Chỉ tuyển đặc cách trung cấp sư phạm, giáo viên có bằng đại học khóc ròng

08/09/2020 06:03
MINH THẢO - AN NGUYÊN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Mặc dù tốt nghiệp hệ đại học, cao đẳng và có thời gian giảng dạy hơn chục năm nhưng nhiều thầy cô giáo không được xét tuyển đặc cách do vướng quy định ngặt nghèo.

Mới đây, nhiều giáo viên tiểu học ở thành phố Buôn Mê Thuột (Đắk Lắk) đã gửi đơn kiến nghị đến cơ quan chức năng xem xét về việc họ không được xét tuyển đặc cách theo công văn số 5378 của Bộ Nội vụ năm 2019.

Trình độ đại học vẫn cần bằng trung cấp sư phạm

Theo phản ánh của những giáo viên này thì họ được ký hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội từ ngày 31/12/2015 trở về trước nhưng không được diện ưu tiên xét tuyển đặc cách.

Thông báo tuyển dụng đặc cách giáo viên đã có hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội từ ngày 31/12/2015 trở về trước. Ảnh: MT

Thông báo tuyển dụng đặc cách giáo viên đã có hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội từ ngày 31/12/2015 trở về trước. Ảnh: MT

Lý do là vướng quy định được nêu trong thông tư liên tịch số 21 năm 2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ về việc quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học công lập.

Trong đó, xác định tiêu chuẩn của giáo viên tiểu học hạng IV phải “có bằng tốt nghiệp Trung cấp sư phạm tiểu học hoặc Trung cấp sư phạm các chuyên ngành phù hợp với bộ môn giảng dạy trở lên”.

“Thông tư liên tịch số 21 quy định bằng trung cấp sư phạm trở lên, có nghĩa là bằng trung cấp sư phạm là tối thiểu, chứ không phải chỉ có bằng trung cấp sư phạm mới được tuyển.

Các giáo viên đều có bằng tốt nghiệp cao đẳng/đại học chuyên ngành phù hợp với bộ môn giảng dạy và có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm. Nhưng chúng tôi lại không được xét tuyển đặc cách là một điều vô lý”, thầy PVNH. (một giáo viên ở thành phố Buôn Mê Thuột) phản ánh.

Theo các thầy cô, trong giai đoạn ngành giáo dục thành phố đang thiếu hụt giáo viên bộ môn ở những vị trí này thì các giáo viên có cơ hội được tuyển vào ngành.

“Khi được tuyển dụng và ký kết hợp đồng lao động chúng tôi đạt tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và đủ điều kiện để tham gia công tác giảng dạy.

Bây giờ, chúng tôi đều là những giáo viên có nhiều năm công tác trong ngành giáo dục. Người ít cũng từ 5 - 6 năm, người nhiều cũng trên 20 năm công tác.

Với thâm niên công tác của mình, chúng tôi đã dần dần lấy được niềm tin từ lãnh đạo nhà trường, đồng nghiệp, phụ huynh và học sinh bằng chính năng lực, bằng sự học hỏi và trau dồi không ngừng của bản thân.

Đặc biệt là bằng kinh nghiệm, những kỹ năng được đúc kết trong suốt quá trình giảng dạy của mình, những tình yêu của chúng tôi dành cho học sinh lớn dần theo số năm công tác, điều đó đã thúc đẩy cho bản thân luôn tự tìm tòi và học hỏi để làm thế nào có thể đem đến cho các em học sinh niềm hạnh phúc mỗi khi đến trường”, (trích đơn kiến nghị).

“Bên cạnh đó, trong quá trình công tác, chúng tôi đã tích cực tham gia các cuộc thi do các cấp tổ chức: giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp thành phố, cấp tỉnh, thi giáo án điện tử… và đã đạt đạt nhiều kết quả cao.

Ngoài ra chúng tôi còn được tham gia tập huấn chuyên môn hàng năm do các cấp tổ chức; luôn chăm chỉ rèn luyện, học tập để nâng cao trình độ chuyên môn và năng lực sư phạm của mình nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy.

Luôn cố gắng để hoàn thành xuất sắc, hoàn thành tốt nhiệm vụ của năm học (nhiều năm liền đạt danh hiệu: chiến sỹ thi đua, lao động tiên tiến).

Vậy những kinh nghiệm, kỹ năng mà chúng tôi dày công đúc kết được từ khi mới bắt đầu vào nghề cho đến ngày hôm nay thì có thể so sánh với những kinh nghiệm sư phạm trên giảng đường hay không?”, thầy H. đặt vấn đề.

Bằng cấp phù hợp chuẩn mới của Luật giáo dục 2019

Cũng tại đơn kiến nghị lần này, những giáo viên hợp đồng lấy dẫn chứng tại Điều 72 Luật Giáo dục 2019 được áp dụng từ ngày 1/7/2020 quy định trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo:

Có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên đối với giáo viên tiểu học.Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm”.

Với quy định này thì trường hợp của chúng tôi có thể được xem xét lại hay không? Vì thời điểm ký hợp đồng, chúng tôi đáp ứng điều kiện là có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm theo quy định - thầy H. nói.

Ngoài ra, nhiều giáo viên hợp đồng có hoàn cảnh khó khăn, phần đông giáo viên là nữ, độ tuổi trên 30 tuổi, đã có gia đình, con cái đang trong giai đoạn đến trường.

Với hoàn cảnh như vậy rất khó để những giáo viên này có thể bắt đầu một công việc mới, thích nghi với môi trường làm việc mới.

Nhiều giáo viên cảm nhận mình sẽ rơi vào cảnh thất nghiệp, không biết xoay sở với cuộc sống hàng ngày như thế nào? Rồi việc học của các con sẽ ra sao?

Cuộc sống gia đình có bị ảnh hưởng nhiều hay không khi điều kiện xét tuyển trong kế hoạch số 2970/KH-UBND ngày 7/4/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk không có sự nới lỏng đối với những giáo viên này.

“Với tình yêu nghề, yêu trẻ lớn dần theo thời gian gắn bó với trường, với nghề, với các em học sinh chúng tôi rất mong muốn có được ổn định để tiếp tục gắn bó với nghề.

Vì vậy chúng tôi kiến nghị cơ quan chức năng xem xét tạo điều kiện cho các giáo viên đã có hợp đồng lao động trong chỉ tiêu biên chế và đóng bảo hiểm xã hội từ ngày 31/12/2015 trở về trước như chúng tôi được phép tuyển dụng đặc cách để chúng tôi có thể hết mình cống hiến cho sự nghiệp giáo dục”, một giáo viên chia sẻ.

Theo phương án tuyển dụng đặc cách đối với giáo viên hợp đồng và có đóng bảo hiểm xã hội trước ngày 31/12/2015 trở về trước của thành phố Buôn Mê Thuột thì có 137 chỉ tiêu giáo viên mầm non, 234 giáo viên tiểu học, 81 giáo viên bậc trung học cơ sở.

(Còn nữa)

MINH THẢO - AN NGUYÊN