chủ trương không chào cờ ngoài sân trường mà giao nhiệm vụ này cho giáo viên chủ nhiệm. Những thầy cô nào “rắn” thì lớp có nền nếp, có những thầy cô hiền một chút thì học sinh lớp đó đã mất dần kỷ cương trong trường học.

Giáo viên chủ nhiệm mà học sinh không sợ thì làm sao các em vâng lời giáo viên bộ môn…

Nhiều giáo viên cảm thấy bất lực, nhất là những môn mà học sinh không thi tuyển sinh 10 bởi các em biết rằng dù không cần học hành gì thì giáo viên, nhà trường cũng sẽ tìm cách cho học sinh tốt nghiệp.

Trước đây đã vậy và bây giờ cũng sẽ thế thôi. Đây chính là lỗ hổng trong quản lý và đánh giá chất lượng học tập hiện nay của các nhà trường.

Nhiều giáo viên đang bất lực trước học trò

Với những quy định hiện nay, cùng với những chỉ tiêu các nhà trường đã ấn định từ đầu năm học thì bắt buộc giáo viên dù không muốn cũng phải đồng lõa với bệnh ngụy thành tích và đánh giá giả dối.

Bởi trường nào cũng muốn cho học sinh của mình tốt nghiệp để ra trường, chỉ những em vi phạm nặng hoặc nghỉ học quá thời gian theo quy định mới không đủ điều kiện xét tốt nghiệp.

Những em vẫn đến trường hàng ngày thì nhà trường luôn tạo điều kiện để học sinh hoàn thành các môn học, các cột điểm để xét tốt nghiệp theo chỉ tiêu đầu năm học.

Trường nào ít nhất cũng phải 98- 99% tốt nghiệp, nhiều trường có tỉ lệ 100% học sinh đủ điều kiện để đề nghị công nhận tốt nghiệp.

Năm này qua năm khác, học sinh ngày càng nhờn với thầy cô. Đây là một sự thật đã tồn tại nhiều năm nhưng các nhà trường không thể nào khắc phục được và tất nhiên người vất vả nhất là những thầy cô đứng lớp và những em thi tuyển sinh 10 cũng bị ảnh hưởng theo.

Phê bình học trò thì thầy cô không được phép, mắng cho học trò tỉnh ngộ thì vi phạm đạo đức nhà giáo mà để học sinh quậy phá, không chịu học hành thì giáo viên không dạy được, tội cho những em sẽ thi tuyển sinh 10.

Giá như những năm qua, các trường học đánh giá thật, xét tốt nghiệp thật, đừng “thương” học trò nhiều quá. Giá như các địa phương đừng quá nặng vào tỉ lệ tốt nghiệp mà đánh giá thật một vài năm thì khóa sau sẽ nhìn vào khóa trước mà biết sợ, học tập.

Nhưng cũng vì thành tích, vì chỉ tiêu giao từ trên xuống mà các nhà trường phải đồng lõa với bệnh ngụy thành tích mà tạo điều kiện công nhận tốt nghiệp cho học trò.

Giáo viên thì gần như chẳng còn một chút thực quyền nào khi đứng lớp. Chỉ biết động viên học trò học tập nhưng những em đã không còn động lực học tập thì động viên kiểu gì cũng như “nước đổ lá khoai” mà thôi.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

LÊ MINH